Hội nghị được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Nội dung chính được đề cập tại hội nghị này là đôn đốc thực hiện các dự án điện theo Chỉ thị 01/CT-TTg.
Tại đầu cầu Bộ Công Thương, ngoài lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị thuộc Bộ, có các tập đoàn trong ngành năng lượng gồm: Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện các chủ đầu tư và nhà đầu tư đề xuất dự án điện...
Hội nghị được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Cấn Dũng
Tại các điểm cầu ở các địa phương có lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố và các sở, ban, ngành liên quan.
Tình hình triển khai các dự án
Mở đầu hội nghị, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, đơn vị đã thực hiện rà soát và cập nhật tình hình triển khai các dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch Điện VIII theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Hiện tại, hai dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đang được triển khai với tiến độ dự kiến vận hành vào năm 2025, trong khi dự án Hiệp Phước theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành trong năm 2025 nhưng hiện chưa đạt yêu cầu.
Một số dự án như Hải Lăng 1 đã hoàn tất công tác thẩm định và đang chờ phê duyệt đầu tư; dự án LNG Thái Bình đang được khẩn trương lập hồ sơ khả thi với mục tiêu hoàn thành trong quý II/2025… Các dự án BOT lớn như Sơn Mỹ 1 và 2, các chủ đầu tư đã trình phương án trình nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên, vẫn gặp khó khăn về cơ chế cần giải quyết.
Đối với các dự án khí điện sử dụng khí trong nước, với chuỗi lô B cơ bản bám sát tiến độ, dự kiến, dòng khí đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2026-2027, nhưng một số dự án như Nghi Sơn, Cà Ná và Quỳnh Lộc đang chậm tiến độ do vướng mắc về quy định pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
Về lưới điện, dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong năm 2026.
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng
Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu vận hành 6.000 MW trong giai đoạn 2026-2030. Bộ Công Thương hiện đang xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị khảo sát, cũng như xác định danh mục dự án trình Thủ tướng phê duyệt.
Đại diện Cục cũng cho biết, tiến độ một số dự án lớn đang bị chậm trễ, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, thay đổi quy định pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ tại địa phương. Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện pháp lý và hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch.
Quyết liệt để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đạt mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09%, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản lượng điện cần tăng từ 11-12%, có tháng cao điểm lên đến 13-15%. Một số địa phương công nghiệp trọng điểm còn tăng trưởng 17-18%. Mặc dù nhu cầu lớn nhưng vừa qua toàn ngành đã đáp ứng tốt các yêu cầu, được Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Bộ trưởng nêu rõ, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, hướng tới mức hai con số. Để đạt được điều này, hạ tầng năng lượng cần được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo nguồn cung cấp điện tăng từ 10.000-12.000 MW mỗi năm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Cấn Dũng
Bộ trưởng cũng khẳng định, nhiệm vụ quan trọng là đầu tư truyền tải, đặc biệt là giải tỏa công suất tại các trung tâm năng lượng nhất là các vùng có phụ tải thấp nhưng tiềm năng lại lớn, điển hình ở Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Ban chỉ đạo quốc gia đã xác định phải đưa vào giao ban hàng tuần để đánh giá việc thực hiện quy hoạch Điện VIII xem đã thực hiện các dự án nguồn và truyền tải thế nào?
Cùng với việc Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua, hàng loạt các nghị định mới của Chính phủ để bảo đảm quy hoạch Điện VIII và sắp tới là Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh sẽ được triển khai đúng luật, bảo đảm an ninh năng lượng. Việc này cũng đòi hỏi các địa phương, các bộ ngành và đặc biệt là các chủ đầu tư của các dự án nguồn và truyền tải phải rất nghiêm túc trong việc triển khai, thực hiện.
“Trong Luật Điện lực đã ghi rất rõ và dự thảo nghị định của chúng tôi cũng đã cơ bản hoàn tất trình lên Chính phủ; Bộ Tư pháp đang thẩm định cũng thể hiện rất rõ, nếu chủ đầu tư nào không thực hiện theo tiến độ cam kết thì Chính phủ kiên quyết thu hồi. Khi đã thu hồi như vậy, nhà đầu tư phải chịu. Dứt khoát là như vậy” - Bộ trưởng cho biết.
Để đảm bảo tiến độ, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương, bộ ngành và các chủ đầu tư có dự án đã được xác định nhưng đến bây giờ tiến độ vẫn chậm.
