Dựng kịch “nhập viện nhanh” chiếm đoạt tiền
Công an TP Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối tượng Phạm Thị Liên. Ảnh: Công an cung cấp
Nhân thân của người đàn bà 7 tiền án
Công an TP (CATP) Hà Nội vừa tạm giữ hình sự đối tượng Phạm Thị Liên (SN 1952, trú tại Ngô Quyền, Hải Phòng) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của người phụ nữ này là vào sảnh chờ của bệnh viện và tự xưng là 'người thân' của nạn nhân, sau đó hứa sẽ giúp làm nhanh các thủ tục nhập viện. Tuy nhiên, sau khi cầm tiền, đối tượng đã bỏ trốn.
Trước đó, vào ngày 19/6, chị H.T.Tr (SN 1984, quê ở tỉnh Thái Nguyên) cùng con gái xuống Bệnh viện Phụ Sản T.Ư (địa chỉ số 1 Triệu Quốc Đạt, Hà Nội) để khám bệnh.
Trong lúc ngồi chờ khám trong tình trạng mệt mỏi, lo lắng, thì thấy một người phụ nữ lạ tiếp cận, tự xưng là “quen người nhà của chị” và hứa sẽ giúp lo thủ tục nhập viện nhanh chóng. Do tin người nên chị Tr đã đưa cho người phụ nữ lạ đó với số tiền 5 triệu đồng để làm thủ tục nhập viện. Tuy nhiên, mãi sau không thấy người phụ nữ đó quay lại... thì chị Tr mới biết mình đã bị lừa.
Ngay khi nắm được sự việc, nhân viên Khoa Khám bệnh và phòng Công tác xã hội đã kịp thời báo cáo Lãnh đạo bệnh viện, chủ động phối hợp với đội bảo vệ, an ninh của viện để thu thập những thông tin liên quan.
Tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an phường Hàng Bông đã khẩn trương phối hợp Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hà Nội triển khai các biện pháp điều tra. Đến ngày 25/6, cơ quan công an đã làm rõ, bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo là Phạm Thị Liên.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng cũng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo hồ sơ, người đàn bà này có 7 tiền án về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trộm cắp tài sản. Hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Về vụ việc trên, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng đưa ra khuyến cáo: người bệnh và người nhà cần hết sức cảnh giác, chỉ tiếp nhận thông tin và hướng dẫn từ nhân viên y tế chính thức. Tuyệt đối không nghe theo lời người lạ để tránh mất mát không đáng có cả về tiền bạc, sức khỏe và cơ hội điều trị kịp thời... Các đối tượng này thường giả làm tài xế công nghệ hoặc người quen của bác sĩ, tiếp cận bệnh nhân với thông tin sai sự thật như: "bệnh viện đang sửa chữa, không làm việc", "bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân mới", "các bác sĩ giỏi đã ra phòng khám tư"… nhằm dụ dỗ, lừa đảo người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Chế tài xử lý
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh - Giám đốc Công ty Luật Việt Kim, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của người đàn bà là “dựng kịch” rồi hứa sẽ giúp làm nhanh các thủ tục nhập viện để lừa tiền. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". CATP Hà Nội đã bắt giữ đối tượng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư phân tích: tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được cấu thành bởi hai yếu tố. Đó là: người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản và dùng thủ đoạn nhằm đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc trên, người phụ nữ đưa ra thông tin quen nhân viên của bệnh viện và nhận giúp làm thủ tục nhập viện... Đây chính là thủ đoạn gian dối mà người phạm tội sử dụng để đạt được mục đích. Với số tiền chiếm đoạt trên 2 triệu đồng đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", còn với số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì không bị truy tố, trừ một số trường hợp đáp ứng được một số điều kiện mà Bộ luật Hình sự đã quy định thì vẫn bị truy tố.
Theo quy định, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Điều luật này xác định: “người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng trở lên thì tùy theo mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà người phạm tội có thể sẽ phải chịu mức hình phạt ít nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng, mức cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân”.
Cũng theo chuyên gia pháp lý, cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ, xác minh và đưa ra kết luận cuối cùng về tài sản mà đối tượng chiếm đoạt và số lần đối tượng thực hiện hành vi phạm tội để áp dụng các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, trong đó mỗi lần thực hiện hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập, bị cáo sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội 2 lần trở lên theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong vụ việc trên, theo hồ sơ của cơ quan công an xác minh, người phụ nữ có 7 tiền án về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Trộm cắp tài sản". Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ, khi có đủ căn cứ sẽ khởi tố, đề nghị truy tố theo quy định, đối tượng sẽ đối mặt với tình tiết tăng nặng về trách nhiệm hình sự.
Khi nhận thấy mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân có thể thu thập chứng cứ liên quan một cách đầy đủ và theo quy định của pháp luật rồi trình báo cơ quan công an. Theo đó, người dân có thể bằng cách liên hệ trực tiếp, hoặc liên hệ qua điện thoại, hoặc liên hệ qua email... của cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự (đối với tin tố giác có thể là lời nói hoặc bằng văn bản).
Luật sư Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh - Giám đốc Công ty Luật Việt Kim
Đạt Lê