Lối sống độc thân đang định hình lại xu hướng phát triển của ngành bất động sản. (Nguồn: Shutterstock)
Lối sống rời xa truyền thống
Ngày càng nhiều người trẻ ở châu Á rời xa khuôn mẫu kết hôn – sinh con, khiến mô hình gia đình truyền thống dần mất sức hút. Theo Liên hợp quốc, phụ nữ hiện nay sinh ít hơn một con so với năm 1990. Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe thuộc Đại học Washington (IHME) dự báo rằng đến năm 2050, 97% các quốc gia trên thế giới sẽ có tỷ lệ sinh thấp hơn mức cần thiết để duy trì dân số tự nhiên.
Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, tình trạng sống một mình tăng vọt - đặc biệt tại châu Á - Thái Bình Dương, chiếm một nửa tổng số hộ độc thân toàn cầu giai đoạn 2010-2019.
Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh dưới 1,3 suốt hơn 20 năm. Nhật báo The Korea Herald dẫn thông tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết, năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình một người ở Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục, chiếm 42 phần trăm tổng số hộ gia đình trên cả nước. Cụm từ “bihon” - lời thề không kết hôn - ngày càng phổ biến.
Trung Quốc chứng kiến số cặp kết hôn năm 2024 giảm 20,5% so với năm trước, xuống mức thấp nhất từ năm 1980; ngược lại, số vụ ly hôn lại tăng nhẹ, theo Bộ Nội vụ nước này.
Tại Nhật Bản, quốc gia đang vật lộn với những vấn đề của một xã hội có dân số già, hiện tượng hikikomori (những người tách mình ra khỏi xã hội) và kodokushi (cái chết cô độc) đặt ra thách thức cho cả thị trường bất động sản lẫn chính sách an sinh.
Tỷ lệ sinh của Singapore cũng chạm đáy, chỉ còn 0,97 - mức thấp lịch sử, do suy giảm về số lượng cặp vợ chồng.
Những con số này phản ánh rõ nét sự chuyển đổi xã hội sâu sắc, trong đó lựa chọn sống một mình đang trở thành lối sống thời đại.
Tiến sĩ Nai Jia Lee, chuyên gia cấp cao của PropertyGuru Group cho rằng, áp lực tài chính, gánh nặng nuôi dạy con và khó khăn trong cân bằng công việc - gia đình là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh giảm. Thêm vào đó, bất ổn kinh tế và biến đổi khí hậu càng thúc đẩy xu hướng sống độc thân và thu hẹp quy mô hộ gia đình.
Theo nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thần kinh thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), “đại dịch tuyệt vọng” lan rộng do áp lực kinh tế đã khiến nhiều người không muốn kết hôn, sinh con.
“Không phải là mọi người không muốn kết hôn, mà là họ không đủ khả năng để kết hôn!”, đó là bình luận nổi bật trong bài viết hơn 46 triệu lượt tương tác về chủ đề giảm tỷ lệ kết hôn trên nền tảng mạng xã hội Weibo, phản ánh thực trạng vì sao giới trẻ chọn sống độc thân.
Quan niệm “an cư lạc nghiệp” của người châu Á vô hình trung trở thành rào cản kết hôn và sinh con, nhất là khi giấc mơ sở hữu nhà ngày càng xa vời.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập lên tới mức gấp 29,59 lần khiến việc mua nhà trở nên “bất khả thi” với nhiều người trẻ, trong bối cảnh thu nhập bấp bênh và chi phí sống cao.
Ở Hàn Quốc, gánh nặng tài chính cũng hiện hữu khi tiền đặt cọc thuê nhà tại Seoul có thể lên tới 309.000 USD, đẩy giấc mơ lập gia đình và an cư vào thế khó.
Thay đổi diện mạo thị trường
Theo thông tin từ trang web chính thức của Hội nghị thượng đỉnh bất động sản châu Á Property Guru vào tháng 12/2024, sự gia tăng của tình trạng độc thân đang định hình lại xu hướng phát triển bất động sản trên khắp châu Á.
Philippines, dù có tỷ lệ người độc thân cao, lại sở hữu lợi thế nhân khẩu học với 64% dân số trong độ tuổi lao động. Nhận thấy tiềm năng này, các nhà phát triển bất động sản đang hướng tới nhóm khách hàng trẻ độc thân, với nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở nhỏ gọn, giá phải chăng. Theo chuyên gia từ Colliers, xu hướng này đang buộc thị trường phải điều chỉnh danh mục đầu tư để phù hợp hơn với lối sống hiện đại.
Những thay đổi tương tự cũng đang diễn ra ở Indonesia. Quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á ghi nhận tình trạng sụt giảm đáng kể số lượng cuộc hôn nhân, với việc giảm 128.000 trường hợp kết hôn giai đoạn 2022-2023. Tình trạng này báo hiệu những thay đổi sâu sắc trong cấu trúc thị trường nhà ở. Trước xu hướng sống độc thân ngày càng phổ biến, các nhà đầu tư buộc phải đổi mới, phát triển loại hình bất động sản và mô hình sở hữu phù hợp hơn với lối sống cá nhân hóa.
Singapore đang tìm kiếm giải pháp sáng tạo, như mô hình sống chung cho người cao tuổi, để đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số già sống một mình. Tương tự, Trung Quốc chú trọng phát triển các mô hình nhà ở chung và cho thuê, đặc biệt là những không gian sống đa chức năng, thay vì chỉ tập trung vào các căn hộ gia đình truyền thống.
Với nhiều người trẻ, lựa chọn không kết hôn là quyết định chủ động. Lối sống độc thân và tận hưởng cuộc sống cá nhân cũng thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản cho những người sống một mình. Các đô thị có thể chứng kiến sự gia tăng mật độ dân số, khi nhiều người độc thân chọn sống tại các thành phố với dịch vụ và tiện ích cao cấp. Điều này cũng dẫn đến sự tăng trưởng của các khu dân cư khép kín và cộng đồng hỗn hợp, với không gian được thiết kế riêng cho những người chưa kết hôn.
Sự thay đổi trong động lực kết hôn và cuộc sống gia đình ở châu Á phản ánh một xu hướng mới, trong đó khát vọng cá nhân ngày càng được đặt lên hàng đầu so với kỳ vọng xã hội. Khi thế hệ trẻ tại châu Á thay đổi lựa chọn sống trong bối cảnh kinh tế biến động, thị trường bất động sản và nhà ở sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc. Tương lai có thể chứng kiến sự suy giảm hơn nữa trong các quan niệm truyền thống về lập gia đình, thúc đẩy việc đánh giá lại cách thức sở hữu nhà trong một xã hội mà tình trạng độc thân đang trở thành xu hướng.
Khi áp lực kinh tế gia tăng và chuẩn mực xã hội thay đổi, bất động sản châu Á sẽ phải thích ứng, phản ánh những ưu tiên mới của thế hệ trẻ, với sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu của nhóm đối tượng này.
Kha Ninh (tổng hợp)
Kha Ninh