Bên cạnh đó, Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Các kiến nghị của các chủ đầu tư từ lâu đã “trở thành hiện thực”. Như vậy, Bộ trưởng khẳng định, không còn lý do để trì hoãn, nếu trì hoãn thì buộc Chính phủ phải thu hồi.
Về điện gió ngoài khơi, Luật đã cho phép, dự thảo nghị định cũng đã trình lên Chính phủ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cả tập đoàn kinh tế nhà nước và cả ngoài nhà nước tiến hành các bước triển khai cần thiết.
Theo Bộ trưởng, tinh thần là cả điện khí và điện gió ngoài khơi được xem xét cấp phép trong giai đoạn này đều đưa vào vận hành, hòa lưới quốc gia trước ngày 31/12/2030, nếu không sẽ mất quyền hưởng các cơ chế ưu đãi và đối mặt với chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm.
Các địa phương đồng thuận quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, một số dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong khâu lựa chọn chủ đầu tư và thủ tục triển khai. Theo đại diện tỉnh, dù đã có các nghị định và chỉ thị hướng dẫn từ trung ương, nhưng nhiều dự án vẫn chưa được thực hiện quyết liệt, một phần do sự thiếu mặn mà của các nhà đầu tư trong bối cảnh khung giá điện chưa rõ ràng.
Các địa phương tham gia hội nghị theo hình thức trực tuyến. -Ảnh: Cấn Dũng
Đáng chú ý, dự án LNG Cà Ná - một trong những dự án trọng điểm của Ninh Thuận, tỉnh cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong năm 2025. Về nguồn lưới điện, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương đôn đốc các đơn vị thi công sớm các dự án.
Về điện hạt nhân, tỉnh cũng thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, triển khai nội dung về mặt bằng. Hiện, người dân hai vùng dự án đã có sự đồng tình rất cao. Địa phương kiến nghị làm rõ mốc thời gian triển khai các công tác liên quan cụ thể. Cùng với đó, đề nghị EVN đẩy nhanh các dự án nguồn lưới điện tại địa bàn cùng với đó tỉnh cũng kiến nghị có điều chỉnh quy định với điện mặt trời tự sản tự tiêu,…
Tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh này đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đường dây 500 kV qua địa bàn tỉnh. Tổ công tác này đảm nhận nhiệm vụ giải quyết các thủ tục về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về các dự án trọng điểm.
Theo báo cáo, dự án đường dây 500kV trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tổng chiều dài 49,47 km, đi qua địa bàn 9 xã thuộc 2 huyện. Tổng diện tích đất thu hồi vĩnh viễn để xây dựng móng cột khoảng 15 ha, trong khi diện tích đất bị hạn chế sử dụng làm hành lang tuyến ước tính khoảng 145 ha, ảnh hưởng đến hơn 50 hộ dân phải tái định cư.
Đại diện tỉnh cho biết, các điều kiện về giải phóng mặt bằng đã xong. Toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025.
UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị nhà đầu tư sớm chuyển kinh phí bồi thường trước ngày 14/1/2025 để các địa phương có thể chi trả kịp thời cho người dân. Đồng thời, nhà đầu tư cần nhanh chóng bàn giao mốc giới trên thực địa để tạo điều kiện cho việc xác định diện tích đất, cây trồng, tài sản trong hành lang tuyến, từ đó đẩy nhanh tiến độ đền bù và giải phóng mặt bằng.
PVN tăng tốc triển khai các dự án điện, đẩy mạnh điện gió ngoài khơi
Đại diện PVN cho biết, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, phù hợp với Quy hoạch Điện VIII và định hướng phát triển ngành.
Các dự án đang triển khai như cụm dự án Nhơn Trạch 3 và 4 đang được thực hiện đúng tiến độ, phù hợp với các quy định về tài chính và hướng dẫn kỹ thuật. Bên cạnh đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 cũng đang được khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết, bao gồm giải quyết tồn đọng với các nhà thầu thi công để sớm hoàn thiện.
Đối với các dự án dài hơi hơn như chuỗi khí Cá Voi Xanh, PVN đang tích cực làm việc với các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Trong trường hợp nhà đầu tư hiện hữu thiếu quyết tâm, PVN sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc huy động sự tham gia của các nhà đầu tư khác nhằm đảm bảo cơ sở triển khai các nhà máy điện sử dụng khí từ nguồn Cá Voi Xanh.
