Đoàn làm phim tỉnh Hà Tây (cũ) và Phú Yên trong chuyến làm phim về nhạc sĩ Nhật Lai. Người thứ ba từ trái sang là nhạc sĩ Kpă Y Lăng, cùng quê Phú Yên. Ảnh do gia đình cố nhạc sĩ Nhật Lai cung cấp
Còn nhớ dịp kỷ niệm 25 năm giải phóng Phú Yên (1995), VTV Phú Yên sản xuất phim tài liệu Thương nhớ Nhật Lai. Ý định làm phim về nhạc sĩ Nhật Lai - anh trai nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ - của VTV Phú Yên đã có từ lâu, nhưng giống như người em của mình, nhạc sĩ Nhật Lai ra đi hầu như không để lại gì nhiều, ngoài những bản thảo vẫn còn đó trên phím đàn piano, trong ngăn kéo hộc bàn và một vài tấm hình. Đó là những trở ngại không nhỏ cho một phim tài liệu. Song nhạc sĩ Nhật Lai có nhiều đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè biết về ông.
Người con tài hoa của quê hương Tuy An
Thời gian chúng tôi làm phim về ông cũng là lúc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tây (nay đã sáp nhập vào Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) về Phú Yên làm phim về nhạc sĩ Nhật Lai - tác giả ca khúc nổi tiếng Hà Tây quê lụa, nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tây trong một thời gian khá dài. Chúng tôi may mắn tiếp cận khá nhiều thông tin về nhạc sĩ Nhật Lai do gia đình, bạn bè cung cấp. Một trong những tài liệu đó là hơn 3 trang viết tay với tiêu đề “Để nhớ lại những ngày sống chung với cố nhạc sĩ Nhật Lai” của ông Nguyễn Tài, nguyên Trưởng Công an huyện Tuy An, một người bà con, một người bạn từ thuở ấu thơ với nhạc sĩ Nhật Lai.
Theo ông Tài, ngày nay, mỗi lần nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát những bản nhạc Hà Tây quê lụa hay Tiếng hát mở đường, ông không khỏi bùi ngùi thương nhớ đến những ngày sống chung với cố nhạc sĩ Nhật Lai.
Cố nhạc sĩ Nhật Lai. Ảnh do gia đình cung cấp
Nhạc sĩ Nhật Lai tên thật là Nguyễn Tuân, sinh ngày 12/5/1931 trong một gia đình trung nông tại thôn Trung Lương (xã An Nghiệp, huyện Tuy An), lớn hơn ông Tài 5 tuổi. Bên ngoại Nhật Lai, từ ông ngoại, cậu, dì đều là những tay đờn, trống cổ hay và giỏi hát tuồng. Do ảnh hưởng từ phía ngoại và có năng khiếu nên 6 tuổi, Nhật Lai đã biết đánh trống nhỏ (trống chiến), biết thổi kèn đám tang, chơi đàn cò và vỗ bồng. Lúc còn nhỏ, Nhật Lai rất thích câu cá và giỏi bắn chim bằng ná cột dây thun. Một hôm ông tìm chim để bắn thì gặp bạn bè cùng lứa đang chăn bò ở Hòn Đèo, Lỗ Hương, Nhật Lai đạo diễn tập tuồng và diễn ngay tại chỗ, nhất là tuồng San Hậu, mặt các diễn viên đều vẽ bằng lọ nghẹ, quẹt từ hòn đá ông táo.
Âm nhạc dân gian, sân khấu cổ đã in sâu vào tâm trí Nhật Lai ở độ tuổi thiếu niên. Năm lên 10, ông đậu bằng Sơ học yếu lược, sau đó tiếp tục lên học trường phủ ở Ngân Sơn và trường tỉnh. Nhạc sĩ Nhật Lai vừa học chữ, vừa học đàn violon, học hòa âm ở Quy Nhơn.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông gia nhập Xã đoàn Thanh niên An Nghiệp, dìu dắt đội thiếu niên địa phương. Năm 1946, ông cùng người anh họ Nguyễn Viết Tựu và ông Nguyễn Tài đi học lớp trinh sát đầu tiên của tỉnh Phú Yên mở tại TX Tuy Hòa do thầy giáo tên Thê ở Hà Nội vào dạy. Trở về sau khóa học, nhạc sĩ Nhật Lai đã đem kiến thức của mình tổ chức và đưa phong trào thanh niên xã lên rất cao, góp phần vào công cuộc đánh Pháp.
