Độc đáo, nhân văn, thiết thực cho cộng đồng

Độc đáo, nhân văn, thiết thực cho cộng đồng
một ngày trướcBài gốc
Độc đáo, nhân văn và thiết thực cho cộng đồng, những thiết kế kiến trúc được vinh danh cũng là những công trình văn hóa mang ý nghĩa biểu tượng thời đại, sớm có vị trí trong đời sống cộng đồng.
Sau hơn một thập kỷ, Giải thưởng Lớn Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2024-2025 được trao cho công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: TR.HUẤN
Giải thưởng Lớn thứ hai sau hơn một thập kỷ
Giải thưởng Lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 được trao cho công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là thông tin nức lòng công chúng. Không chỉ bởi thiết kế độc đáo, quy mô đồ sộ, hoành tráng mà còn bởi “giá trị sống” của một thiết chế văn hóa được cộng đồng mong đợi bấy lâu.
Hội đồng Giám khảo đánh giá, công trình kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho thấy quy mô đồ sộ, đầu tư lớn và đầy tâm huyết. Công trình không chỉ bảo đảm về chất lượng thiết kế, thi công mà còn chứa đựng giá trị xã hội sâu sắc.
Đặc biệt, sau Giải thưởng Lớn đầu tiên được trao năm 2014 cho công trình Nhà Quốc hội, đến nay, sau hơn một thập kỷ phát triển của nền kiến trúc, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia mới tìm được công trình xứng đáng để trao Giải thưởng Lớn thứ hai.
Ở hạng mục Kiến trúc công cộng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sau mở cửa đã sớm khẳng định sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước. Gánh vác trọng trách khắc họa, tái hiện sinh động hành trình dựng nước và giữ nước qua nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm lẫy lừng của dân tộc, công trình Bảo tàng cũng tạo dấu ấn kiến trúc với những thiết kế vượt trội, mang ngôn ngữ và tầm vóc thời đại.
Sử dụng hình thức kiến trúc đơn giản, chắt lọc về ngôn ngữ, các chuyên gia kiến trúc hàng đầu nhận định, “điểm cộng” của thiết kế bảo tàng ở chỗ ý tưởng độc đáo, khai thác hợp lý đặc trưng văn hóa, lịch sử chống ngoại xâm của người Việt Nam với truyền thuyết về “Nỏ thần An Dương Vương”.
Điều này làm tăng thêm giá trị giáo dục về sự tri ân và lòng yêu nước của người Việt Nam. Thiết kế mặt tiền được tạo nên từ dãy cột tinh giản, gợi cảm giác uy nghiêm và tôn kính. Chỉ với một chiếc trụ nhưng các KTS đã tạo nên cả một ngôi đền.
Tổng mặt bằng quy hoạch là giải pháp kết nối hợp lý công trình bảo tàng với cảnh quan xung quanh như một công viên, đáp ứng nhu cầu trưng bày và hoạt động đa dạng ngoài trời của cộng đồng.
Đặc biệt, phần “lõi” vốn được xem là “linh hồn” của các thiết chế bảo tàng, không gian này có thể xem như là một đáp án hoàn hảo, đáp ứng những trông chờ của công chúng bấy lâu.
Với quan điểm lấy con người, chủ nhân của lịch sử làm trung tâm, các không gian triển lãm nhấn mạnh đặc trưng bản sắc văn hóa quân sự Việt Nam, bảo đảm tính chính trị và khoa học, tính dân tộc và hiện đại, tính cơ bản và hệ thống, kết hợp trưng bày theo tiến trình lịch sử với trưng bày các chuyên ngành quân sự, các chuyên đề và sưu tập.
Điểm lý thú là các không gian chờ, không gian để công chúng trải nghiệm, khám phá và sáng tạo.
Theo KTS Trịnh Việt A, thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam như một hành trình tìm về chính mình. Các KTS đã dành 7 năm chuẩn bị các tư liệu và với họ, công việc thiết kế bảo tàng có quy mô mang tầm quốc gia này là niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao.
Công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: VŨ ĐỨC ANH
Những biểu tượng mang tâm hồn dân tộc
Khu tái thiết làng Nủ và Nậm Tông là công trình được trao giải Vàng, hạng mục Kiến trúc công cộng. Đây cũng là một tác phẩm dấu ấn tạo sức lan tỏa, thu hút sự chú ý của dư luận tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025.
Mang giá trị nhân văn sâu sắc, Khu tái thiết làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) và Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà) do nhóm KTS Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Xuân Ngọc, Vũ Xuân Sơn và cộng sự thiết kế.
Khu tái định cư làng Nủ mới tại vùng đồi sim, cách làng Nủ cũ 2 km. Trên diện tích 10 ha, ngôi làng mới gồm 40 nhà sàn, nhà sinh hoạt cộng đồng và điểm trường mầm non kết hợp tiểu học.
