Chiều 28/3, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An về công tác phòng chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi.
TS.BS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh cùng đoàn công tác làm việc với Sở Y tế Nghệ An.
Tại buổi làm việc, TS.BS Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến ngày 26/3, toàn tỉnh ghi nhận 1.628 ca sốt phát ban nghi sởi, không có tử vong. Địa bàn ghi nhận số ca sốt phát ban nghi sởi nhiều nhất ở huyện miền núi như Kỳ Sơn (764 ca), Tương Dương (201 ca) và TP Vinh (218 ca).
Năm 2025, các trường hợp sốt phát ban nghi sởi ghi nhận ở Nghệ An rải rác ở tuần 1 - 2, sau đó có xu hướng tăng nhanh ở tuần 3 với 167 ca mắc. Số ca mắc có xu hướng giảm xuống ở các tuần từ 4 - 8, sau đó ghi nhận tăng trở lại từ tuần 9, đạt đỉnh ở tuần 11 với 374 ca mắc. Số ca mắc hiện nay trên địa bàn đang có xu hướng giảm dần.
TS.BS Chu Trọng Trang báo cáo cụ thể tình hình dịch sởi và công tác tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trên địa bàn.
Về công tác tiêm chủng, đến ngày 27/3, toàn tỉnh tiêm 42.186 mũi vắc xin có thành phần sởi, trên tổng số 48.770 đối tượng, đạt tỷ lệ 86,5%. Cụ thể, trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi đạt 72,1%; trẻ từ 1 đến 5 tuổi đạt 96,1%; trẻ từ 6 đến 10 tuổi đạt 89,9%. Ngoài ra, Nghệ An tiếp tục cho triển khai tiêm chủng thường xuyên cho lứa tuổi từ 9 - 12 tháng với kết quả 2.611/3661 trẻ đạt 71,3%.
Đối với công tác phòng chống dịch, Giám đốc CDC Nghệ An nhấn mạnh, đơn vị liên tục báo cáo hàng ngày đảm bảo số liệu về tình hình bệnh sởi được liên tục, có hệ thống, đủ và đúng thông tin để nhận định tình hình và đưa ra giải pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, CDC kiện toàn và duy trì 4 đội đáp ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần.
Về công tác điều trị, từ năm 2024, khi ca sốt phát ban tăng, Sở Y tế có nhiều chỉ đạo và xây dựng các phương án, kịch bản về đảm bảo công tác thu dung, điều trị ca bệnh sởi, phân luồng và cách ly điều trị đảm bảo hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm trong các cơ sở điều trị. Phân tuyến, chuyển tuyến kịp thời theo mức độ diễn biến bệnh, đảm bảo ca bệnh được điều trị sớm, không tập trung quá nhiều tại 1 tuyến, không để bệnh chuyển biến nặng.
Cán bộ y tế tiêm vắc xin sởi cho học sinh.
Qua giám sát tại các địa phương, cơ bản các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế đã có kế hoạch cụ thể về công tác tiếp nhận, phân luồng, phân tuyến, cách ly điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện tại, CDC Nghệ An đủ năng lực, hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh sởi (Kỹ thuật Elisa). Đảm bảo nhu cầu giám sát, phát hiện sớm ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian trả kết quả trung bình là 1 ngày kể cả thời gian vận chuyển.
Đặc biệt, công tác truyền thông về dịch bệnh được đẩy mạnh với đa dạng các hình thức. Đăng tải thông điệp truyền thông và khuyến cáo phòng chống dịch sởi, chủ động tham gia, hưởng ứng chiến dịch tiêm vắc xin sởi trên mạng xã hội, website đơn vị.
Cục Phòng bệnh cùng đoàn công tác kiểm tra, đánh giá công tác phòng chống, điều trị cho trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Sản Nghi Nghệ An.
