Cô dâu được 2 phù dâu che ô. Ảnh: Tân An
Người Dao (còn có các tên gọi khác: Dìu Miền, Dù Miền, Yìu Miền, Động, Xá, Mán...) là một trong số 54 dân tộc ở Việt Nam. Tuy có dân số không đông, nhưng các bản làng của người Dao trải rộng khắp các miền rừng núi phía Bắc, trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ với những nhóm người như: Dao Lù Gang, Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, Dao Quần Trắng...
Văn hóa dân tộc Dao rất sống động, đa dạng và phong phú, mỗi nhóm đều có những nét đặc trưng riêng biệt mà biểu hiện rõ rệt nhất là trên trang phục của họ, tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh đa sắc, nhiều giá trị độc đáo của dân tộc này. Trang phục của đàn ông người Dao có hai loại: áo dài và áo ngắn. Phụ nữ người Dao mặc đa dạng, thường mặc áo dài yếm, váy hoặc quần. Y phục của người phụ nữ Dao cũng rất sặc sỡ.
Quần áo phụ nữ người Dao được thêu bằng sợi chỉ màu, những họa tiết chủ yếu như hình con chim, cây thông... được thêu một cách dứt khoát và khéo léo. Họ thêu hoàn toàn dựa vào trí nhớ trên mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải. Bộ y phục của người phụ nữ Dao là chiếc áo được thiết kế dài đến gần đầu gối. Cổ áo được thiết kế theo hình chữ V có thêu hoa văn, lưng áo cũng thêu hoa văn. Theo quan niệm của đồng bào Dao, nhìn vào cách thêu hoa văn ở phần đuôi áo của người phụ nữ sẽ biết được người phụ nữ khéo hay không, có đảm đang hay không.
Trang phục của người phụ nữ Dao Lù Gang mang nét độc đáo rất riêng, bởi những sắc màu sặc sỡ cực kì thu hút. Quần áo Dao được thêu bằng sợi chỉ màu, những họa tiết chủ yếu như hình con chim, cây thông được thêu một cách dứt khoát và khéo léo. Trang phục đàn ông người Dao Lù Gang lại đơn giản hơn nhiều, áo thường là màu đen, có đính các tua chỉ ngũ sắc để trang trí. Quần ống rộng buộc néo bằng sợi dây gai có đồng xu để giữ. Đầu đội khăn xếp hoặc đơn giản hơn thì buộc một chiếc khăn mặt to trông rất khỏe khoắn.
Đồng bào Dao sinh sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có một điều đặc biệt là sinh hoạt cộng đồng của họ vẫn mang tính chất khép kín, thể hiện qua phong tục tập quán, qua hôn nhân. Người Dao chỉ mong muốn được dựng vợ, gả chồng cho con cái trong cộng đồng dân tộc mình. Họ cũng quan niệm, mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu khi mặt trời còn chưa thức dậy. Do đó, đám cưới của người Dao Lù Gang đều được diễn ra vào ban đêm. Ngay từ 3 giờ sáng, khi cả bản làng còn đang chìm trong giấc ngủ, cô dâu đã phải thức dậy chuẩn bị trang phục để tiến hành các nghi lễ trước khi ra cửa.
Cô dâu và chú rể bước vào chiếu hoa để thực hiện nghi lễ đặc biệt quan trọng trong lễ cưới là nghi lễ bái đường. Ảnh: Tân An
Trang phục cô dâu, chú rể trong ngày cưới của người Dao Lù Gang rất cầu kỳ, nhiều lớp và nhiều màu sắc. Ngoài của hồi môn, cô dâu phải chuẩn bị hai bộ trang phục, một bộ lúc rời nhà bố mẹ đẻ và một bộ thay trước khi bước vào nhà trai. Một bộ trang phục truyền thống của cô dâu thường bao gồm: khăn che mặt, áo nhiều lớp và 4 thắt lưng thêu hoa. Ngoài ra, cô dâu còn đội mũ, đeo vòng cổ, vòng tay và các đồ trang sức bằng bạc. Mỗi bộ trang phục của cô dâu Dao Lù Gang trung bình có từ 3 đến 10 lớp. Những gia đình giàu có thì trang phục của cô dâu sẽ có nhiều lớp hơn. Vào ngày cưới, cô dâu sẽ được các bà, các mẹ hỗ trợ mặc trang phục. Trước khi ra cửa, nhà gái sẽ làm lễ cầu bình an, xua đuổi tà ma để đoàn nhà gái đến nhà trai một cách an toàn.
