Đây là tuyến xe buýt tự hành mới nhất vừa được bổ sung vào hệ thống giao thông công cộng của Seoul, Hàn Quốc.
Chỉ hoạt động vào sáng sớm
Điểm rất độc đáo của dịch vụ xe buýt tự hành là chỉ chạy lúc bình minh. Đây là chính sách do Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon khởi xướng.
Xe buýt tự lái tại Seoul phục vụ người dân vào sáng sớm.
Một quan chức thành phố Seoul cho biết: "Dịch vụ này thể hiện triết lý của Thị trưởng Oh, đó là phải ứng dụng công nghệ tiên tiến để mang lại lợi ích cho những người yếu thế".
Tuyến A160 chỉ hoạt động trong sáng sớm, khởi hành lúc 3h30 sáng từ Trung tâm trung chuyển đô thị ga Dobongsan ở phía Bắc Seoul đến Ga Yeongdeungpo, với tổng chiều dài 26km.
Xe buýt hoạt động vào các ngày trong tuần và thực hiện một chuyến khứ hồi, có thể chở tối đa 22 hành khách và không cho phép đứng vì lý do an toàn. Hiện tại, dịch vụ này miễn phí nhưng vẫn yêu cầu hành khách phải quẹt thẻ đi lại.
Dự án sẽ được thử nghiệm trong vài tháng. Sau khi kết thúc thử nghiệm, thành phố dự kiến thu phí từ nửa cuối năm 2025, giá vé dự kiến là 1.200 won (khoảng 20.600 VNĐ).
Theo chính quyền thành phố, thông tin thời gian thực về chỗ ngồi còn trống và thời gian đến sẽ được cung cấp thông qua dịch vụ bản đồ trực tuyến như Naver và Kakao.
Cách thức ứng dụng xe buýt tự lái vào khung giờ sáng sớm dự kiến sẽ dần được mở rộng do tình trạng thiếu tài xế. Năm tới, ba tuyến đường bổ sung dự kiến sẽ hoạt động vào sáng sớm.
Bên trong xe buýt tự hành
Khi chuyến xe sớm đầu tiên chạm bến, Kim Min-soo, 25 tuổi nhanh chóng bước lên. Vừa điều chỉnh dây an toàn, Kim vừa chia sẻ: "Khi nghe tin có dịch vụ này ra mắt, tôi đã rất háo hức trải nghiệm".
Nhân viên an toàn ngồi sau vô lăng nhưng không cầm lái mà chỉ can thiệp khi cần.
Bên trong xe có một màn hình lớn hiển thị vô lăng của xe theo thời gian thực. Cũng như các hành khách khác, Kim cho biết anh rất thích thú khi thấy vô lăng tự động quay mà không cần tài xế điều khiển.
Tuy nhiên, Kim cũng cảm nhận được tình trạng xe buýt dừng đột ngột, không chạy êm mượt như tài xế là con người khi di chuyển qua chướng ngại vật hoặc khi cần giảm tốc độ dần dần.
Vì lý do này, trong xe liên tục phát thông báo nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn, phòng tình huống dừng đột ngột khi xe buýt gặp chướng ngại vật.
Ngồi trên ghế lái, một người đàn ông tự giới thiệu mình là nhân viên an toàn xe buýt - không phải là tài xế. Người này cho biết công việc của anh là trực tiếp can thiệp vận hành xe buýt khi cần thiết nhưng tỉ lệ can thiệp chỉ chiếm chưa đến 10% trong tổng chiều dài tuyến đường.
Trên xe còn có một người quản lý dịch vụ đảm bảo hành khách tuân thủ các biện pháp an toàn, lưu ý những điểm dừng đột ngột và có thể bị xóc.
Lúc xe buýt rẽ đi vào khu dân cư Dobong-gu, mỗi điểm dừng lại đều có thêm hành khách lên xe. Một công nhân vệ sinh ngoài 70 tuổi tên Park chia sẻ, tuyến xe buýt này mang lại lợi thế hơn vì khởi hành sớm và có nhiều chỗ ngồi hơn so với tuyến xe buýt số 160 thường đông đúc.
Tuy nhiên, vì A160 hoạt động theo quy định nghiêm ngặt về tốc độ nên chậm hơn nhiều so với xe buýt thông thường.
Theo chia sẻ của một tài xế xe buýt kỳ cựu, dù khởi hành sớm nhưng xe buýt tuyến A160 di chuyển khá chậm trong khi chuyến buýt thông thường khởi hành muộn hơn nửa giờ, lại nhanh chóng đuổi kịp và vượt qua.
Vẫn còn nhiều e ngại
Mặc dù hệ thống xe buýt tự lái mang lại lợi ích cho nhiều người dân Seoul, nhưng cũng có một số vấn đề cần giải quyết.
Không giống như người lái xe, hệ thống tự vận hành hoạt động bằng cách sử dụng cảm biến, phân tích tình trạng giao thông. Do đó, nếu xảy ra lỗi do hệ thống cảm biến có thể dẫn đến lo ngại về an toàn.
Gần đây, trên báo chí Hàn Quốc xuất hiện nhiều thông tin xe tự hành dừng đột ngột nên càng khiến dư luận thêm lo ngại. Hơn nữa, các chuyên gia chỉ ra vẫn còn thiếu quy định rõ ràng về pháp lý liên quan tới xe tự lái, làm dấy lên tranh cãi về việc ai phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn.
Thực tế, chưa có nhiều tiền lệ pháp lý về các vụ tai nạn liên quan đến xe tự hành và vẫn chưa rõ liệu nhà sản xuất, người giám sát hay thành phố phải chịu trách nhiệm.
Tờ báo Postech Times của Hàn Quốc cho rằng, xe tự lái cho thấy mức độ phát triển nhanh của khoa học nhưng công nghệ này chỉ có thể tận dụng tối đa và mang lại lợi ích cho nhiều người khi đã xây dựng mức độ hiểu biết xã hội và hệ thống pháp lý đầy đủ.
Chính quyền thủ đô Seoul lần đầu tiên ra mắt hệ thống xe buýt tự lái vào năm 2022. Kể từ đó, thành phố liên tục bổ sung các tuyến hoạt động mới và triển khai dịch vụ xe buýt tự lái hoạt động vào đêm khuya. Tuyến xe buýt sáng sớm A160 là dịch vụ mới được bổ sung, hoạt động sớm hơn 30 phút so với xe buýt thông thường.
Trang Trần