TS.BS Trang cho biết thêm, trong thời gian tới, các đơn vị thực hiện quyết liệt công tác tiêm chủng vắc xin có thành phần sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và chiến dịch. Đôn đốc các đơn vị, trạm y tế đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoàn thành đúng hạn vào ngày 31/3.
Tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại cơ sở điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Ngoài ra, CDC tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm ca mắc, ổ dịch bao vậy xử lý kịp thời. Quản lý tốt ca mắc hạn chế lây lan diện rộng và lây chéo trong các cơ sở điều trị, cộng đồng. Theo dõi, giám sát tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch bệnh sởi hàng ngày, đôn đốc, hỗ trợ kịp thời các đơn vị còn chậm tiến độ.
TS Nguyễn Văn Thương, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.
TS Nguyễn Văn Thương, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, do địa bàn rộng với nhiều huyện, xã giáp biên khiến phần nào ảnh hưởng đến công tác phòng chống các dịch bệnh nói chung và dịch sởi nói riêng. "Vì sức khỏe của người dân, các cán bộ y tế đã không quản khó khăn luôn nỗ lực, tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích tiêm vắc xin, nhất là vắc xin sởi trong giai đoạn này. Ngành y tế đảm bảo đủ nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị tại tất cả các tuyến, sẵn sàng đáp ứng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi", TS Nguyễn Văn Thương nói.
Các y bác sĩ đang khám và tiêm vắc xin sởi cho trẻ em ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.
Sau khi nghe báo cáo, đoàn công tác của Cục Phòng bệnh đưa ra một số lưu ý như việc nên có đại diện phụ huynh tại các điểm tiêm phòng vắc xin tại trường học. Đặc biệt, tránh phản ứng tâm lý khi trẻ chờ tiêm tiếp xúc trực tiếp với trẻ đang tiêm. Ngoài ra, đoàn công tác yêu cầu Sở Y tế Nghệ An rà soát, kiểm tra, giám sát để điều phối vắc xin hiệu quả và cố gắng tiêm hết cho trẻ, không để lọt, sót.
Kết luận buổi làm việc, TS.BS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh đánh giá cao công tác tiêm vắc xin sởi cũng như công tác điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi ở Nghệ An.
Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh đề nghị Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho trẻ, rà soát, đưa vào danh sách những trẻ chưa được tiêm. Ngoài ra, rà soát các xã, huyện về vắc xin để điều chuyển trong nội bộ các xã, huyện tiêm đủ cho trẻ.
Cũng chiều cùng ngày, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cùng đoàn công tác đến Bệnh viện Sản Nghi Nghệ An kiểm tra, đánh giá công tác phòng chống, điều trị cho trẻ mắc sởi.
TS.BSCKII Tăng Xuân Hải, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị xây dựng kịch bản phù hợp trước diễn biến phức tạp của bệnh sợi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh sởi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai của các Khoa/Phòng/Trung tâm. Tổng hợp báo cáo thông tin kịp thời cho lãnh đạo bệnh viện và Ban chỉ đạo ngành để có phương án xử lý kịp thời, không để bệnh lan rộng, hạn chế các trường hợp mắc mới và tỷ lệ tử vong.
Ngoài ra, bệnh viện bố trí phân luồng bệnh nhân ngay tại bộ phận tiếp đón, bố trí khu vực tiếp nhận thông tin hành chính, đăng kí khám và phòng khám cho các đối tượng bệnh nhân nghi ngờ/mắc sởi riêng. Bệnh nhân được phân luồng, khám và chỉ định lấy máu tại chỗ, thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng như chụp Xquang, siêu âm,... theo kịch bản phòng, chống bệnh sởi của Bệnh viện.
Tại khoa Bệnh nhiệt đới: Để đáp ứng với tình hình dịch bệnh sởi, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bệnh viện chỉ đạo bố trí khu cách ly đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thực tế và yêu cầu phòng ngừa chuẩn. Bảo đảm đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng theo tình hình thực tế, kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.
Từ Thành - V. Đồng