Độc đáo món gỏi hoa phượng mênh mang nỗi nhớ miền quê ngoại

Độc đáo món gỏi hoa phượng mênh mang nỗi nhớ miền quê ngoại
2 ngày trướcBài gốc
Cảnh quê thanh bình vùng ven đô Sài Gòn, mơn man xanh mát cánh đồng rau muống Quận 12.
Chiều muộn, cành phượng lòa xòa soi bóng, tạo nên khung cảnh quê thật nên thơ và lãng mạn.
Chọn hái những búp non tươi thắm, chuẩn bị cho món gỏi hoa phượng năm xưa của ngoại.
Nơi ấy, không chỉ có những cánh đồng lúa xanh ngát mơn man, con lạch nhỏ sau vườn lặng lờ trôi, mà còn có cả dáng hình ngoại tảo tần in bóng bên hàng phượng vĩ rực sắc màu đỏ thắm, tỉ mẩn chọn hái những bông hoa mơn mởn, chuẩn bị cho món gỏi phượng vĩ danh bất hư truyền, ngoại tự tay trộn theo công thức riêng chỉ để “phục vụ nhỏ cháu cưng của bà!”.
Thuở hàn vi, ngày ngày cắp sách tới trường, cuộc sống cứ thế trôi đi trong nhịp điệu đều đặn của những tiết học và tiếng trống trường quen thuộc, vui đùa cùng đám bạn thân, cút bắt quanh tàng phượng vỹ. Rồi một hôm, cơn mưa rào chợt đến chợt đi, nhường chỗ cho tia nắng vàng chói chang hòa điệu cùng tiếng ve ong óng từ tít mít hàng me réo gọi hè về, lòng tôi lại rộn ràng niềm vui được về quê ngoại.
Tiếng ve lẫn trong tiếng trống trường “thùng thùng…” thúc giục, như lời chào tạm biệt để gọi mời những ngày hè rực rỡ đang đến. Lũ trẻ nít lâu nhâu, lít nhít, í ới chia tay thầy cô, bạn bè, rồi vội ùa ra cổng, bỏ mặc bóng phượng vỹ già, đơn độc giữa sân trường thâm u, đang dần chuyển mình vào chạng vạng.
Nhành phượng vỹ, hoa của tuổi học trò với bao kỷ niệm thuở cắp sách đến trường.
Chuyến nghỉ hè về miền quê ngoại, từ Sài Gòn về Cần Thơ thời đó là cả một hành trình dài, một cuộc phiêu lưu thực sự. Xuất phát từ bến xe lúc 4 giờ sáng khi thành phố vẫn còn chìm trong màn đêm tịch mịch, tôi đã gà gật trên ghế xe, nửa tỉnh nửa mơ bắt đầu chuyến hành trình của cả ngày dài di chuyển.
Con đường quốc lộ 1A ngày ấy chưa được rộng rãi, bằng phẳng như bây giờ. Xe cứ thế ì ạch lướt qua những thị trấn nhỏ, những cánh đồng lúa bạt ngàn và những hàng cây thưa thớt vùn vụt trôi qua. Hồi hộp nhất là mỗi khi xe tới bến phà, những con phà cũ kỹ, nặng nề, phì phò rẽ sóng cõng người và xe qua sông.
Có khi kẹt phà lâu, xe phải chờ đợi hàng giờ dưới cái nắng chói chang, tôi lại sốt ruột không yên, chỉ mong chuyến xe như có phép màu, bay vụt lên không trung để rồi nhanh chóng đáp xuống căn nhà mái ngói đơn sơ, thấp thoáng dưới hàng cau, hàng dừa và vô số các loại cây ăn trái miền dân dã quê ngoại.
Nếu không kẹt phà thì khoảng 4 – 5 giờ chiều là xe thả mẹ con tôi bên bến sông. Từ đây, chặng cuối cùng để về tới nhà ngoại chỉ cần băng qua khúc sông nhỏ bằng chuyến đò ngang.
Tiếng máy nổ lạch phạch của con đò, cảm giác bồng bềnh trên mặt nước, hòa cùng hương phù sa đặc trưng của dòng sông Hậu luôn là những ký ức không thể phai mờ. Để rồi, vừa đặt chân lên bờ bên kia, lội bộ thêm vài ba bước là tôi đã ùa vào mảnh sân quê thân thuộc.
Mảnh sân ấy, hai bên ngoại trồng lủ khủ các cây ăn trái: nào là cây xoài sai trĩu quả, cây ổi ngọt lịm, rồi mít, sầu riêng… Nhưng đặc biệt hơn cả, sau con lạch nhỏ cuối sân là hàng phượng vỹ lòa xòa soi bóng, rực đỏ cả khoảnh trời chiều.
Để làm món gỏi độc đáo, ngoại phải chọn những bông phượng vỹ mới nở, cánh còn tươi rói, đỏ thắm.
Ngoại cẩn thận tách từng cánh hoa, rửa sạch nhẹ nhàng để không làm nát, rồi ngâm trong nước lạnh cho hoa giòn và giữ được màu sắc tươi tắn.
