Attack on Titan là siêu phẩm truyện tranh do nhà xuất bản Kodansha giữ bản quyền. Bộ phim cùng tên cũng đang "làm mưa làm gió" ở các rạp chiếu châu Á.
Ứng dụng đọc truyện trực tuyến K Manga của nhà xuất bản Kodansha (Nhật Bản) mới đây đã chính thức mở rộng thị trường tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thông tin này nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trong cộng đồng yêu thích manga khi nền tảng này sở hữu nhiều bộ truyện đình đám như Attack on Titan, Bluelock hay Skip and Loafer.
Nhiều độc giả tỏ ra hào hứng với cơ hội tiếp cận nguồn truyện bản quyền chất lượng cao. Một số ý kiến cho rằng sự xuất hiện của các ông lớn như Kodansha sẽ góp phần siết chặt vấn đề bản quyền, thúc đẩy cuộc chiến chống lại sách lậu và các trang ebook vi phạm. "Cộng đồng 2D cần thay đổi thói quen đọc để Việt Nam tiến gần hơn đến một thị trường bản quyền sạch", một độc giả bình luận.
Cộng đồng độc giả Việt phản ứng ra sao khi K Manga mở cửa?
Trước thông tin được đại diện K Manga công bố trên X, người hâm mộ Việt Nam đặc biệt kỳ vọng vào việc tiếp cận các bộ truyện nổi tiếng mà trước đây khó tìm được bản dịch chính thức trên ở các nền tàng số. Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, độc giả thể hiện sự ủng hộ bằng cách chia sẻ thông tin, bình luận tích cực về nền tảng này. Họ mong đợi những chính sách giá cả hợp lý để có thể tiếp cận nhiều tác phẩm hơn.
Độc giả Phương Nguyễn chia sẻ: “Sự xuất hiện của K Manga cùng với những nền tảng tại Việt Nam như Manga Toon, Pop Comic sẽ khuyến khích người đọc truyện bản quyền. Từ đó, tác giả có thể nhận được quyền lợi của mình xứng đáng hơn. Nếu nền tảng này phát triển ổn định và có sự đầu tư vào dịch thuật, giao diện thân thiện, chắc chắn nó sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của độc giả Việt yêu manga”.
Kế hoạch mở rộng được K Manga công bố trên X. Ảnh: Kodansha.
Bên cạnh sự ủng hộ, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về chính sách giá cả và trải nghiệm sử dụng. Độc giả Nguyễn An sau khi trải nghiệm thử cho biết ứng dụng có nhiều điểm cộng như giao diện nhẹ, tốc độ tải nhanh và cập nhật truyện đều đặn. Tuy nhiên, việc phải chi trả khoảng 20.000 đồng cho một chương truyện khiến nhiều người e ngại. Hệ thống tính phí được chia thành ba loại: đọc thử miễn phí, sử dụng coupon tích lũy qua nhiệm vụ hoặc mua điểm để mở khóa chương mới nhất.
Bên cạnh đó, một số người dùng mong muốn K Manga không chỉ là một nền tảng đọc truyện mà còn tạo cơ hội cho sáng tác nội dung. "Sao không kết hợp để vừa đọc vừa sáng tác truyện tranh?", một độc giả đặt vấn đề.
Một điểm đáng chú ý khác là chính sách bảo mật của ứng dụng. Người dùng không thể chụp màn hình khi đọc truyện, nhưng vẫn có thể lưu lại thông tin hồ sơ cá nhân. Điều này khiến một số độc giả cảm thấy bất tiện, song cũng cho thấy nỗ lực của Kodansha trong việc bảo vệ nội dung bản quyền.
Hiện tại, các vấn đề liên quan đến bản quyền truyện tiếng Việt vẫn chưa được công bố cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng việc phát hành online sẽ cần sự thỏa thuận giữa Kodansha và các nhà xuất bản trong nước như Kim Đồng, Trẻ, do bản quyền sách giấy và bản quyền kỹ thuật số thường được quản lý riêng biệt.
Dù còn nhiều tranh luận, sự xuất hiện của K Manga mở ra cho độc giả Việt nhiều cơ hội tiếp cận với những ấn phẩm mới, cập nhật từ thị trường gốc với thời gian ngắn nhất.
Bluelock là một bộ truyện có sức hút lớn trên K Manga, hiện tác phẩm đã được chuyển thể thành anime. Ảnh: K Manga.
Đối thủ lớn nhất của K Manga tại Việt Nam là truyện lậu
Thách thức lớn nhất mà ứng dụng này phải đối mặt không đến từ các đối thủ trên thị trường mà từ ma trận truyện lậu vốn đã tồn tại nhiều năm.
Theo ông Nguyên Khánh Dương, Founder của Comicola, Việt Nam là thị trường khó khăn cho các ứng dụng đọc truyện bản quyền. Trước đây, nhiều nền tảng Hàn Quốc đã thử sức nhưng không trụ lại được. Lý do chính là tâm lý đọc truyện miễn phí đã ăn sâu vào cộng đồng. Các trang web dịch lậu cung cấp số lượng đầu truyện khổng lồ, cập nhật nhanh và không thu phí, tạo ra một sự cạnh tranh không cân sức với các nền tảng hợp pháp.
Họa sĩ Bách Lê từ A2B Studio cũng bày tỏ lo ngại về cách vận hành của K Manga tại Việt Nam. Ông nhận định nếu nền tảng này áp dụng mô hình thu phí unlock từng chương như các ứng dụng trước đây, sẽ rất khó thuyết phục độc giả từ bỏ truyện lậu. Ngay cả khi sở hữu những bộ truyện đình đám như Attack on Titan hay Bluelock, K Manga vẫn cần tìm cách cân bằng giữa quyền lợi độc giả và bài toán lợi nhuận.
Bên cạnh truyện lậu trên nền tảng số, thị trường in ấn lậu cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Hiện nay, nhiều cá nhân đã lợi dụng công nghệ để scan và phát tán trái phép các bản dịch truyện tranh. Hành vi trên ảnh hưởng đến doanh thu của các nền tảng chính thống và làm suy yếu nỗ lực bảo vệ bản quyền tại Việt Nam.
Cùng với các nền tảng như Comi hay Waka, K Manga có thể giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bản quyền. Một số đánh giá cho rằng ứng dụng này cần có chiến lược giá hợp lý, tăng cường ưu đãi và đảm bảo danh mục truyện phong phú, đáp ứng nhu cầu của độc giả Việt Nam.
Trước đó, nhà xuất bản Kodansha đã mở rộng ứng dụng K Manga đến nhiều thị trường mới. Sau khi ra mắt tại Mỹ vào tháng 5/2023, ứng dụng này đã có tại Canada, Australia, New Zealand và Singapore vào tháng 10/2024. Chiến lược của Kodansha là đưa manga bản quyền đến gần hơn với độc giả thông qua một nền tảng chính thống đồng thời kiểm soát tốt hơn việc phát hành các chương mới thay vì phụ thuộc vào các bên thứ ba như Crunchyroll hay Azuki.
Đức Huy