Trung Quốc thề sẽ trả đũa thuế quan “đối ứng” của Mỹ
Trong phản ứng đầu tiên trước động thái tăng thuế mới nhất của Tổng thống Trump, Trung Quốc hôm nay (3/4) đã thúc giục Mỹ hủy bỏ mức thuế quan đối ứng mới ngay lập tức, đồng thời cảnh báo sẽ trả đũa để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Trụ sở Bộ Thương mại Trung Quốc. Ảnh: VCG.
Theo thông tin trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, người phát ngôn bộ này cho rằng, Mỹ đã bỏ qua sự cân bằng lợi ích đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại đa phương trong nhiều năm qua và phớt lờ thực tế về việc Washington từ lâu đã được hưởng lợi rất nhiều từ thương mại quốc tế.
Người phát ngôn tuyên bố: “Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền và lợi ích của mình”.
Theo người phát ngôn, cái gọi là “thuế quan đối ứng” được xác định dựa trên các đánh giá đơn phương và chủ quan của Mỹ, vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, làm suy yếu nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, là hành vi “bắt nạt đơn phương điển hình”.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tái khẳng định, không có bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ sẽ không có lối thoát. Bắc Kinh hối thúc Washington “xóa bỏ thuế quan đơn phương ngay lập tức và giải quyết thỏa đáng bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng”.
Người phát ngôn cho rằng, việc tăng thuế quan không giải quyết được vấn đề của Mỹ, mà chỉ gây tổn hại đến lợi ích của nước này, đe dọa sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Bên cạnh đó, ông cũng tuyên bố áp mức thuế đối ứng cao với hàng chục quốc gia khác, bao gồm cả những đối tác quan trọng của Mỹ.
Trong đó, hàng hóa Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế mới 34%. Kết hợp với mức thuế 20% áp dụng từ đầu năm, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế lên tới 54%.
Trước đó, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp thuế 15% đối với nhiều loại nông sản xuất khẩu của Mỹ, kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng số lượng các công ty Mỹ phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác lên hơn 20 công ty.
Hồi đầu tháng 3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ từng ra tuyên bố trên mạng xã hội X cho biết: “Nếu chiến tranh là điều Mỹ muốn, dù là chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hay bất kỳ loại chiến tranh nào khác”, Bắc Kinh “sẵn sàng chiến đấu đến cùng”.
Nhật Bản thất bại lần nữa trong đàm phán thuế với Mỹ
Chính phủ Nhật Bản cho biết vừa đàm phán với Mỹ ngay trước khi danh sách thuế đối ứng của Mỹ được công bố chỉ vài giờ. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không đem lại kết quả.
Rạng sáng nay 3/4, theo giờ địa phương, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản Muto Yoji đã có cuộc hội đàm trực tuyến chớp nhoáng với Bộ trưởng thương mại Mỹ Howard Lutnick, ngay trước khi Tổng thống Donald Trump công bố danh sách thuế đối ứng cụ thể dành cho từng đối tác thương mại quốc tế. Tại đây, ông Muto nhấn mạnh việc chính sách thuế của Mỹ có khả năng sẽ gây thiệt hại cho chính nước Mỹ, đồng thời đề nghị phía Mỹ đưa Nhật Bản ra khỏi danh sách áp thuế.
Tuy nhiên, tại hội đàm, không có lời giải thích nào được đưa ra từ phía Mỹ về lý do đưa Nhật Bản vào danh sách, cũng như về cơ sở để áp mức thuế 24% đối với Nhật Bản. Về phản ứng của phía Mỹ, Bộ trưởng Muto cho biết: “Bộ trưởng thương mại Mỹ cho biết là sau đây vài giờ, danh sách thuế sẽ được chính thức công bố, và đề nghị tôi tham khảo kỹ. Ông Lutnick cũng nhấn mạnh quyết định này là nhằm phục hưng nước Mỹ một lần nữa. Chính phủ sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ về vấn đề này”.
Trước đó, vào hôm 11/3, tại Washington, Bộ trưởng Muto đã lần lượt có các cuộc hội đàm riêng rẽ lần đầu tiên với người đồng cấp phía Mỹ Howard Lutnick và người đứng đầu Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, để đề xuất phía Mỹ không áp dụng mức thuế cao đối với ô tô và các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối một cách thẳng thừng đề xuất này, khi nhấn mạnh “không thể đưa Nhật Bản ra khỏi chính sách chung”. Mặc dù đã 2 lần không thành công trong đàm phán, Nhật Bản vẫn chủ trương không áp dụng các biện pháp trả đũa đối với Mỹ.
Trong khi đó, các nhà kinh tế Nhật Bản vừa công bố một kết quả tính toán cho thấy, mức thuế 24% của Mỹ sẽ khiến thiệt hại hàng năm của Nhật Bản lên tới khoảng 0,59% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và đây chưa phải là con số thiệt hại cuối cùng.
Bích Thuận, Tuấn Nhật, Ngọc Huân/VOV