Đa dạng kênh tiếp nhận kiến nghị của công dân
Chuyên viên Ban Tiếp công dân (Văn phòng HĐND - UBND quận Nam Từ Liêm) trong buổi tiếp công dân.
Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, từ giữa năm 2021 đến tháng 2-2025, lãnh đạo UBND thành phố đã tiếp thường xuyên 8.656 lượt với 14.015 công dân; 280 lượt đoàn đông người với 1.527 công dân. Lãnh đạo UBND thành phố duy trì lịch tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ ba của tuần thứ 3 hằng tháng tại trụ sở Tiếp công dân thành phố và đã tiếp 702 lượt với 1.754 công dân, 47 lượt đoàn đông người.
Bên cạnh công tác tiếp công dân trực tiếp, thành phố cũng mở rộng kênh tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thông qua môi trường mạng, kênh Zalo… Đặc biệt, thành phố đã hình thành nền tảng ứng dụng mạng xã hội “Công dân Thủ đô số” (iHanoi), qua đó giúp người dân, doanh nghiệp tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời.
Là một trong những người sử dụng ứng dụng iHanoi ngay khi ứng dụng mới ra mắt, chị Lê Thị Thùy (quận Thanh Xuân) bày tỏ sự hài lòng với các tiện ích trên ứng dụng số này. “Qua iHanoi, các vấn đề bức xúc như vệ sinh môi trường, trật tự đô thị hay việc giải quyết thủ tục hành chính khi gửi đến các cơ quan chức năng đều được chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời, nhanh chóng”, chị Thùy nói.
Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Hoàng Văn Bằng đánh giá, các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua môi trường mạng đã tạo đột phá về chuyển đổi số, hướng tới thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Số hóa công tác tiếp công dân
Mặc dù đã đạt được kết quả nêu trên, UBND thành phố cũng nhận định, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh còn chưa khoa học, hiệu quả, cần tiếp tục đổi mới hơn nữa.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, UBND thành phố đã lắp đặt và vận hành hệ thống hội nghị trực tuyến từ trụ sở Tiếp công dân thành phố đến điểm cầu các quận, huyện, thị xã phục vụ công tác tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo UBND thành phố. Phó Trưởng ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội Phạm Đình Thực cho biết, việc tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến đã giúp giải quyết những tình huống phát sinh phức tạp trong việc tiếp công dân như tình trạng tập trung đông người khiếu nại, tố cáo; giảm tình trạng quá tải tại phòng chờ trụ sở Tiếp công dân thành phố.
Bên cạnh đó, ông Phạm Đình Thực cho biết, hoạt động tiếp công dân trực tuyến phù hợp mục tiêu chung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân. Ngoài ra, hoạt động này phù hợp với bối cảnh xây dựng chính quyền điện tử hiện nay của thành phố Hà Nội.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tích hợp công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố. Thành phố sẽ tích cực triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tăng sự tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố; ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho nơi tiếp công dân, trụ sở Tiếp công dân thành phố. Từ đó làm tiền đề để thành phố thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ theo quy định; tăng cường đối thoại với công dân nhằm xử lý dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, tránh để kéo dài, vượt cấp.
Phó Trưởng ban Tiếp công dân trung ương Phạm Thế Sự:
Hà Nội ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin
Hà Nội đã triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội trong tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân như ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi). Cùng với triển khai có hiệu quả các ứng dụng, việc tiếp công dân trực tuyến sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đồng thời, việc tiếp công dân trực tuyến cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn…
Thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền cho người dân thấy được tính ưu việt và lợi ích của việc tiếp công dân trực tuyến, đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong công tác tiếp dân. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân trực tuyến, sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu tiếp công dân và tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin...
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh:
Thực hiện chuyển đổi số trong tiếp công dân
Huyện Thường Tín luôn xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được lãnh đạo UBND huyện quan tâm chỉ đạo giải quyết sát sao, thực hiện nghiêm túc và đúng quy định. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được huyện Thường Tín tập trung kiểm tra, rà soát đối thoại để giải quyết dứt điểm góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Tuy nhiên, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của một số xã chưa kịp thời, chưa dứt điểm. Để làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, huyện Thường Tín tiếp tục cập nhật kiến thức, kỹ năng trong triển khai thực hiện, tổ chức bồi dưỡng, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện chuyển đổi số trong công tác tiếp công dân cho công chức, tổ trưởng tổ hòa giải cơ sở các xã, thị trấn để làm tốt hơn công tác tham mưu, giải quyết dứt điểm đơn, thư của công dân.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Ngô Thùy Linh:
Đa dạng kênh tiếp nhận sẽ giảm thiểu khiếu nại, tố cáo
Các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân trên môi trường mạng được ứng dụng vào công tác quản lý nhà nước đã trở thành cầu nối giúp chính quyền và người dân gần với nhau hơn bao giờ hết. Từ những phản ánh của người dân, chính quyền địa phương trực tiếp nắm bắt được những vấn đề của người dân và sớm giải quyết, qua đó, tạo đồng thuận giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Chưa bao giờ kiến nghị, phản ánh của công dân được tiếp nhận, xử lý và phản hồi nhanh đến thế. Những vấn đề gây bức xúc xã hội sẽ dần giảm đi, bởi đã có người dân theo dõi và có thể phản ánh ngay lập tức đến cơ quan chức năng. Từ đó, bên cạnh mục tiêu ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân trên môi trường mạng sẽ giảm thiểu tình trạng công dân đến các trụ sở cơ quan chính quyền các cấp khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Mai Hữu ghi
Tiến Thành