Video các võ tăng của “Trung tâm Văn hóa Thiếu Lâm Tự Zambia” biểu diễn võ thuật
Tại khu nghỉ dưỡng Yamei, cách thủ đô Lusaka của Zambia khoảng 6 km, có một quần thể kiến trúc đền chùa kiểu Trung Quốc với tường vàng ngói đỏ đặc trưng, nổi bật dưới bầu trời xanh và mây trắng, toát lên vẻ trang nghiêm và bí ẩn. Đây chính là nơi tọa lạc của Thiếu Lâm Tự đầu tiên ở châu Phi – Trung tâm Văn hóa Thiếu Lâm Tự Zambia.
Ngôi chùa Thiếu Lâm Tự đầu tiên ở châu Phi
Ngay từ xa, du khách có thể thấy đã thấy hai chữ “Tâm Thành” lấp lánh phía trên cổng chính của trung tâm văn hóa, bên dưới là tấm biển “Trung tâm Văn hóa Thiếu Lâm Tự Zambia” với nét chữ trầm ổn, thể hiện sự sâu sắc và tinh tế của văn hóa Trung Hoa.
Bước vào bên trong, những mái hiên cong vút, đình đài lầu các được bố trí hài hòa, mỗi góc đều mang đậm phong vị và sự tinh xảo của kiến trúc cổ điển Trung Quốc. Điện Thiên Vương sừng sững, toát lên vẻ uy nghiêm của Thiếu Lâm Tự. Đại Hùng Bảo Điện, Tàng Kinh Lâu và các công trình khác có vẻ ngoài không khác gì Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn (Trung Quốc), nhưng lại tỏa sáng một cách đặc biệt ở xứ sở xa lạ này.
Các võ tăng của "Trung Tâm Văn hóa Thiếu Lâm Tự Zambia" tập luyện
Trước các điện, một nhóm tiểu võ tăng mặc áo cà sa đang luyện quyền Thiếu Lâm trong làn gió sớm, ai nấy đều tràn đầy năng lượng và sức sống. Người hướng dẫn còn rất trẻ, gương mặt còn nét ngây thơ, nhưng lại nói tiếng Hán lưu loát, khẩu lệnh vang dội. Các võ tăng vừa hô to “1, 2, 3…” theo khẩu lệnh, vừa múa quyền, đá chân, từng động tác mạnh mẽ và dứt khoát. Nếu không vì làn da đen nhánh của họ, nhiều người đã ngỡ mình đang ở Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn.
“Trung Tâm Văn hóa Thiếu Lâm Tự Zambia” mang trọng trách truyền bá tinh thần và võ công Thiếu Lâm tới với châu Phi. Trung tâm được khởi công vào tháng 10/2020 và hoàn thành vào tháng 9/2021, với tổng diện tích hơn 20.000 m² và diện tích xây dựng hơn 4.000 m². Dự án này là kết quả của sự hợp tác giữa Thiếu Lâm Tự Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và 1 công ty tại Zambia.
Cuộc sống hàng ngày của các võ tăng tại đây như sau: mỗi sáng bắt đầu luyện võ, sau đó tụng đọc Kinh Kim Cang và Kinh Lăng Nghiêm, buổi chiều và tối học các nghi thức và các khóa học về văn hóa Trung Quốc. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa Thiếu Lâm Tự Zambia đã trở thành biểu tượng cho sự bén rễ của văn hóa Thiếu Lâm ở châu Phi với hơn 100 đệ tử được đào tạo.
Đại hội võ thuật Thiếu Lâm ở châu Phi
Tại “Trung Tâm Văn hóa Thiếu Lâm Zambia” có một đại sư da màu có pháp danh Diên Minh. Vị võ tăng da đen, thần thái rạng rỡ này vốn tên là Max Yorlando, đến từ Bờ Biển Ngà. Từ nhỏ, anh đã ngưỡng mộ văn hóa Trung Quốc. Cuối năm 2016, anh đến Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn để giao lưu trong 3 tháng. Trải nghiệm đó càng củng cố quyết tâm học võ ở Trung Quốc.
Max Yorlando đã sang Trung Quốc học võ thuật Thiếu Lâm
Năm 2017, anh quay lại Thiếu Lâm Tự và ở đó hơn 5 năm, vượt qua nhiều kỳ kiểm tra để nhận pháp danh Diên Minh. Trong thời gian ở Thiếu Lâm Tự, Diên Minh không chỉ luyện được võ công cao cường mà còn thấm nhuần tinh hoa văn hóa Trung Hoa. Anh chia sẻ: “Học tập ở Trung Quốc khiến tôi trở nên kỷ luật và nỗ lực hơn. Thiếu Lâm Tự dạy tôi về sự đúng giờ, tôn trọng và biết ơn. Tôi muốn truyền bá văn hóa tinh thần Thiếu Lâm đến với nhiều người châu Phi hơn”.
Cuối năm 2022, sau khi hoàn thành việc học, Diên Minh trở về nước và dấn thân vào việc xây dựng và truyền bá tại “Trung tâm Văn hóa Thiếu Lâm Tự Zambia”, dùng võ thuật để kết bạn, truyền đạo, giảng dạy, gieo mầm yêu thương và hy vọng trên mảnh đất này.
Một trong những sự kiện nổi bật nhất của “Trung tâm Văn hóa Thiếu Lâm Zambia” là tổ chức Đại hội võ thuật (kungfu) Thiếu Lâm châu Phi đầu tiên, được từ ngày 21 đến 26/6/2023 tại Lusaka. Sự kiện kéo dài sáu ngày đã thu hút hơn 150 thí sinh từ 23 quốc gia và khu vực châu Phi, đánh dấu bước ngoặt trong việc quảng bá kungfu trên lục địa đen.
Đại hội võ thuật (kungfu) Thiếu Lâm châu Phi được tổ chức vào năm 2023
Đại sư Thích Vĩnh Tín, trụ trì Thiếu Lâm Tự Trung Quốc, đã dẫn đoàn tăng sĩ đến tham gia, mang đến các hoạt động giao lưu văn hóa đầy ý nghĩa.
Điểm nhấn là cuộc thi là nơi các thí sinh châu Phi phô diễn kỹ năng điêu luyện. Konate Yaya, một thí sinh 30 tuổi từ Bờ Biển Ngà, chia sẻ: “Giải đấu này rất tuyệt vời vì đây là lần đầu tiên, và ngôi chùa cũng là Thiếu Lâm Tự đầu tiên ở châu Phi. Kung Fu không chỉ là chiến đấu, mà còn dạy tôi về cuộc sống, gia đình và tự kỷ luật.”
Stanley Banda, một thanh niên 20 tuổi từ Zambia, được truyền cảm hứng từ các bộ phim Trung Quốc, cho biết giải đấu đã giúp anh xây dựng sự tự tin và hy vọng kungfu sẽ trở nên phổ biến hơn ở châu Phi. Trong khi đó, Gahungu Serges từ Burundi bày tỏ niềm hạnh phúc khi giấc mơ đặt chân vào Thiếu Lâm Tự trở thành hiện thực, còn Lacmagou Fregis Arnaud từ Cameroon khuyến khích mọi người học kungfu để trải nghiệm những kỹ năng từng chỉ thấy trên màn ảnh.