Dân bản cùng gia chủ múa hát đón mừng Lễ hội Mìn Loóng Phạt - Lễ hội hoa mào gà. Ảnh: Ngọc Huyền
Trong cộng đồng 20 dân tộc tỉnh Lai Châu, dân tộc Cống có 380 hộ/1.700 người. Người Cống có hai nhóm địa phương là Cống vàng và Cống đen. Nhóm Cống vàng - Xắm Khống Sứ Lư sinh sống chủ yếu ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (nay là xã Mường Tè), tỉnh Lai Châu và xã Nậm Kè, tỉnh Điện Biên. Nhóm Cống đen - Xắm Khống Nà Là sinh sống ở bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (nay là xã Mường Mô) và xã Kan Hồ, huyện Mường Tè (nay là xã Bum Tở).
Người Cống ở bản Táng Ngá có 104 hộ dân và hơn 500 nhân khẩu. Sinh sống lâu đời trên vùng đất Lai Châu, đồng bào dân tộc Cống đã hình thành và lưu giữ một nền văn hóa phong phú, đặc sắc. Trong đó, Lễ hội Mìn Loóng Phạt là lễ hội cổ truyền lớn nhất trong năm của người Cống, phản ánh sinh động bản sắc văn hóa của dân tộc này. Được tổ chức sau khi thu hoạch xong mùa vụ và gắn liền với những sinh hoạt cộng đồng, Lễ hội Mìn Loóng Phạt còn giữ được nét văn hóa truyền thống riêng có của người Cống. “Mìn loóng” có nghĩa là lễ hội hoặc tết, “phạt” có nghĩa là hoa mào gà. Cụm từ “Mìn Loóng Phạt” được hiểu là Lễ hội hoa mào gà, để cảm tạ ông bà tổ tiên và các thần linh đã ban cho họ một vụ mùa no đủ, bội thu.
Để đón Lễ hội Mìn Loóng Phạt, người Cống thường chuẩn bị trước 3 đến 4 ngày. Không khí nhộn nhịp lan tỏa đến từng gia đình, dòng họ, làng bản. Mọi người cùng nhau lên rừng kiếm củi, lấy măng, xuống suối bắt cá, lên nương hái hoa mào gà, hái nấm, lấy quả bí, đào gừng... Trong đó, hoa mào gà là loại hoa không thể thiếu vì người Cống quan niệm đây là loài hoa được tổ tiên và thần linh ban cho, làm bạn với các loại cây trồng trên nương, bảo vệ chúng khỏi sự phá hoại của sâu bọ, chuột, sóc, thú rừng, dịch bệnh và thiên tai. Ngoài ra, còn có rất nhiều món ăn được chế biến từ các sản vật tự nhiên và nuôi trồng để dâng cúng tổ tiên.
Vào sáng sớm ngày diễn ra Lễ hội Mìn Loóng Phạt, mọi thành viên trong gia đình ông Lò Văn Bun cùng dòng họ đều dậy sớm ra suối gần bản để tắm hoặc gội đầu, vì người Cống quan niệm rằng, làm như vậy sẽ gột rửa những xui xẻo, bệnh tật, vất vả, chuẩn bị đón năm mới với nhiều may mắn và tốt đẹp. Sau khi tắm gội xong, mỗi người mang một ống nước sạch về nhà với hy vọng cầu mong sự khỏe mạnh, bình an. Tiếp đó, các thành viên trong gia đình chuẩn bị một mâm cơm để cúng tổ tiên, kết thúc một mùa vụ. Nghi lễ cúng tổ tiên, thần linh do ông Lò Văn Bun - chủ nhà thực hiện. Con cháu trong gia đình phải có mặt và ngồi phía sau chủ lễ.
Để chuẩn bị cho lễ hội, dân bản lên nương lấy hoa mào gà về để cúng. Ảnh: Ngọc Huyền
Sau khi thắp đèn dầu và tiến hành nghi lễ cúng, ông Lò Văn Bun - người chủ lễ quỳ lạy ba lạy rồi đọc lời cúng: "Hôm nay là ngày lành tháng tốt, con cháu đã thu hoạch mùa vụ xong, chuẩn bị lễ vật để thờ cúng tổ tiên gồm: hoa mào gà, lợn, gà, hoa quả, bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, gừng, khoai lang, củ đậu... mời tổ tiên về cùng ăn, phù hộ cho con cháu sức khỏe dồi dào, vụ mùa năm nay no đủ, vụ sau được nhiều hơn nữa; nuôi lợn, nuôi gà ngày càng phát triển, kinh tế sản xuất ổn định".
Kết thúc lễ cúng, ông Lò Văn Bun cầm cả túm gừng gõ vào trống chiêng một hồi để báo hiệu cho tất cả mọi người tham gia nghi lễ và cộng đồng biết. Mâm cúng được bày ra, các thành viên trong gia đình, dòng họ và dân bản đến chung vui, chúc tụng nhau, cùng uống rượu, đánh trống, chiêng, múa hát đón mừng Lễ hội Hoa mào gà. Mọi người cùng nhau múa xòe, gia chủ cầm từng nắm gạo tung lên cao để cảm tạ tổ tiên và thần linh đã ban cho một vụ mùa no đủ và bội thu.
Trong thời gian tổ chức Lễ hội Mìn Loóng Phạt, bản làng người Cống tưng bừng tiếng trống, tiếng chiêng và các nhạc cụ truyền thống làm từ tre, nứa như hưu may, tăng bẳng, tăng bu... Các làn điệu dân ca, hát đối đáp giao duyên cùng vòng xòe đoàn kết luôn sôi động, hòa cùng các hoạt động thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ... thể hiện sự đoàn kết bền chặt của cộng đồng. Theo ông Lò Quốc Toản, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu, thành viên Ban Chỉ đạo tái hiện lễ hội cho biết: “Lễ hội Mìn Loóng Phạt không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người Cống, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, là sợi dây gắn kết cộng đồng người Cống trên khắp bản làng. Lễ hội còn nhằm khích lệ, động viên người Cống luôn đoàn kết, hăng say lao động, sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.”
Qua đó, người Cống thêm niềm tin vào cuộc sống, có tinh thần tương trợ, gắn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, cùng nhau bảo tồn và phát huy kho tàng tri thức văn hóa dân gian phong phú; từng bước tạo thành sản phẩm hấp dẫn gắn với phát triển du lịch ở địa phương, thực hiện tốt Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Lai Châu.
Ngọc Huyền