Quy hoạch tổng thể lấy nhà văn hóa, sân cộng đồng và điểm trường làm hạt nhân trung tâm. Các khu ở được phân bố thành các cụm dân cư nhỏ theo truyền thống người Tày.
Các tuyến giao thông lên xuống nương theo địa hình, điểm kết giao thông là sân nhỏ, cũng là không gian cộng đồng ngắm cảnh chung. Những ngôi nhà tổ hợp trên các cốt cao độ khác nhau, tạo sự phong phú tự nhiên, tối ưu việc san gạt, giảm thiểu tác động bối cảnh.
Khu tái thiết làng Nủ và Nậm Tông. Ảnh: TẠP CHÍ KIẾN TRÚC
Tôn trọng và lấy cảm hứng cho thiết kế từ những yếu tố văn hóa bản địa, các KTS lựa chọn phương án kiến trúc nhà ở và nhà sinh hoạt cộng đồng tiếp biến từ nhà sàn người Tày bản địa, nhà sàn “con song bốn bức” của vùng Bảo Yên.
Nhà “con song bốn bức” là sản phẩm kiến trúc độc đáo, thể hiện sự hòa hợp của con người, thiên nhiên và văn hóa dân tộc. Nguồn gốc của ngôi nhà độc đáo này được hình thành từ năm 1962 bởi một thợ mộc tài ba là Ma Văn Tòng, sinh năm 1902 tự thiết kế và thi công.
Khu tái thiết làng Nủ và Nậm Tông cũng được xem là công trình thể hiện trách nhiệm xã hội của giới kiến trúc nước nhà. Sau những mất mát không gì có thể bù đắp, khu tái thiết được hoàn thành và bàn giao cho người dân bản Nủ và Nậm Tông dịp cuối năm 2024 đã không thể ngăn được giọt nước mắt hạnh phúc.
Chỉ sau 68 ngày đêm thần tốc, 55 căn nhà, 2 điểm trường, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng làng Nủ và Nậm Tông cơ bản đã hoàn thành. Ngôi làng là nơi “an cư lạc nghiệp” mới cho bà con.
Đối với những bàn tay vàng thiết kế, niềm hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi bằng tâm huyết và trách nhiệm, họ đã hoàn thành một công trình mang tâm hồn dân tộc, đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
Nhiều thiết kế được vinh danh ở các hạng mục cao tại Giải thưởng năm nay cũng là những dấu ấn văn hóa sâu sắc trong đời sống cộng đồng. Công trình “Cà phê xã”, giải Vàng ở hạng mục Kiến trúc công cộng được xem là lời giải cho bài toán duy trì sự hài hòa giữa kiến trúc mới và nếp sinh hoạt cộng đồng trong bối cảnh quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Tọa lạc tại xã Cư Ebur, khu vực ngoại ô TP Buôn Ma Thuột, nơi cư dân xóm Đạo lâu đời vẫn duy trì nếp sống xã hội gắn kết, nhóm thiết kế đã định hướng tạo nên một công trình kiến trúc không chỉ đáp ứng chức năng thương mại mà còn tôn vinh tinh thần đặc trưng địa phương.
Mục tiêu đặt ra là duy trì sự hài hòa giữa kiến trúc mới và nếp sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo công trình không làm mất đi giá trị văn hóa xã hội đã được hình thành qua nhiều thế hệ.
Với ý nghĩa nhân văn này, “Cà phê xã” được đánh giá là công trình thương mại hoàn toàn có thể vượt lên trên vai trò kinh tế, trở thành một không gian công cộng ý nghĩa. Đây sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu, tăng cường gắn kết và tương tác xã hội giữa các thành viên trong cộng đồng.
Thiết kế kiến trúc này cũng góp phần bảo tồn và làm phong phú thêm những giá trị nơi chốn, tạo nên một không gian hòa hợp giữa kiến trúc, con người và bối cảnh xã hội.
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 đã nhận được 239 công trình, tác phẩm dự thi, trong đó hạng mục Nhà ở có 88 công trình; hạng mục Công trình công cộng có 65 công trình; hạng mục Kiến trúc công nghiệp, bảo tồn và thích ứng di sản có 8 công trình; hạng mục Kiến trúc nội - ngoại thất có 27 công trình; hạng mục Kiến trúc cảnh quan có 9 công trình; hạng mục Quy hoạch có 29 dự án; hạng mục Ấn phẩm, nghiên cứu - lý luận phê bình kiến trúc có 13 tác phẩm.
NGÂN ANH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/doc-dao-nhan-van-thiet-thuc-cho-cong-dong-128378.html