Chơi bể thủy sinh được đánh giá là một thú chơi cầu kỳ, công phu, đòi hỏi người chơi phải thật sự đam mê, yêu thích lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên. Bể thủy sinh được ví như thiên nhiên thu nhỏ, người chơi có thể tự sáng tạo các không gian, hình thái, phong cảnh. Bể thủy sinh đã và đang trở thành lựa chọn của nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau...
Với kinh nghiệm của người chơi bể thủy sinh gần 2 năm nay, anh Nguyễn Tiến Trung (phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Ngay khi mua được bể cá và các phụ kiện đi kèm như: gỗ lũa, cát, sỏi, cây dương xỉ, cây lá mía, ráy lá nước… tôi tự mày mò, trang trí bể theo ý tưởng, sở thích của mình. Khi chơi bể thủy sinh hầu hết người chơi đều phải rèn cho mình sự nhẫn nại, kiên trì, có như thế mới sáng tạo ra được những bể thủy sinh theo nét riêng… Ngoài ra, tôi còn tham gia một số diễn đàn cá cảnh, bể thủy sinh trên mạng xã hội để tìm hiểu, nắm bắt kinh nghiệm, chăm sóc, nuôi dưỡng cá cũng như cây trồng thủy sinh được phát triển tốt hơn... Sau một ngày làm việc mệt nhọc, trở về nhà, ngắm nhìn bể thủy sinh do bản thân trang trí với cây cỏ xanh mướt, đàn cá bơi lội tung tăng, tôi thấy mình được thư giãn, vơi đi những căng thẳng đầu óc, lấy lại cân bằng cuộc sống.
Khách hàng mua cá cảnh và phụ kiện tại cửa hàng cá cảnh Long Quân, đường Lê Hoàn, TP Phủ Lý.
Bác Nguyễn Văn Tâm, phường Châu Cầu (thành phố Phủ Lý) lại có sở thích sưu tầm nhiều bể thủy sinh. Hiện bác đang sở hữu 5 bể thủy sinh nhỏ. Bác Tâm cho biết: Mỗi một bể, tôi đều trang trí, sắp đặt theo kiểu khác nhau, không bể nào giống bể nào để không gian ngôi nhà thêm phong phú. Mặc dù căn nhà của gia đình chỉ là nhà ống với hơn 4 mét mặt nhưng tôi vẫn dành được khoảng không gian nhất định cho thú chơi của mình. Nghỉ hưu, có nhiều thời gian, tôi chọn bể thủy sinh, chơi cá cảnh là niềm yêu thích, đam mê. Tôi thấy vui, phấn chấn, tinh thần thoải mái khi được chăm sóc, ngắm nhìn đàn cá ở các bể thủy sinh do mình nuôi dưỡng. Các con, cháu của tôi cũng đều ủng hộ thú chơi tao nhã này.
Hiện, có nhiều phong cách chơi bể thủy sinh khác nhau được người chơi chia sẻ, trong đó nổi bật là phong cách Nhật Bản. Với phong cách này, các bể thủy sinh mô phỏng những cảnh quan có thật ngoài thiên nhiên một cách chân thực, tự nhiên nhất; là phiên bản thu nhỏ của một dãy núi với những rặng cây nhấp nhô, hay một cảnh quan tuyệt đẹp dưới đáy sông, hồ. Các phụ kiện trang trí chính là đá, gỗ lũa để tạo điểm nhấn cho phong cách này...
Theo chia sẻ của một số người chơi bể thủy sinh, với hệ sinh thái đa dạng có động và tĩnh, người chơi phải nắm được cách điều hòa sự cân bằng sinh thái trong môi trường ấy. Đây cũng là một thử thách đòi hỏi tính kiên trì, đam mê và am hiểu kỹ thuật, bởi phần lớn những người mới chơi bể thủy sinh đều gặp khó khăn khi chưa có kinh nghiệm. Những người chơi bể thủy sinh luôn tìm tòi, sáng tạo cho mình lối chơi riêng, không giống ai, muốn biến bể thủy sinh trở thành một môn nghệ thuật, in đậm dấu ấn cá nhân, truyền tải thông điệp yêu thiên nhiên.
Anh Hoàng Văn Hải, chủ cửa hàng cá cảnh, phụ kiện cá cảnh và thủy sinh Long Quân, đường Lê Duẩn (thành phố Phủ Lý) cho biết: Hầu hết người chơi bể thủy sinh khi đến đây mua các phụ kiện đều được tôi tư vấn để có sự lựa chọn cho mình một phong cách chơi phù hợp. Ví dụ như bể thủy sinh Nature, đây được ví như một hồ thu nhỏ rất đơn giản, dễ setup và phù hợp đối tượng mới tập chơi. Nature có nghĩa là tự nhiên, người chơi cứ thoải mái tự bày trí sao cho phù hợp với ý mình là được, không cần quá cầu kỳ. Bể thủy sinh này tập trung chủ yếu vào phần đất nền và thảm cỏ rêu nên họ sẽ chọn cát nền tốt và chăm chút cho phần thực vật xanh là có ngay được bể thủy sinh tuyệt đẹp trong ngôi nhà... Đặc biệt, khi chơi bể thủy sinh, người chơi phải chú ý đến bộ phận lọc nước, bởi vì máy lọc của bể thủy sinh cũng được ví như "lá phổi" con người, ở đây muốn môi trường của bể thủy sinh phát triển khỏe mạnh thì phải có một bộ lọc nước khỏe, sạch, tốt. Cùng với đó, các yếu tố về nhiệt độ, nước, ánh sáng cũng cần được thực hiện bảo đảm theo tiêu chuẩn. Theo đó, nhiệt độ trong bể cần duy trì ổn định từ 23 - 25 độ C, thời lượng ánh sáng trong bể từ 6 - 8 giờ/ngày để cây thủy sinh có thể quang hợp tốt, độ pH trong nước duy trì ở mức 6,5-7,5 và thực hiện thay nước đúng chu kỳ...
Về chi phí, để có thể sở hữu một bể thủy sinh hoàn chỉnh phải có những vật dụng thiết yếu phần cứng ban đầu như: bể kính, máy lọc nước, đèn chiếu sáng, phân nền, lũa để tạo bố cục của bể… Khi bể hoàn thành phải mua cây thủy sinh, cá, tép, tôm… Một con tôm cảnh Crayfish có giá khoảng 60.000 đồng; các loại cây dương xỉ, cây thủy sinh khác giá dao động từ 20 - 40.000 đồng/cây... Người chơi đầu tư chi phí khoảng 2 triệu đồng trở lên là có thể sở hữu một bể thủy sinh tuyệt đẹp bày trong nhà.
Chơi bể thủy sinh thực sự là thú chơi tao nhã, gần gũi với thiên nhiên, giúp tâm hồn thư thái. Đối với nhiều người, chơi bể thủy sinh không chỉ là sở thích, mà còn mang ý nghĩa phong thủy, đem lại niềm vui, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Lê Dũng