Sau một giấc ngủ no say để lấy lại sức sau chuyến đi dài, món đầu tiên ngoại đãi nhỏ cháu bao giờ cũng là gỏi tai heo trộn cùng những bông phượng vỹ sau vườn. Món ăn này không chỉ là một món ăn nhẹ, mà nó còn là cả một phần tuổi thơ tôi, là hương vị đặc trưng của miền quê ngoại mỗi độ hè về.
Cũng như bao món gỏi, nộm khác ở miền Tây sông nước, món gỏi hoa phượng của ngoại mang vị chua ngọt đặc trưng. Nhưng điều khiến món gỏi này trở nên vô cùng đặc biệt, khó quên, chính là sắc màu rực rỡ và tài nghệ khéo léo, gia giảm mắm muối, nêm nếm vừa ăn của ngoại.
Mỗi đĩa gỏi với đầy đủ vị được trình bày cầu kỳ, đẹp mắt, như một bức tranh sống động về miền quê thanh bình.
Từ bí quyết để chọn chiếc tai heo, cách luộc sao cho khéo, cho đến cách pha nước mắm chua ngọt, cay nồng v.v.. ngoại đều tận tình chỉ bảo.
Ngoài sắc màu đỏ thắm hoa phượng, không thể thiếu là những chiếc tai heo được luộc chín tới, thái mỏng tang, giòn sần sật. Món ngon hấp dẫn còn có cả dưa chuột, cà rốt thái sợi, hành tây thái lát mỏng, tất cả đều được vắt ráo nước để giữ độ giòn.
Phần nước trộn gỏi chính là linh hồn của món này, và đây là nơi ngoại thể hiện tài năng nêm nếm bậc thầy của mình. Nước mắm ngon, đường, chanh tươi, tỏi ớt băm nhuyễn được pha chế theo một tỉ lệ bí mật mà ngoại chỉ chân truyền cho nhỏ cháu yêu của bà.
Món gỏi hoa phượng của ngoại không chỉ là một món ăn, mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật, hòa trộn bởi các sắc màu sinh động.
Vị chua của chanh, vị ngọt của đường, vị mặn của nước mắm, vị cay nồng của ớt, và hương thơm của tỏi hòa quyện vào nhau tạo nên một bản giao hưởng vị giác tuyệt vời. Ngoại thường thêm một chút đậu phộng rang giã dập và rau thơm thái nhỏ như húng quế, rau răm để tăng thêm hương vị và độ hấp dẫn.
Khi trộn gỏi, ngoại nhẹ nhàng dùng tay trộn đều các nguyên liệu. Từng cánh hoa phượng đỏ tươi như những đốm lửa nhỏ, xen lẫn với màu trắng ngà của tai heo, màu xanh của dưa chuột, màu cam của cà rốt, và màu vàng của đậu phộng rang.
Sắc màu thắm đỏ của hoa phượng không chỉ làm món ăn thêm bắt mắt mà còn mang một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Nó gợi nhớ đến những buổi chiều hè nắng chang chang, những cánh phượng rơi đầy sân, và những tiếng cười giòn tan của tuổi thơ khám phá miền quê sông nước.
Khi thưởng thức, vị chua ngọt thanh mát hòa quyện với vị giòn sần sật của tai heo, vị bùi bùi của đậu phộng, và vị chát nhẹ của hoa phượng tạo nên một trải nghiệm ẩm thực độc đáo.
Ăn kèm với bánh phồng tôm giòn rụm hoặc bánh tráng nướng, tạo nên sự kết hợp hoàn hảo khó quên của món gỏi.
Giờ đây, khi đã lớn khôn, bận rộn với cuộc sống mưu sinh nơi phố thị, nhưng ký ức về miền quê ngoại, về những mùa hè tung tăng hái hoa, bắt bướm, râm ran tiếng ve sau vườn và đặc biệt là món gỏi hoa phượng của ngoại, càng trở nên sâu sắc và quý giá hơn bao giờ hết.
Để rồi mỗi độ hè về, nhìn những cánh phượng vỹ đỏ rực trên phố, lòng tôi lại nôn nao trở về miền quê sông nước lững lờ trôi cùng nỗi nhớ ngoại bên những tháng ngày êm đềm lại cuồn cuộn kéo về mạnh mẽ.
Nâng niu những cánh phượng mỏng tang lay lay trong gió, mang theo nỗi nhớ miền quê thanh bình, bóng dáng ngoại như hiện diện đâu đây.
Giờ đây dù xa quê, nhưng hình ảnh ngoại và món gỏi hoa phượng sắc màu thắm đỏ, chua ngọt ấy vẫn hiện hữu rõ nét trong tâm trí tôi. Thỉnh thoảng, tôi lại tự mình tìm hái những bông hoa phượng để thử làm món gỏi ấy, nhưng dù cố gắng đến mấy, cảm giác hương vị vẫn không thể nào giống như món gỏi năm xưa của ngoại.
Có lẽ, bởi vì hương vị của món gỏi hoa phượng không chỉ đến từ những nguyên liệu tươi ngon, từ công thức nêm nếm, mà còn đến từ tình yêu thương, từ bàn tay tảo tần, từ lời dặn dò của ngoại, từ những ký ức tuổi thơ êm đềm mà tôi đã trải qua nơi miền quê sông nước.
Nhạn Dung
Nguồn Du lịch TP.HCM : https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/doc-dao-mon-goi-hoa-phuong-menh-mang-noi-nho-mien-que-ngoai-c12a97543.html