Song song đó, PVN cũng đang nỗ lực xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Các dự án này được kỳ vọng tạo tác động tương hỗ, góp phần củng cố an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế. Hiện, PVN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng để hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các quy định, nghị định và văn bản hướng dẫn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai điện gió ngoài khơi.
Đại diện PVN nhấn mạnh, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi cần sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong việc sớm điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII với các dự án điện gió ngoài khơi khu vực trong nước, cần có quy hoạch Điện VIII điều chỉnh xác định cụ thể các điểm đấu nối, quy mô công suất, cũng như các phương án khảo sát và lựa chọn nhà đầu tư.
LNG Thái Bình có nhiều bước tiến khả quan
Đại diện Công ty Cổ phần Điện khí LNG Thái Bình - chủ đầu tư dự án điện khí LNG Thái Bình, ông Nishimura - khẳng định, dự án đang được triển khai tích cực với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tỉnh Thái Bình và các cơ quan liên quan. Ông cho biết, công ty đã thành lập pháp nhân dự án và hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến trình duyệt vào quý II năm 2025, cùng với việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội (EIA) theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, các công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng cũng đang được tiến hành. Sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị này, dự án sẽ khởi công xây dựng vào quý IV năm nay và tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào năm tới.
Đại diện chủ đầu tư Công ty Cổ phần Điện khí LNG Thái Bình – chủ đầu tư dự án điện khí LNG Thái Bình. Ảnh: Cấn Dũng
Ông Nishimura đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi và kỳ vọng Bộ Công Thương sớm ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết để hỗ trợ triển khai các dự án điện khí LNG. Ông Nishimura cũng đề xuất hai nội dung quan trọng liên quan đến sự thành công của dự án.
Thứ nhất, ông Nishimura nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký kết hợp đồng mua khí LNG dài hạn phù hợp với thời hạn và điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính. Hiện tại, một số quy định liên quan còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tế của các nhà đầu tư.
Thứ hai, đề nghị cần hoàn thành cơ sở hạ tầng truyền tải đồng thời với thời điểm nhà máy điện LNG Thái Bình đi vào vận hành. Điều này sẽ đảm bảo việc giải phóng công suất, tối ưu hóa hiệu quả của dự án và góp phần duy trì sự ổn định của lưới điện quốc gia.
Tại hội nghị, lần lượt đại biểu của các tỉnh và đơn vị liên quan cũng đã nêu tình triển khai các dự án trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất kiến nghị đề đến Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan.
Sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ Công Thương đang triển khai quyết liệt việc ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực vừa được thông qua. Ông khẳng định, các đơn vị liên quan của Bộ, đặc biệt là ban soạn thảo và tổ biên tập, đang tập trung cao độ để đảm bảo sự đồng bộ giữa luật và các nghị định chi tiết, đáp ứng hiệu lực thực thi từ đầu năm tới. Những ý kiến đóng góp từ các địa phương và nhà đầu tư sẽ tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế Duy
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý về hai nhóm dự án trọng điểm mà Bộ trưởng rất quan tâm: Các dự án khí hóa lỏng (LNG) và điện gió ngoài khơi. Ông khẳng định Luật Điện lực đã quy định rõ ràng hai điểm then chốt: Chuyển ngang giá khí và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu. Các nghị định sắp ban hành sẽ chỉ tập trung cụ thể hóa hai nội dung này. Do đó, các nhà đầu tư và địa phương cần nghiên cứu kỹ để sẵn sàng triển khai. Thứ trưởng cũng khẳng định sẽ ban hành khung đầu tư hợp lý và phù hợp cho hệ thống cảng biển và kho bến bãi LNG trong thời gian tới.
Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ ban hành những cơ chế đột phá, bao gồm sản lượng điện hợp đồng tối thiếu, quy trình lựa chọn nhà đầu tư rút gọn, kể cả quy trình với tập đoàn lớn, trong đó có những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Mục tiêu là đạt được công suất 6.000 MW như quy hoạch đến năm 2030. Ông cũng lưu ý rằng chỉ những dự án được chấp thuận và chỉ có nhà đầu tư hoàn thiện trước ngày 1/1/2031 mới được hưởng các cơ chế ưu đãi đặc biệt.
Ông kêu gọi sự đồng hành chặt chẽ từ các địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và đưa các dự án năng lượng sớm đi vào vận hành, đóng góp hiệu quả vào an ninh năng lượng quốc gia.
Nhóm phóng viên