1. Hà Nội là trung tâm đầu não của cả nước với 126 đơn vị hành chính cấp xã - một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Những cái tên phường, xã cũ - cái hiện hữu trong một không gian, một địa giới mới; cái không còn, dù nhưng thương hiệu gắn với những cái tên ấy vẫn còn đây… Vui với những đổi mới và khí thế phát triển mới, song ẩn sâu trong lòng người Hà thành vẫn có chút lắng lo, thương nhớ văn hóa, lịch sử và lối sống đã ăn sâu vào từng cộng đồng dân cư.
Không thể phủ nhận, thương hiệu địa phương đã tồn tại trong lòng mỗi cộng đồng như một phần không thể tách rời của cuộc sống. Mỗi làng mạc, mỗi phố phường, mỗi thị trấn đều mang trong mình những dấu ấn riêng về tên gọi, phong tục, nghề nghiệp và cách sống. Thì bởi thương hiệu địa phương không chỉ đơn giản là cái tên hành chính, mà như là tâm hồn của mỗi vùng đất.
Cũng không thể phủ nhận, khi dòng chảy đô thị hóa và toàn cầu hóa tràn vào lòng phố, thôn làng, thương hiệu địa phương cũng chịu tác động từ sự chuyển mình mạnh mẽ của các trung tâm thương mại, các trung tâm đô thị, các chuỗi cửa hàng, siêu thị. Khoảng trống trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương cũng mơ hồ hiện ra giữa lòng phố, giữa thôn làng. Đúng như ông bạn người Tứ Liên “chính hiệu” thẩn thơ nói bên hiên nhà trong buổi chiều hè gắt nắng: “Đô thị hóa khiến đường làng ngõ xóm khang trang, nhưng đô thị hóa cũng khiến đất vườn, đất cho quất, cho đào, cho hoa dần thu hẹp lại... Bây giờ thì phường Tứ Liên, phường Nhật Tân đã là phường Hồng Hà, người Tứ Liên, người Nhật Tân giờ là người Hồng Hà, quất Tứ Liên, đào Nhật Tân nổi danh với bao tập quán và kỹ năng mang tên người Tứ Liên, người Nhật Tân giờ có còn gọi tên ngày cũ?”.
Khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Ai cũng hiểu, đơn vị hành chính mới sẽ mở ra những không gian phát triển mới đầy triển vọng. Những đường hướng phát triển kinh tế, giữ gìn và bảo tồn văn hóa cũng được hoạch định tận tường làm điểm tựa cho người dân nâng cao mức sống… Nhưng nỗi nhớ thương, tiếc nuối về danh tiếng, văn hóa, nhất là lối sống ăn sâu trong tiềm thức người đất cũ không phải là không có lý.
2. Cụ thể hóa những định hướng của Luật Thủ đô 2024 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã chủ động đề xuất hình thành các Khu Phát triển thương mại - văn hóa. Đó sẽ là các khu vực phát triển đô thị thông minh, bao gồm các trung tâm mua sắm, khu vực vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng, kết hợp với khu vực triển lãm, trung tâm nghệ thuật, rạp hát và các không gian công cộng phục cụ các hoạt động văn hóa. Các khu vực này sẽ giúp gắn kết giữa nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Các Khu Phát triển thương mại - văn hóa cũng sẽ được mở ra trong các khu vực có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của Hà Nội, như Phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây… để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Những khu vực này sẽ được xây dựng để không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm mà còn làm điểm đến du lịch với các hoạt động như triển lãm nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc truyền thống và các sự kiện văn hóa đặc sắc; không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra các không gian sống và làm việc sáng tạo và hiện đại cho người Hà thành.
Tôi nói với ông bạn đang trầm mặc bên hiên nhà: “Khi các tên gọi hành chính không còn phản ánh đúng bản sắc địa phương, thì chính các Khu Phát triển thương mại - văn hóa sẽ là nơi duy trì “hồn cốt” của từng vùng đất. Những khu vực này không chỉ là không gian phát triển kinh tế, mà còn là những điểm tựa quan trọng để bảo vệ căn tính cộng đồng trong dòng chảy đô thị hóa và toàn cầu hóa”. Thì vẫn còn đó “chứng nhân” là những khu phố cổ Hà Nội, những khu chợ truyền thống ở Đà Nẵng hay Hội An, hay những làng nghề thủ công ở Bắc Bộ… - những minh chứng sinh động cho sự kết hợp giữa thương mại và văn hóa. Ở đó không chỉ bán sản phẩm, mà còn tái hiện các phong tục, nghề nghiệp và tập quán. Thông qua những sản phẩm thủ công, các mặt hàng địa phương, các món ăn truyền thống, khách tham quan có thể cảm nhận được hương vị của từng vùng miền. Đó cũng là nơi giao thoa của các thế hệ, nơi mà những câu chuyện về quá khứ, lịch sử, về những người đã tạo dựng nên những giá trị ấy được kể lại và truyền thụ cho thế hệ sau. Những ngôi nhà cổ với kiến trúc đặc trưng, những con phố nhộn nhịp với tiếng nói địa phương, những gian hàng đầy ắp sản phẩm thủ công truyền thống… tất cả tạo nên một không gian sống động, mang đậm dấu ấn cộng đồng.
Đôi mắt ông bạn tôi chợt sáng như mang theo niềm hy vọng: “Đấy chính là nơi bảo vệ những giá trị văn hóa trước sự thay đổi không ngừng của đời sống đô thị!”.
3. Trong tương lai, các Khu Phát triển văn hóa - thương mại sẽ không chỉ là khu vực dành riêng cho du lịch, mà còn là nơi để người dân địa phương có thể hòa nhập với sự phát triển của xã hội hiện đại mà vẫn giữ được những giá trị truyền thống. Các chuyên gia, các nhà quản lý đều chung quan điểm, các khu vực này cần sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, DN và cộng đồng để bảo đảm các giá trị văn hóa có thể phát triển bền vững. Hà Nội không chỉ bảo vệ những tòa nhà cổ hay các món ăn truyền thống, mà còn cần xây dựng một hệ thống thương mại - văn hóa mà ở đó, mỗi cộng đồng có thể tìm thấy tiếng nói của mình, giữ vững căn tính trước những biến động không ngừng của xã hội.
Vậy là, khi thương hiệu địa phương không còn là tên hành chính, thì chính các Khu phát triển thương mại - văn hóa sẽ là nơi giữ lại hồn cốt của từng vùng đất. Những khu vực này không chỉ là nơi bảo tồn phong tục, nghề nghiệp, tập quán, lối sống mà còn là không gian giúp bảo vệ và phát triển căn tính cộng đồng. Người Hà Nội đương đại hoàn toàn có thể đợi chờ và hy vọng!
Nhật Minh