Độc lạ chuyện người trẻ tìm việc nhờ... AI

Độc lạ chuyện người trẻ tìm việc nhờ... AI
3 giờ trướcBài gốc
Giúp bản thân hiểu rõ đam mê
Hương Giang (23 tuổi), cựu sinh viên ngành Kinh tế của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, kể rằng cô đã có gần một năm loay hoay và hoài nghi về con đường mình sẽ đi sau khi tốt nghiệp: “Mình học ổn, điểm số không thấp, nhưng chưa bao giờ cảm thấy hứng thú thật sự với ngành. Mỗi lần nhìn vào bảng mô tả công việc của các vị trí công việc liên quan đến kinh tế, mình thấy... ngột ngạt và không có một chút hứng thú nào", Giang kể.
Hương Giang được AI nhận định phù hợp với nghề giáo.
Tháng 4 vừa rồi, một người bạn trong lớp giới thiệu cho Giang một chatbot tích hợp AI có thể phân tích tính cách và đưa ra gợi ý nghề nghiệp phù hợp. Tò mò, cô nàng thử đăng nhập và trả lời một loạt câu hỏi kiểm tra tính cách. Kết quả khiến Giang khá bất ngờ:
“AI phân tích mình là người hướng ngoại, thích giao tiếp, yêu thích ngôn ngữ và có khả năng truyền đạt tốt. Vì vậy, AI gợi ý mình phù hợp với các công việc giảng dạy, đặc biệt là giảng viên tại các trung tâm tiếng Anh”. Sau vài tuần học và thi chứng chỉ IELTS cấp tốc, Giang mạnh dạn nộp đơn ứng tuyển vị trí trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh gần nhà. Đến nay, cô nàng đã chính thức đứng lớp, phụ trách giảng dạy các lớp thiếu nhi và lớp người lớn sơ cấp vào buổi tối:
“AI không phải là người quyết định thay mình, nhưng nó là công cụ khai mở suy nghĩ – giúp mình nhìn thấy hướng đi mà trước đây chưa từng nghĩ tới,” Giang chia sẻ.
Dùng AI để sửa và thẩm định CV
Không ít sinh viên chọn AI để chỉnh sửa CV, viết thư xin việc (cover letter) và thậm chí luyện trả lời phỏng vấn mô phỏng. Các công cụ như ChatGPT, Gemini, hay các nền tảng tích hợp AI như Kickresume, Rezi, Teal HQ đang trở nên phổ biến với giới trẻ.
Lê Tuấn Anh (21 tuổi), sinh viên năm ba ngành Công nghệ thông tin, chia sẻ: “Mình đưa bản CV cũ vào chatbot AI, chỉ mất khoảng vài giây là phần mềm gợi ý lại cách viết rõ ràng hơn, thêm số liệu, chỉnh lại phần mô tả kinh nghiệm ngắn gọn và chuyên nghiệp hơn hẳn. Mình dùng đúng CV đó đi nộp và qua vòng lọc hồ sơ ở hai công ty”.
Không chỉ sửa CV, Tuấn Anh còn sử dụng AI để luyện tập phỏng vấn: “Mình nhập mô tả công việc, rồi yêu cầu AI đóng vai nhà tuyển dụng để hỏi các câu phù hợp. Nó hỏi luôn mấy câu khó như ‘Bạn sẽ xử lý thế nào nếu không hoàn thành deadline?’ Mình tập trả lời, AI feedback (phản hồi) lại câu từ, nghe hợp lý hơn rất nhiều”.
Trước xu hướng ngày càng nhiều bạn trẻ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm tra tính cách, gợi ý nghề nghiệp, luyện tập phỏng vấn xin việc, phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Mai Lan, hiện đang là một quản lý cấp cao kiêm nhà tuyển dụng liên quan đến lĩnh vực Truyền thông - Marketing tại một công ty công nghệ lớn có trụ sở tại Hà Nội để hiểu rõ hơn góc nhìn từ phía chuyên gia:
Chị Mai Lan, hiện đang là quản lý cấp cao tại một công ty công nghệ lớn tại Hà Nội.
“AI rất thông minh, nhưng không thay thế được sự thấu cảm con người trong công tác hướng nghiệp", chị Lan nhận định.
Chị chia sẻ về những trường hợp "dở khóc dở cười" mà chị từng gặp: “Có bạn đến gặp tôi với vẻ mặt hoang mang vì AI bảo bạn không phù hợp với ngành mình đang học, dù thực tế bạn đó học rất tốt và có đam mê rõ ràng. Những tình huống này không hiếm, bởi AI chỉ đưa ra gợi ý dựa trên dữ liệu thô – không thể hiểu được cảm xúc, bối cảnh cá nhân hay câu chuyện đời sống phức tạp của mỗi người."
Tuy nhiên, chị Lan không phủ nhận những tiện ích vượt trội mà công nghệ mang lại, đặc biệt với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. “Nếu bạn biết rõ mình cần gì, AI có thể hỗ trợ tuyệt vời về mặt ngôn ngữ, cấu trúc, logic trình bày. Đây là một lợi thế lớn cho các bạn sinh viên mới ra trường."
Theo chị Lan, rủi ro lớn nhất khi phụ thuộc vào AI là nhầm lẫn giữa gợi ý tham khảo và chỉ dẫn tuyệt đối: "AI đưa ra kết quả dựa trên những câu trả lời ngắn gọn, đôi khi mang tính cảm tính. Có trường hợp AI đánh giá bạn hướng nội, không hợp ngành bán hàng, nhưng thực tế bạn lại là một tài năng tiềm ẩn trong lĩnh vực này. Nếu quá tin vào AI, bạn có thể đã tự tay bỏ lỡ cơ hội phát huy và bộc lộ năng khiếu thật sự của mình".
Theo chị, hướng nghiệp, hiểu bản thân mình là một hành trình phức tạp, mang tính cá nhân cao. Vì vậy, tốt nhất là cần có sự lắng nghe, trao đổi sâu và hướng dẫn từ "người thật, việc thật". Đó là lý do vai trò của chuyên gia hướng nghiệp vẫn rất quan trọng.
Để sử dụng AI hiệu quả trong hành trình hướng nghiệp, chị Lan đưa ra ba lưu ý:
Xem AI là công cụ, không phải người thay thế quyết định. Luôn kiểm tra lại các gợi ý bằng chính trải nghiệm cá nhân và sự tham khảo từ người thật.
Kết hợp AI với lời khuyên chuyên gia. Một buổi trò chuyện với cố vấn nghề nghiệp vẫn giúp bạn định vị rõ hơn những điều AI chưa “đọc” được.
Luôn đặt câu hỏi ngược lại với AI. Ví dụ: “Vì sao AI nghĩ tôi hợp ngành marketing?” – việc phản biện giúp bạn hiểu rõ cơ sở của gợi ý.
Ảnh: NVCC
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/doc-la-chuyen-nguoi-tre-tim-viec-nho-ai-post1758477.tpo