Đổi mới, cải cách và hiệu quả

Đổi mới, cải cách và hiệu quả
14 giờ trướcBài gốc
Phóng viên: Chiến lược cải cách tư pháp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động tư pháp. Năm 2024, TAND tỉnh đã chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác này như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thanh Vũ: Để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, ngày 29/3/2024, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 56-KH/BCSĐ và xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Sau đó, đã khẩn trương chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, nhiệm vụ cải cách tư pháp. Trong đó, xác định chuyển đổi số - xây dựng Tòa án điện tử của hệ thống là công tác thường xuyên, liên tục trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của hai cấp. Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác chuyển đổi số trong hai cấp. Đặc biệt, ngày 1/2/2024, đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số TAND hai cấp tỉnh, do Chánh án TAND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo các đơn vị tòa án hai cấp trong tỉnh là thành viên ban chỉ đạo nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số. Lãnh đạo TAND đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động TAND hai cấp trong tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin theo chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao.
Đồng chí Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về những kết quả đạt được trong thực hiện chuyển đổi số?
Đồng chí Lê Thanh Vũ: Toàn thể công chức, người lao động TAND hai cấp trong tỉnh được nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tập thể và từng cá nhân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Mỗi cá nhân đã tích cực, chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc khai thác, sử dụng các dịch vụ công tư pháp và các cổng thông tin điện tử của TAND. Lãnh đạo đơn vị đã thực hiện tốt vai trò của người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo điều hành trên nền tảng số. Công chức, người lao động đơn vị đã thực hiện tốt kỷ luật công vụ, cập nhật dữ liệu, thông tin trên các phần mềm, quản lý kịp thời, đầy đủ, chính xác và tích cực tham gia tập huấn, sử dụng các phần mềm.
Đơn vị thực hiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin dựa trên ngân sách được cấp. Tại đơn vị đã trang bị cơ bản thiết bị máy tính văn phòng, máy móc, hệ thống mạng bảo mật để thực hiện các công tác chỉ đạo, điều hành, cập nhật dữ liệu quản lý… Công tác khai thác, sử dụng nền tảng xét xử trực tuyến, nền tảng họp trực tuyến trong tòa án được đẩy mạnh thực hiện. Trong năm 2024, tòa án hai cấp đã tổ chức xét xử 94 phiên tòa trực tuyến và 165 phiên tòa rút kinh nghiệm (có 12 phiên tòa rút kinh nghiệm kết hợp trực tuyến). Tham gia đầy đủ các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến của các đơn vị thuộc các tỉnh do TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
Hiện đơn vị có 93/93 thẩm phán được cấp tài khoản sử dụng; 100% đều có tương tác với trợ lý ảo, đặt những câu hỏi trao đổi nghiệp vụ, tình huống pháp lý, bước đầu phần mềm Trợ lý ảo đã mang lại hiệu quả trong công tác chuyên môn; tích cực góp ý, đặt câu hỏi và đề xuất tình huống pháp lý, góp phần hoàn thiện nội dung tri thức cho phần mềm. Cụ thể, TAND hai cấp đã tương tác với trợ lý ảo 43.212 lượt, tra cứu văn bản pháp luật là 24.389 lượt, 206 tình huống pháp lý, 325 câu hỏi trao đổi chuyên môn, 18.289 bình luận trao đổi chuyên môn…
Công tác công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của TAND Tối cao. Bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, hoàn thiện cơ chế để nhân dân giám sát công tác xét xử của tòa án. Đáng nói, công tác sử dụng, khai thác phần mềm Trợ lý ảo luôn được lãnh đạo quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là đối với chức danh thẩm phán. Hiện đơn vị có 93/93 thẩm phán được cấp tài khoản sử dụng; 100% đều có tương tác với trợ lý ảo, đặt những câu hỏi trao đổi nghiệp vụ, tình huống pháp lý, bước đầu phần mềm Trợ lý ảo đã mang lại hiệu quả trong công tác chuyên môn; tích cực góp ý, đặt câu hỏi và đề xuất tình huống pháp lý, góp phần hoàn thiện nội dung tri thức cho phần mềm. Cụ thể, TAND hai cấp đã tương tác với trợ lý ảo 43.212 lượt, tra cứu văn bản pháp luật là 24.389 lượt, 206 tình huống pháp lý, 325 câu hỏi trao đổi chuyên môn, 18.289 bình luận trao đổi chuyên môn…
Phóng viên: Việc thực hiện cải cách tư pháp trên nền tảng số của TAND hai cấp có gặp phải những vướng mắc gì không, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thanh Vũ: Hiện hệ thống hạ tầng số và các trang thiết bị công nghệ thông tin cho TAND cấp huyện còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính hiện đại, tính tối ưu hóa để đưa vào vận hành chuyên nghiệp. TAND hai cấp chưa được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến. Về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt được kết quả đáng khích lệ song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo mật thông tin trước những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn từ tội phạm mạng, các hoạt động xâm phạm thông tin công nghệ cao.
Tại TAND cấp huyện chưa được bố trí công chức chuyên trách về công nghệ thông tin nên chất lượng, hiệu quả ứng dụng các phần mềm, tổ chức xét xử trực tuyến và các hoạt động công tác trên nền tảng số chưa cao, các công tác về công nghệ thông tin còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của TAND tỉnh. Các phần mềm chưa được nâng cấp tương xứng với mức độ, tần suất sử dụng, thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn, lỗi mạng đường truyền, gây khó khăn cho công chức khi tra cứu, sử dụng, cập nhật thông tin. Về các dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa có cơ chế đẩy mạnh cho người dân tiếp cận và sử dụng đồng bộ các dịch vụ công tư pháp trực tuyến, nhất là dịch vụ gửi, nhận đơn khởi kiện bằng phương tiện điện tử và dịch vụ thu, nộp tạm ứng án phí trực tuyến…
Phóng viên: Thưa đồng chí, TAND tỉnh sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn và nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp?
Đồng chí Lê Thanh Vũ: Đơn vị sẽ tiếp tục đề nghị về TAND Tối cao quan tâm đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin cho các tòa án. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ xét xử trực tuyến theo đúng định mức quy định; khẩn trương xúc tiến triển khai dịch vụ tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện bằng phương tiện điện tử và dịch vụ thu nộp tạm ứng án phí trực tuyến cho các đơn vị TAND cấp huyện. Tiếp tục quan tâm đầu tư, cấp kinh phí thực hiện các biện pháp kỹ thuật, công nghệ bảo mật chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các phần mềm nội bộ dùng chung của tòa án; cải thiện tiện ích sử dụng của phần mềm Trợ lý ảo theo hướng hệ thống hóa toàn diện, đồng bộ văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn về hoạt động công tác của tòa án.
Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ công chức có chuyên môn cao về an toàn thông tin; tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức trong việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin, bố trí công chức chuyên trách về công nghệ thông tin cho các đơn vị TAND cấp huyện. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các dịch vụ công tư pháp trực tuyến đã được TAND Tối cao đưa vào sử dụng chính thức. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tư pháp trực tuyến.
SỚM MAI (Thực hiện)
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/phap-luat/202411/doi-moi-cai-cach-va-hieu-qua-d454b5b/