Đọc sách để mở mang tri thức

Đọc sách để mở mang tri thức
5 giờ trướcBài gốc
Khơi dậy đam mê đọc sách
Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học không chỉ giúp học sinh (HS), sinh viên (SV) thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách mà còn giúp mở ra cơ hội tiếp cận tri thức. Hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã phối hợp với Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi tổ chức triển lãm sách với chủ đề "Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo". Hoạt động triển lãm đã thu hút nhiều SV tham gia. Em Nguyễn Thị Ngọc Lan, SV Khoa Công nghệ thông tin (Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi) cho biết, em rất thích đọc sách. Em đã sưu tầm một tủ sách với hơn 200 cuốn sách. Qua hoạt động trưng bày sách tại trường giúp chúng em có điều kiện tiếp cận đa dạng các loại sách, để có cơ hội trang bị những kiến thức bổ ích cho học tập và thư giãn.
Để phục vụ cho SV nghiên cứu, học tập, Thư viện Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã trang bị 34 nghìn đầu sách. Mỗi năm, trường cập nhật trên 500 đầu sách mới, tổ chức đa dạng các hoạt động để thu hút SV tham gia đọc sách. “Ngoài sách giấy, trường còn liên kết với thư viện cơ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh trang bị hàng trăm nghìn đầu sách điện tử trên nền tảng số để giúp SV đọc sách online mọi lúc mọi nơi”, chị Trần Thị Mỹ Ánh, cán bộ thư viện tại Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi cho biết.
Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) đọc sách tại thư viện. Ảnh: ÁI KIỀU
Tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), thư viện ngoài trời được xây dựng rất ấn tượng với không gian đọc sách mở sinh động và hấp dẫn. Những năm gần đây, trường đã xây dựng mô hình “Đọc và làm theo báo Đội” giúp HS hình thành thói quen đọc sách, báo. Đến nay, mô hình đã xây dựng “Tủ sách măng non”, với hơn 1.000 đầu sách và nhiều báo đội. Thông qua việc đọc sách, báo, HS chia sẻ những câu chuyện hay, ý nghĩa, cùng nhau làm nhiều việc tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi... Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Lê Hồng Phong Ngô Thị Thu Hiền cho biết, từ nhiều năm nay nhà trường đã linh hoạt, sáng tạo xây dựng không gian thư viện xanh, gần gũi, hấp dẫn HS. Các loại sách tại thư viện đều được phân loại theo từng danh mục và sắp xếp phân loại theo từng chủ đề riêng để HS dễ dàng lựa chọn và tìm kiếm.
Còn tại Thư viện Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn) đã trang bị 9.000 đầu sách, đa dạng các thể loại, giúp HS có cơ hội bổ trợ kiến thức học tập. Chị Nguyễn Ái My, thủ thư tại Thư viện Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, để HS thích thú đọc sách, duy trì thói quen đọc sách, trường tổ chức các hoạt động vui chơi, hội thi liên quan đến sách, xây dựng các tủ sách mini tại lớp học và luân phiên sách giữa các lớp để HS tiếp cận các loại sách. Bên cạnh đó, trường nhiều lần tổ chức quyên góp sách, xây dựng các video giới thiệu sách trên Fanpage của trường để HS tiếp cận. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc thi như kể chuyện, ngày hội đọc sách... Nhờ đó, phong trào đọc sách trong giáo viên và HS của nhà trường ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng.
Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng
Ngày nay, việc mỗi gia đình xây dựng các tủ sách là điều vô cùng cần thiết, bởi đó là cách gần nhất để hình thành văn hóa đọc đối với mỗi người. Từ đó, áp dụng kiến thức vào trong cuộc sống cũng như công việc. Nhận thức được tầm quan trọng của sách, anh Hà Hương Sơn (37 tuổi), ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đã xây dựng tủ sách gia đình, với gần 2.000 bản sách. Nhiều năm qua, anh Sơn đã sưu tầm, trang bị nhiều loại sách khác nhau để làm giàu thêm vốn kiến thức. Theo anh Sơn, việc đọc sách đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo tri thức, cho một hành trình vượt qua khó khăn, cũng như xây dựng ước mơ mà bản thân khao khát. Để lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng, anh Sơn đã mở cửa tủ sách của gia đình để các bạn trẻ ở địa phương có nhu cầu đến đọc và mượn sách. Anh Sơn mong muốn tủ sách của mình có thể giúp ích các bạn trẻ và người dân địa phương.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) là sự kiện văn hóa góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Thu Thủy cho biết, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh có chủ đề “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo” với nhiều hoạt động rất phong phú như, tổ chức Cuộc thi thiết kế và thuyết trình về bìa sách; Hội thi xếp sách nghệ thuật và thiếu nhi Quảng Ngãi vẽ tranh theo sách; Talkshow “Sáng tư duy - Tạo ý tưởng”; tổ chức không gian sáng tạo với các hoạt động triển lãm, giới thiệu sách, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”...
Ai đó từng nói: “Mỗi cuốn sách hay cho ta một điều tốt, mỗi người bạn tốt cho ta một điều hay”. Đọc sách không chỉ giúp ta lĩnh hội tri thức, mở mang sự hiểu biết, làm phong phú ngôn từ, đọc sách còn giúp ta tìm thấy sự bình an, thư thái trong tâm hồn. Bà Phạm Thị Phúc (70 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Theo bà Phúc, mặc dù các phương tiện nghe nhìn phát triển, nhưng thói quen đọc sách, báo tại thư viện có nhiều thú vị đối với người lớn tuổi. Duy trì thói quen đọc sách không chỉ để giải trí và giúp giàu thêm vốn hiểu biết.
Để phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý thư viện ILIB 8.0, tích hợp với Website cung cấp các dịch vụ trực tuyến giúp bạn đọc có thể tra cứu thông tin, tài liệu tại nhà. Đồng thời, xây dựng trang thông tin điện tử, thực hiện mua bản quyền truy cập tài liệu số hằng năm để phục vụ bạn đọc truy cập, tra cứu và tải miễn phí khoảng 1,5 triệu tài liệu trên website của thư viện. Phó Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Trần Thị Hưng cho biết, thư viện đang lưu trữ hơn 222 nghìn bản sách các loại và phục vụ độc giả bằng nhiều hình thức. Trong năm 2024, Thư viện Tổng hợp tỉnh luân chuyển sách đến 45 điểm trong tỉnh. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị phục vụ lưu động sách ngoài thư viên đến 7 địa bàn trong tỉnh. Để bắt kịp xu thế hiện nay, đặc biệt trong kỷ nguyên số, thư viện đang tập trung triển khai việc chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị, bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và mọi người có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi.
KIM NGÂN
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/giao-duc/202504/doc-sach-de-mo-mang-tri-thuc-bc813f1/