Đổi mới dạy học song hành cùng đổi mới đánh giá học sinh

Đổi mới dạy học song hành cùng đổi mới đánh giá học sinh
13 giờ trướcBài gốc
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Lam Nhi.
Đề thi “hái sao trên trời”
Là Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn đồng thời là tác giả viết sách giáo khoa, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã nhiều lần góp ý về các đề thi môn Ngữ văn các cấp. Năm 2024, ông Thống đã nêu về đề thi học sinh giỏi (còn gọi là thi Olympic) môn Ngữ văn lớp 7 quá khó của một địa phương. Sau khi đăng tải, rất nhiều giáo viên phản ánh, than phiền về hiện tượng ra đề thi vượt xa yêu cầu của chương trình học tập thường ngày của các em. Năm nay, hiện tượng ra đề theo yêu cầu “hái sao trên trời” ấy vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương.
Cụ thể, một đề thi có bài đọc hiểu một văn bản và trả lời 4 câu hỏi cùng yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về ý kiến “Chính những khó khăn thử thách sẽ góp phần nhào nặn bạn thành một phiên bản tốt hơn”; tiếp đến yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học (10/20 điểm) bàn về ý kiến của nhà thơ Nga Rasul Gamzatov: “Thơ là sự sống, nhưng đây là sự sống đọng lại, biến thành cái đẹp” với câu lệnh: “Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua những tác phẩm thơ đã học, đã đọc em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên”. Ông Thống nhận định trong thời gian 120 phút với học sinh lớp 7, cho dù là học sinh giỏi và ngay cả người ra đề cũng không làm tốt được đề văn ấy.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đề văn này đặt ra các yêu cầu vượt quá xa với chương trình học hàng ngày của học sinh. Theo Chương trình GDPT 2018, với học sinh lớp 7, chương trình chỉ yêu cầu viết văn nghị luận ở mức độ đơn giản. Ngay cả với cấp THPT, chương trình cũng không yêu cầu viết bàn luận và làm sáng tỏ một vấn đề lí luận hay lịch sử văn học.
“Chương trình mới tập trung vào yêu cầu đọc hiểu văn bản theo thể loại và viết về những gì học sinh đã đọc hiểu, cảm thụ được. Cho nên kiểu bài chính của nghị luận văn học là cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học với nhiều cấp độ khác nhau. Kiểu đề trên hoàn toàn không nằm trong yêu cầu của chương trình, không đánh giá được năng lực đọc hiểu, cảm thụ cũng như khả năng phân tích tác phẩm của học sinh…” - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận định và cho rằng hệ quả là phần lớn học sinh chán nản, giáo viên thất vọng…
Theo ông Thống, cần thay đổi quan niệm và cách đánh giá học sinh giỏi cho phù hợp. Đó là vẫn phải bám sát các yêu cầu cần đạt của chương trình học hàng ngày, chỉ khác là với học sinh giỏi, các yêu cầu ấy phải được nâng cao với mức độ khó hơn, sâu hơn so với đề thi cho học sinh bình thường.
GS.TS Đỗ Đức Thái - Tổng Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình GDPT 2018 chia sẻ câu chuyện rất thực về việc 3 giáo sư về Toán của trường sư phạm, trong đó có ông đã gặp khó khăn với một câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán năm 2024. Thậm chí, không thể giải nổi trong khuôn khổ thời gian có hạn.
Từ đó, có thể thấy dù các đề thi được xây dựng với các cấp độ câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao nhưng nếu số lượng câu hỏi khó nhiều, các bước giải dài, đòi hỏi tính toán nhanh và chính xác trong thời gian ngắn tại phòng thi khiến thí sinh khó đạt điểm tuyệt đối, dù là những thí sinh của đội tuyển quốc gia môn học đó.