Không giống như đám cưới của những dân tộc khác, trong đám cưới của người Dao Lù Gang, chú rể không đến đón dâu mà sẽ cử một người đại diện và 2 thanh niên chưa lập gia đình đến đón dâu. Đi cùng cô dâu có 2 phụ dâu, một người đi trước và một người đi sau. Đúng giờ tốt, đoàn nhà gái bắt đầu đến nhà trai. Đi cùng cô dâu có một phù dâu nhà gái và một phù dâu nhà trai. Khi cách nhà trai khoảng 100m, đoàn nhà gái dừng lại để cô dâu mặc thêm trang phục, đeo các trang sức và trùm khăn đội đầu che kín mặt. Việc này sẽ được các bà do nhà trai giao nhiệm vụ đứng đón đoàn nhà gái thực hiện.
Phần lễ đón dâu được tổ chức long trọng nhất, có đội trống kèn và đông đảo họ hàng hai bên chứng kiến. Trong khi đợi đến giờ làm lễ, cô dâu và 2 phụ dâu sẽ được sắp xếp ngồi đợi ở ngoài cửa và không được tự ý di chuyển. Đặc biệt, theo phong tục của người Dao Lù Gang, chú rể và cô dâu đều phải che kín mặt, không được nhìn mặt nhau cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ lạy tạ tổ tiên, nhằm tránh nhiều điều xấu.
Trước khi cô dâu bước vào nhà, thầy cúng đặt con dao trên một bát nước quay mũi hướng ra ngoài rồi đọc bài khấn để xua đuổi tà ma đi theo cô dâu trên đường và xin với tổ tiên cho cô chính thức làm dâu trong gia đình. Sau bài khấn của thầy cúng, cô dâu phải bước qua bát nước. Bát nước sẽ được đổ đi, con dao sẽ được gắn lên cửa nhà với ngụ ý, mọi điều tốt lành sẽ đến với cô dâu. Theo tục lệ thì cô dâu không được bước vào nhà bằng cửa chính, mà đi vào bằng lối cửa phụ và bố mẹ chồng phải tránh mặt. Họ hàng nhà trai đại diện đứng hai bên, đón đoàn nhà gái cùng với giai điệu rộn rã của tiếng kèn Pí lè.
Sau khi ổn định, thầy cúng sẽ thực hiện nghi lễ kết hồn với ý nghĩa kết hai linh hồn cô dâu, chú rể với nhau, để cuộc sống sau này được hòa thuận, không chia lìa. Sau đó, thầy cúng làm lễ tơ hồng, đọc bài cúng nhận dâu, để công nhận cô dâu chính thức trở thành con cháu trong nhà. Nghi lễ đọc bài cúng nhận dâu xong thì chú rể trong trang phục cưới, che mặt được dẫn ra và bước vào chiếu hoa để thực hiện các nghi lễ trước Bàn vương. Trên bàn cúng lúc này bố trí 12 chiếc chén, 12 đôi đũa của thầy cúng và gia tiên, đặt bên trên miệng chén là miếng gan lợn nướng. Lúc này, cả cô dâu và chú rể đều được 2 người đứng đằng sau hỗ trợ. Hai người này được lựa chọn kỹ càng, phải là những người có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và có uy tín trong bản làng.
Một nghi lễ đặc biệt quan trọng trong lễ cưới là nghi lễ bái đường. Theo đó, chú rể sẽ phải thực hiện 24 lần vái gồm vái gia tiên, vái thầy cúng, vái bố mẹ, anh em họ hàng nhà trai và đoàn đưa dâu họ nhà gái. Kết thúc nghi lễ tơ hồng, gia đình chú rể dọn cỗ cưới mời khách, gan lợn được chia cho mọi người cùng thưởng thức. Cùng với đó, cô dâu và chú rể sẽ uống chén rượu “hồi phúc” với thầy cúng để cảm ơn và mong muốn cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn. Thầy kèn tiếp tục thổi lên khúc nhạc mừng cho đến hết đám cưới. Còn chiếc chiếu hoa này được đem trải giường chuẩn bị cho đêm tân hôn.
Trước đây, đám cưới người Dao nói chung và người Dao Lù Gang nói riêng với nhiều nghi thức phức tạp, có thể kéo dài 3 ngày 3 đêm, gây tốn kém về thời gian và kinh phí tổ chức rất nhiều. Ngày nay, thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ỏ khu dân cư” do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động nên đám cưới của bà con người Dao đã được rút gọn trong một ngày. Tuy nhiên, những nghi lễ hết sức đặc sắc, mang nhiều ý nghĩa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Lù Gang ở Lạng Sơn vẫn lưu giữ vẹn nguyên nét đẹp truyền thống trường tồn theo thời gian.
Tân An