Vào năm 1948, Nhật Lai theo học Trường cán bộ Trung học bình dân ở Quảng Ngãi và 2 năm sau làm cán bộ thuộc Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Đắk Lắk. Một hôm ông về phép thăm nhà dẫn theo vài em thiếu niên Ê Đê cùng đi. Mỗi lần nhạc sĩ về quê thì thanh thiếu nhi trong vùng đều được tập nhiều bài hát hay kịch mới. Ông tập hóa trang dân tộc Gia Rai, Ba Na, H’Rê và múa hát các bài ca Tây Nguyên. Mẹ Nhật Lai, ngoài tuồng cổ, bà còn hát những bài tân nhạc do ông sáng tác như Ai yêu Đắk Lắk, Đi đánh đồn Tây… được nhiều người thích. Lần về thăm nhà năm 1950, ông dẫn theo em trai của mình, nhà thơ Nguyễn Mỹ, vào đội công tác với ông.
Khi ông học ở Quảng Ngãi, các chị trong lớp đặt vui cho cái tên “Nhật lùn”, vì người ông thấp, đậm. Ông thích thú với cái tên mới nên lấy làm bút danh và đổi thành Nhật Lai (tức lai Nhật mà lùn).
Đóng góp to lớn cho âm nhạc Tây Nguyên
Lên Đắk Lắk công tác, nhạc sĩ Nhật Lai học ngôn ngữ của các DTTS ở Tây Nguyên. Ông thường đóng khố, đi chân đất, lặn lội khắp các buôn làng, tìm hiểu đời sống, văn hóa của người Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, H'Rê... và nói thành thạo tiếng của đồng bào. Ông sưu tầm, nghiên cứu dân ca và sáng tác nhạc về Tây Nguyên.
Nhiều khi ông đi sâu vào vùng tạm chiếm với đoàn công tác vài ba tháng mới về hậu phương nghỉ. Mỗi khi đại hội tổng kết các chiến dịch, ông thường tập cho thanh niên ở xã An Nghiệp những tiết mục như Buôn chiều, Ai yêu Đắk Lắk, hoạt cảnh Đi đánh đồn Tây, nhạc kịch Ama Trang Lơng. Những tiết mục của tỉnh Đắk Lắk được đại hội hoan nghênh nhiệt liệt. Về hậu phương để nghỉ nhưng riêng ông ít ngủ, có những lúc bạn bè trực giấc dậy, thấy trời đã khuya nhưng ông còn ngồi ở bàn huýt sáo và viết nhạc. Ông có những đóng góp to lớn cho âm nhạc Tây Nguyên.
Trong di sản mà nhạc sĩ Nhật Lai (bí danh Vân) để lại, phải kể đến các ca khúc: Căm thù thằng Tây cướp mùa lúa đen, Đợi chờ, Chim Pong Kle, Suối đàn tơ rưng, Hà Tây quê lụa, Bài ca anh Hồ Giáo, Bản Mường trong nắng mới, Bài ca sông Nhật Lệ, Đan lưới…; nhạc cảnh Ra đi, nhạc kịch Bên bờ Krông Pa; các tác phẩm giao hưởng thính phòng: hòa tấu Vũ khúc Tây Nguyên, rhapsodie Tiếng cồng mùa xuân, ballade Tiếng trống đồng, giao hưởng số 1 Đất lửa...; nhạc múa Rông chiêng, Đi săn, Múa chăm, Múa trống Tây Nguyên, Múa chiếc coong, Cô gái Ê Đê, Đâm trâu, Giã gạo...; các kịch múa: Hoa sen, Thạch Sanh, Nỏ thần...; nhạc phim Rừng Xà Nu...
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhạc sĩ Nhật Lai tập kết ra Bắc. Ông học bổ túc đại học chuyên ngành Văn Sử, công tác ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Người con tài hoa của quê hương Tuy An tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, sáng tác âm nhạc, nhất là âm nhạc mang âm hưởng Tây Nguyên.
Khi nước nhà thống nhất, ông về thăm quê cũ. Khác với những người về quê, ông không đi theo hương lộ mà đi đường tắt tìm đến bến ông Tấn - nơi ông câu cá khi còn nhỏ và cầu Lưa ở đầu xóm - nơi trẻ con thường tụ tập để ông tập hát múa vào những đêm sáng trăng.
Ông ra đi khá đột ngột do một cơn đau tim sau chuyến đi Liên Xô dàn dựng tiết mục giao hưởng Đất lửa vào tháng 1/1987.
Nhạc sĩ Nhật Lai đã đi xa nhưng những sáng tác của ông đã góp phần cùng toàn dân trong công cuộc đánh Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và được lớp người sau truyền tụng.
TRẦN THANH HƯNG