Lưu ý với bài toán thực tế
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó, môn Toán có xuất hiện các câu hỏi trắc nghiệm ở nhiều dạng, bám sát chương trình mới với các bài toán thực tế. Điều này phù hợp với định hướng chương trình môn Toán theo Chương trình GDPT 2018 là đào sâu kỹ năng vận dụng, dùng toán học để giải quyết các mô hình trong đời sống, tránh đi sâu vào tính hàn lâm. Nhiều thầy cô góp ý do thời gian trong phòng thi có hạn nên đề thi không nhất thiết đòi hỏi những kỹ năng quá phức tạp, chỉ cần học sinh nắm được tư duy và định hướng giải bài. Bên cạnh đó, với mục tiêu kiểm tra năng lực của học sinh, cách đặt câu hỏi cũng rất quan trọng. Cần đưa được dữ kiện để đánh giá kỹ năng của học trò vừa không quá rườm rà, ngôn ngữ chính xác theo chuẩn toán học.
TS Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) nhìn nhận, các bài toán thực tế luôn thú vị và thách thức. Đọc hiểu và viết ra được tóm tắt của bài toán đã là nửa quãng đường rồi. Là người tích cực ủng hộ xu hướng đưa bài toán thực tiễn vào lớp học và đề thi, ông Dũng luôn trăn trở làm sao để sử dụng hiệu quả các bài toán thực tiễn trong giảng dạy toán học. Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, thầy Dũng cũng chỉ ra những mặt hạn chế cần được phân tích kỹ lưỡng. Cụ thể, chất lượng của các ví dụ, bài toán, hay đề thi mang yếu tố thực tế cần được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, cần xem xét cẩn thận về liều lượng của các bài toán này và mục đích cụ thể của chúng: Khi nào nên sử dụng, và sử dụng để đạt được điều gì?
“Ra một bài toán đã khó, ra được một bài toán mang tính thực tiễn lại càng khó hơn. Chúng ta cần tiếp cận vấn đề này một cách khoa học, cẩn trọng và có trách nhiệm, thay vì chủ quan cho rằng “ra bài toán thực tế thì có gì phức tạp”. Thực tế cho thấy, việc thiết kế một bài toán hay một đề thi phù hợp với mục tiêu giáo dục luôn là thử thách lớn, và với bài toán thực tiễn, độ khó càng tăng lên” – TS Trần Nam Dũng chia sẻ.
TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc đổi mới cách dạy và học cũng như cách ra đề thi. Năm 2024, ghi nhận đề Toán trong kỳ thi vào lớp 10 THPT của TPHCM với nhiều đổi mới theo hướng đưa toán học vào thực tế cuộc sống. Một đề thi khác biệt so với cách ra đề truyền thống đã khiến nhiều học sinh rơi nước mắt khi bước ra khỏi cánh cổng trường thi, nhưng cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích, thay đổi cách dạy học bộ môn này trong nhà trường. Nhiều ý kiến ủng hộ sự đổi mới này, nhưng cũng cần nhanh chóng đồng bộ hóa để tránh khiến học sinh bị sốc, vì học vẫn theo lối mòn nhưng thi theo kiểu mới.
Với riêng môn Ngữ văn, hiện có 3 bộ sách đáp ứng yêu cầu của chương trình 2018 và đang được triển khai dạy học trên cả nước. Với 2 kỳ thi quan trọng là thi tuyển sinh THPT và thi tốt nghiệp THPT, yêu cầu đặt ra là không sử dụng các văn bản đã được học trong cả 3 bộ sách nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh. Nếu ngữ liệu trong đề thi dùng lại một tác phẩm có trong một bộ sách, hoặc trích đoạn khác của tác phẩm đã được học, cũng là thiếu công bằng đối với học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình GDPT 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước. Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Cụ thể, sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh. Đề thi được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh. Theo đó, đề thi thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Thu Hương
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/doi-moi-day-hoc-song-hanh-cung-doi-moi-danh-gia-hoc-sinh-10304627.html