Đội cứu hộ 116 - Những 'người vớt ánh sáng'

Đội cứu hộ 116 - Những 'người vớt ánh sáng'
4 giờ trướcBài gốc
Trả ơn cuộc đời
Cái tên đội cứu hộ 116 (chuyên hỗ trợ miễn phí cho các gia đình nạn nhân có người thân bị đuối nước) không còn là một cái tên xa lạ với các tỉnh phía Bắc nữa. Đội cứu hộ 116 là "đứa con tinh thần" của anh Nhâm Quang Văn (huyện Vũ Thư, Thái Bình), chủ doanh nghiệp Cứu hộ giao thông 116.
Kể từ khi được "khai sinh" đến nay, đội cứu hộ 116 đã giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh gặp nạn, không chỉ thực hiện tốt an sinh xã hội mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp.
Đội 116 trong một lần rà lưới tìm nạn nhân đuối nước. Ảnh: CTV
Hành trình nghĩa hiệp không đòi hỏi đền đáp ấy bắt nguồn từ một vụ tai nạn cận kề cái chết của anh Nhâm Quang Văn. Đó là một buổi đêm hè cách đây gần 10 năm, anh Nhâm Quang Văn, khi ấy mới ngoài 30, trong lúc đang ra biển để hỗ trợ doanh nghiệp của mình gần cảng Cái Lân thì bị gặp sự cố cùng 8 đồng nghiệp trên biển.
Sau hơn 5 tiếng vật lộn giữa sóng, gần như tuyệt vọng, anh và mọi người được một tàu đánh cá phát hiện và kéo lên thuyền.
“May mắn tai qua nạn khỏi, từ ngày ấy, tôi nghĩ nếu mình còn sống thì phải làm điều gì đó có ích. Vì có thể ai đó sẽ cần mình, giống như tôi từng cần một bàn tay kéo mình lên khỏi cái chết,” anh Văn chia sẻ.
Từ suy nghĩ ấy, anh bắt đầu một mình sử dụng các phương tiện sẵn có của doanh nghiệp để cứu vớt những người gặp nạn trên sông. Sau này, khi được nhiều người biết đến, anh đã tập hợp một nhóm bạn bè, đồng nghiệp, người quen cùng chí hướng sẵn sàng nhảy xuống dòng nước lạnh để giúp đỡ người khác. Đội cứu hộ 116 cứ thế ra đời trong sự im lặng và hoài nghi, một nhóm người “không ai thuê, không ai trả” mà lại cứ lao mình đi tìm người bị đuối nước.
Ban đầu, đội chỉ hỗ trợ một vài vụ nhỏ quanh khu vực Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội. Nhưng sau đó, tin tức lan xa, các gia đình nghèo có người bị đuối nước ở Thanh Hóa, Quảng Bình, thậm chí cả vùng Tây Bắc hay miền Trung cũng tìm đến nhờ giúp đỡ. Không cần ký hợp đồng, không bảng giá. Chỉ cần một cuộc gọi, anh Văn và các đồng đội lập tức lên đường.
Tính đến nay, đội 116 đã hỗ trợ tìm kiếm thi thể cho hàng trăm vụ tai nạn đuối nước, phần lớn là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Nhiều người gọi đến còn rụt rè hỏi: ‘Anh ơi, tụi em không có tiền, anh giúp được không?’ Chúng tôi chưa bao giờ từ chối ai vì lý do đó,” anh Văn chia sẻ.
Sự hy sinh lặng thầm
Để đưa được một thi thể từ đáy sông lên bờ là cả một hành trình vất vả, gian nan. Những nơi đội 116 từng lặn qua thường là các con sông sâu, nước chảy mạnh, tầm nhìn dưới mặt nước gần như bằng không. Rác thải sinh hoạt, vật sắc nhọn, lưới đánh cá, gỗ mục... luôn rình rập nguy hiểm.
“Mỗi lần lặn là một lần đánh cược,” anh Văn nói. “Có khi mò gần cả tuần chưa thấy, có khi suýt mất người vì vướng vào xác trâu, xác bò chìm dưới nước. Nhưng chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản: Nếu mình không làm, ai sẽ làm?”
Tuy nhiên, cũng có những gia đình ban đầu tỏ ra nghi ngại, cho rằng không nhận thù lao thì làm sao có động lực thật sự. “Có những gia đình họ còn gây khó dễ, vì sợ bị lừa. Nhưng mình hiểu và cảm thông cho họ. Cứ im lặng nghe thôi”, anh Văn kể.
Đội 116 hạ cano chuẩn bị cho hành trình đi tìm nạn nhân. Ảnh: CTV.
Không chỉ có vậy, đội còn vấp phải sự cạnh tranh âm thầm từ các nhóm dịch vụ vớt xác chuyên nghiệp. Một số nhóm này coi đội 116 là “giành mối làm ăn”, không ít lần đe dọa, gây sức ép để đội rút lui. Nhưng trước những hoàn cảnh thương tâm, đội vẫn chọn ở lại giúp đỡ, quyết không từ nan.
Chị Hiền, một thành viên cốt cán của đội đã tham gia sau khi chính người thân của chị được cứu vớt, xúc động nhớ lại khi đội 116 giúp tìm được thi thể cháu dâu chị sau ba ngày mất tích: “Họ lặn từ sáng đến tối, không cần ăn uống gì. Đến khi vớt được cháu tôi lên, họ còn cúi đầu lạy. Lúc đó, tôi biết họ không chỉ là những người đi vớt xác, mà là những người đưa người chết được trở về với gia đình. Tôi đã quá xúc động mà quyết định xin được tham gia là thành viên của đội”. Sau sự việc này cả hai vợ chồng chị Hiền đều tham gia vào cùng với đội 116. Trong đội còn có trường hợp đặc biệt nữa là thành viên đã 71 tuổi.
Chị Lan, thành viên của đội, người đã đồng hành tài trợ trang phục cho đội nói: “Khi tìm hiểu về đội thì tôi muốn được cống hiến công sức để tham gia tìm kiếm và cả một phần tài chính để hỗ trợ công tác. Mỗi lần đọc tin họ cứu được người về cho gia đình, tôi lại thấy lòng nhẹ hơn. Trong thế giới này, cần nhiều người làm vì cái tâm như họ”.
Anh Nhâm Quang Văn chia sẻ: Đội 116 chỉ mong ước được lan tỏa tinh thần này để mỗi địa phương có một đội 116 đồng hành, chia sẻ khó khăn cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn có người gặp nạn.
Lê Linh – Lan Vũ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/doi-cuu-ho-116-nhung-nguoi-vot-anh-sang-10305766.html