Người dân Lào tham gia đang thực hiện nghi lễ Xaybath trong khuôn viên của chùa Thatluang. Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN
Theo truyền thống của Lào, mỗi người khi tham gia nghi lễ Xaybat đều cần cởi bỏ giày, dép và xếp theo hàng, hoặc ngồi xung quanh trên những chiếc chiếu, chiếc thảm, trên tay sẵn sàng với lễ vật dâng tặng gồm tiền, bánh kẹo, xôi… cho các nhà sư về tham dự Boun Thatluang.
Đối với các nhà sư, việc nhận lễ vật cúng dường được coi là cách để họ gìn giữ lối sống xuất gia và phẩm hạnh khiêm tốn của bản thân. Đây cũng là cơ hội cho người dân Lào tích lũy công đức bằng cách cho đi không vị kỷ. Với việc tham gia vào nghi lễ Xaybath, người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Phật giáo và cầu mong phước lành.
Một góc quang cảnh Lễ Xaybath phía trước sân Thatluang. Ảnh: Xuân Tú/TTXVN
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, nhà sư Keodam Pauvongpha ở chùa Sokpaluang cho biết Boun Thatluang là một phong tục tập quán tốt đẹp và Xaybath có ý nghĩa rất quan trọng về mặt tinh thần trong đời sống văn hóa của người dân Lào, vừa là để tưởng nhớ về những người thân và họ hàng đã khuất, vừa là để cầu mong cho linh hồn của họ được an lạc nơi cõi vĩnh hằng.
Nhà sư Keodam chia sẻ phần lớn người dân Lào theo đạo Phật nên nghi lễ này cũng là cách để dạy dỗ con cháu biết và hiểu về phong tục tập quán tốt đẹp, tiếp tục thực hiện. Đây cũng là hình thức tuyên truyền, phổ biến văn hóa để người dân cũng như thế giới biết về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong tục tập quán của Lào. Khi tới tham dự nghi lễ Xaybath, mọi người sẽ cùng nhau làm phúc, qua đó thể hiện sự thương yêu và tinh thần đoàn kết của người dân Lào được kế thừa từ bao đời nay.
Toàn cảnh lễ Xaybath trong lễ hội Thatluang tại thủ đô Viêng Chăn sáng ngày 15/11. Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN
Trong quan niệm của người Lào, đây không chỉ là một nghi lễ có truyền thống lâu đời mà còn mang ý nghĩa sâu sắc. Mọi người tập trung tại sân chùa Thatluang, ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất, là nơi hội tụ tình đoàn kết của người dân các dân tộc Lào.
Xuân Tú - Bá Thành (TTXVN)