Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong CAND.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển chung của công tác giáo dục, đào tạo trong CAND, công tác giáo dục, đào tạo của trường CSND cũng có những bước tiến vượt bậc, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bộ Công an đang triển khai mô hình Công an 3 cấp với nhiều nhiệm vụ mới tiếp nhận từ các bộ, ngành khác đã và đang đặt ra cho công tác giáo dục và đào tạo của ngành Công an nói chung và các học viện, trường đại học CSND nói riêng nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo khoa học cấp Bộ: “50 năm đào tạo trình độ đại học Cảnh sát, thành tựu và định hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” được tổ chức nhằm cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn về nguồn nhân lực của lực lượng CAND trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có các mặt công tác Công an.
Trên cơ sở đó, xác định phương hướng, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng CAND nói chung và chiến lược đào tạo cán bộ, chiến sĩ có trình độ đại học tại các học viện, trường đại học khối CSND nói riêng đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng phát biểu tại hội thảo.
Trao đổi, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những thành tựu đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong đào tạo trình độ đại học tại các học viện, trường đại học CSND; thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng CSND trong tình hình mới.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trình độ đại học đối với lực lượng CSND trong thời gian tới, nhiều ý kiến đề xuất các học viện, nhà trường CAND cần tiếp tục phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học theo hướng hiện đại, nhanh chóng xây dựng mô hình đại học thông minh; các đơn vị chức năng và các nhà trường CAND xây dựng chiến lược để các cơ sở đào tạo đại học Cảnh sát phải trở thành những trung tâm nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện danh mục ngành, chuyên ngành và nội dung, chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSND; hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ dạy và học theo tiêu chuẩn quốc gia, từng bước tiếp cận mức chuẩn của khu vực và thế giới; đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu khoa học và hợp tác trong đào tạo lực lượng Cảnh sát.
Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.
Đại tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo đã đưa ra những định hướng trong công tác giáo dục đào tạo tại các trường CAND đáp ứng xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Theo đó, trong thời gian tới, Cục đào tạo sẽ phối hợp với các trường CAND rà soát quy mô đào tạo, rà soát danh mục ngành; hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; chuẩn hóa tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo kiểm định chất lượng; tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đại học trong CAND; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo; xây dựng đại học số phù hợp với đặc thù của lực lượng CAND.
Thiếu tướng Lê Văn Tân, Phó Cục trưởng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, các trường đại học CSND cũng cần chú trọng trang bị thêm cho người học các kỹ năng mềm, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ để đủ điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế.
Thiếu tướng Lê Văn Tân phát biểu tại hội thảo.
Thượng tá Đỗ Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua, học viên tốt nghiệp Học viện CSND được phân công về Công an TP đều có tư duy tốt, kỹ năng làm việc nhóm tốt, biết vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong công việc… Nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo chỉ huy, được lãnh đạo Công an TP đánh giá cao.
Trong thời gian tới cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; lựa chọn các ngành, các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tế; đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình tài liệu; phối hợp các đơn vị chức năng để đề xuất trang bị, đầu tư phương tiện thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến và các phần mềm nghiệp vụ để phục vụ công tác đào tạo thực hành, đẩy mạnh việc số hóa tài liệu để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thượng tá Đậu Quang Minh, Phó Trưởng phòng, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cũng đề xuất công tác giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học CSND cần tiếp tục gắn với thực tiễn tình hình ANTT và sự nghiệp bảo vệ ANTQ; tập trung nghiên cứu những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, những vấn đề phức tạp về ANTT nổi cộm, đồng thời tiến hành dự báo, đánh giá và chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ, tham mưu cho các hệ lực lượng nghiệp vụ để kịp thời có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn...
Phát biểu tổng kết hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND đề nghị các đơn vị chức năng của Học viện CSND tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội thảo để tham mưu Ban Giám đốc Học viện báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học Cảnh sát đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Huyền Thanh