Giúp doanh nghiệp nắm vững tiêu chuẩn chất lượng
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm được thực hiện thông qua công tác phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu và điều kiện phát triển hoạt động đo lường để tổng hợp, phê duyệt các nhiệm vụ thuộc kế hoạch trong phạm vi quản lý nhà nước theo thẩm quyền và quy định của pháp luật liên quan.
Với mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý nhà nước về đo lường ngày càng chặt chẽ, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành các văn bản quản lý và hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ đo lường. Cụ thể: phối hợp triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn 9 huyện, thành phố; hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về đo lường nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất; hướng dẫn một số nội dung nhằm bảo đảm quy định về đo lường đối với phương tiện đo xăng dầu trong việc thực hiện Công điện 1123/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đăng ký thực hiện chương trình bảo đảm đo lường trong kinh doanh LPG (khí, dầu mỏ hóa lỏng); phối hợp triển khai chương trình bảo đảm đo lường trong ngành nước… Điều này giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm rõ, đầy đủ hơn về pháp luật liên quan đến đo lường, tạo cơ sở pháp lý để nhà quản lý thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Nam Định không ngừng tạo điều kiện thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp. Nguồn: ITN
Trong quá trình triển khai các hoạt động quản lý nhà nước, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức khảo sát các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tiếp nhận ý kiến phản hồi về những vướng mắc, bất cập trong quy định quản lý đo lường. Trên cơ sở đó, Sở tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách; đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đo lường và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Năm 2024, tỉnh đã phát triển thêm một tổ chức hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong lĩnh vực đồng hồ nước lạnh (Công ty Cổ phần Nước sạch Nam Định), nâng tổng số tổ chức kiểm định được chỉ định trên địa bàn lên 3 đơn vị, gồm: Trung tâm Thí nghiệm điện Nam Định; Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ; Công ty CP Nước sạch Nam Định.
Trong đó, Trung tâm Thí nghiệm điện Nam Định đủ điều kiện và đã được cấp giấy chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025. Năm 2024, 3 đơn vị kiểm định đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn cho 536.967 phương tiện đo; kết quả có 508.654 phương tiện đo đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường. Đồng thời, phát hiện và yêu cầu hiệu chuẩn đối với 28.313 phương tiện đo không đạt yêu cầu kỹ thuật.
Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến đo lường tiếp tục được tăng cường. Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện 6 đợt kiểm tra Nhà nước về đo lường tại 82 cơ sở sử dụng phương tiện đo, thực hiện phép đo nhóm 2, nhằm chấn chỉnh hoạt động đo lường đối với các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Đồng thời, Sở đã tổ chức thu thập thông tin về hoạt động đo lường, thử nghiệm để tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch hỗ trợ đo lường cho các tổ chức, doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tháng 11.2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tập huấn về Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp cho Công ty Điện lực Nam Định; tổ chức hội thảo "Vai trò của hoạt động bảo đảm đo lường trong sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" kết hợp tuyên truyền kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam; tập huấn công tác bảo đảm đo lường tại các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa mắt; và trong hoạt động kinh doanh LPG… Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của đo lường trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo sự đồng thuận trong cộng đồng và xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án 996 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp thực sự quan tâm đến việc đổi mới hoạt động bảo đảm đo lường còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực điện, nước và xăng dầu. Đội ngũ cán bộ chuyên trách có chuyên môn sâu về bảo đảm đo lường chưa được hình thành, mặc dù đã tổ chức nhiều đợt tập huấn. Đối với các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, do nguồn ngân sách đầu tư còn hạn chế nên việc bổ sung chuẩn đo lường hoặc duy trì hệ thống chuẩn hiện có vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những vấn đề nêu trên, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng chuyên mục tuyên truyền về bảo đảm đo lường và giải quyết tranh chấp đo lường trong các lĩnh vực kinh doanh như nước, điện... Đồng thời, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN; tổ chức đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực về đo lường nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao hạ tầng chuẩn đo lường tại địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và bảo đảm công bằng trong hoạt động mua bán, thanh toán, giao nhận. Việc đẩy mạnh thực hiện thành công Đề án 996 được kỳ vọng sẽ tạo cú hích quan trọng, "nặng ký" nhằm thúc đẩy đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh.
Phương Hoa