Độc đáo phong vị vui đón Tết của người Dao Tây Bắc

Độc đáo phong vị vui đón Tết của người Dao Tây Bắc
3 giờ trướcBài gốc
Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, người Dao đỏ ở Yên Bái đón Tết cổ truyền theo lịch âm với tâm niệm, Tết là dịp để cả gia đình được nghỉ ngơi, sum họp, đồng bào làm lễ mời tổ tiên về vui Xuân đón Tết với gia đình và sau ngày Tết bà con cũng làm lễ tiễn đưa tổ tiên về cõi âm (gọi là Phúa Chuống).
Đây là một trong những phong tục tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Dao đỏ sinh sống ở khu vực Tây Bắc.
Thiếu nữ dân tộc Dao đỏ huyện Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: Vũ Đạo
Vui đón Tết cổ truyền dân tộc, với nhiều mong ước, đồng bào Dao Yên Bái cũng không quên nhắc nhau đoàn kết, xây đắp cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Từ tháng 7, tháng 8 Âm lịch, các gia đình người Dao Yên Bái đã chuẩn bị nuôi gà, lợn cho ngày Tết cổ truyền.
Đầu tháng Chạp, khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất, bà con cùng nhau gói bánh gù, một loại bánh truyền thống của người Dao và bánh được làm từ một loại gạo nếp thơm ngon nhất để cúng tổ tiên. Các gia đình cũng tổ chức ăn Tết, mời anh em họ hàng đến chung vui cùng gia đình.
Bà con người Dao Yên Bái đang tưng bừng đón chào Xuân mới. Ảnh: Vũ Đạo
Bữa cơm tất niên rất quan trọng, các vật dụng để cúng tổ tiên không thể thiếu một con gà luộc, một đĩa xôi, bánh dày, một chai rượu, giấy dó và hoa quả.
Theo người Dao quan niệm, bữa cơm được tổ chức để báo cáo thành quả lao động của cả một năm và cám ơn "thần trời, thần đất" đã ban mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, dân bản được mạnh khỏe, no ấm. Do vậy, các gia đình người Dao cũng chia ra thời gian tổ chức để tránh các gia đình tổ chức trùng nhau.
Người Dao đỏ ở Yên Bái đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Ảnh: Vũ Đạo
Đồng bào Dao đỏ quan niệm những ngày Tết tổ tiên luôn ngự trị trên bàn thờ để vui Xuân đón Tết, phù hộ độ trì cho gia đình, con cháu. Vì vậy những lễ vật thờ như bánh gù, bánh dày, kẹo mứt, hoa quả, mía… thì phải thực hiện nghi lễ phúa chuống (hóa vàng) thì mới được đem xuống.
Chuẩn bị trang phục đi chơi Tết. Ảnh: Vũ Đạo
Việc thờ cúng tổ tiên được người Dao đỏ ở Yên Bái đặc biệt quan tâm. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở một góc trái gian chính nhà giữa nơi sạch sẽ và gọn gàng nhất. Người Dao đỏ coi tổ tiên trong nhà như thần hộ mệnh luôn theo sát và che chở cho họ. Để mỗi gia đình, dòng họ, thế hệ cháu con, nhất là ông trưởng họ luôn nhớ về nguồn gốc, lịch sử truyền thống của dân tộc mình, họ dùng chữ Hán nôm để ghi chép lại tất cả những gì diễn ra trong đời người.
Bà Triệu Thị Nhậy, một người Dao ở thôn Ngòi Thuồng, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nói về đêm Giao thừa của Người Dao: "Chuẩn bị đón Giao thừa các thành viên trong gia đình thay cho mình những bộ quần áo mới nhất để đón chào năm mới với mong muốn mọi điều an lành, may mắn và khỏe mạnh. Sau đó đợi đến giờ xuất hành, mỗi thành viên trong gia đình cầm trên tay một mảnh giấy dó cùng đi xuất hành, tìm đến một gốc cây to, chủ nhà chém ba nhát dao lên thân cây rồi lần lượt từng thành viên nhét những tờ giấy dó vào thân cây và nói “năm cũ qua đi năm mới tới, tôi xin gửi cho cây những điều xui xẻo của năm cũ qua đi, cầu cho năm mới mọi thành viên trong gia đình ai cũng mạnh khỏe, làm ăn phát tài, lợn gà đầy chuồng, thóc gạo đầy bồ, cuộc sống ngày càng ấm no”. Sau khi quay về mỗi người cầm cho mình một viên sỏi nhỏ cất ở chân bàn thờ với ý nghĩa năm mới gặt hái cho mình những phúc lộc mới".
Chị em thêu thùa đón Xuân mới. Ảnh: Vũ Đạo
Chị em thêu thùa trang phục truyền thống của dân tộc mình bằng những đường chỉ hoa văn để đón Xuân mới. Ảnh: Vũ Đạo
Ngày mồng một Tết, người Dao thường mời một người trong bản, có thể là anh em họ hàng từ trước đó đến xông đất, xông nhà cho gia đình. Người khách được mời cũng phải là người hiền lành, đức tính tốt, cần cù trong lao động, sản xuất, hợp với tuổi của gia chủ và đặc biệt phải là nam giới.
Sau khi vị khách mời vào nhà, gia chủ làm cơm thết đãi và cám ơn vị khách đã sang xông đất, xông nhà cho gia đình và cùng nâng chén rượu chúc nhau sang năm mới nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn và mùa màng bội thu hơn năm cũ.
Đây cũng là dịp để các cô gái phô trương sự khéo léo của mình được thể hiện trên những trang phục truyền thống của dân tộc mình bằng những đường chỉ hoa văn. Ảnh: Vũ Đạo
Xông nhà đầu năm cũng là nét văn hóa có từ bao đời nay, vẫn được người Dao duy trì, phát huy như một nét văn hóa không thể thiếu. Vì vậy, người được gia đình mời đến xông nhà cũng phải là người được chọn lựa kỹ như: Tuổi tác, lối sống… phải phù hợp với gia đình, gia đình nào chưa có người đến xông nhà thì tuyệt đối không ai được tự tiện đến chơi.
Đến mồng hai Tết, các bậc cha mẹ trong gia đình người Dao chuẩn bị bánh gù, mứt Tết, một chai rượu sang nhà ông bà chúc Tết. Đây cũng là dịp để tỏ lòng thành kính của phận con cháu dành cho ông bà những người sinh thành, nuôi nấng nên người.
Đồng bào Dao đỏ quan niệm những ngày tết tổ tiên luôn ngự trị trên bàn thờ để vui Xuân đón Tết, phù hộ độ trì cho gia đình, con cháu. Ảnh Vũ Đạo
Mồng ba Tết, những tiếng cười rộn rã, gọi bạn đi chơi tết, các chàng trai, cô gái Dao thay cho mình những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất để đi chơi Tết. Đây cũng là dịp để các cô gái phô trương sự khéo léo của mình được thể hiện trên những trang phục truyền thống của dân tộc mình bằng những đường chỉ hoa văn và chơi các trò chơi dân gian như đánh quay, chơi khăng, kéo co... cùng hòa vào không khí của mùa xuân.
Trong cuộc sống hiện đại, nhận thức của đồng bào đã được nâng lên, những phong tục tập quán lạc hậu được đồng bào lược bỏ, tuy nhiên vẫn không thể đánh mất những bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc.
Bà Triệu Thị Nhậy, một người Dao ở thôn Ngòi Thuồng, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết thêm: "Ngày nay khi nhận thức của đồng bào được nâng lên, những phong tục lạc hậu đã được đồng bào lược bỏ, tuy nhiên vẫn không thể đánh mất những bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình. Tôi cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn hóa mới".
Trong những ngày Tết, sau khi đi chúc năm mới những người trong họ và hàng xóm láng giềng thì già trẻ, trai gái lại nô nức kéo nhau về nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng, thường là bãi đất rộng, nay là nhà văn hóa thôn bản. Tại đây, bên chén trà đầu Xuân, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại truyền thống và những phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Lớp thanh niên thì chia thành tốp để ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi dân gian… Đặc biệt, đây cũng chính là dịp để những chàng trai, cô gái Dao gặp gỡ, tìm hiểu rồi ướm lời nhau qua những bài hát tỏ tình, giao duyên. Đã có rất nhiều đôi đã nên nghĩa vợ chồng từ những buổi đi chơi Xuân như thế…
Với đồng bào Dao Yên Bái, những tục lệ cho ngày Tết cổ truyền được đồng bào gìn giữ và lưu truyền nhiều đời nay và tạo thành văn hóa truyền thống chưa mai một. Với những nét đẹp này, người Dao Yên Bái đã góp phần làm cho ngày Tết nơi núi rừng Tây Bắc đầm ấm và thêm phong phú về bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số.
Mộc Miên
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-phong-vi-vui-don-tet-cua-nguoi-dao-tay-bac-a27737.html