Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý và hoạt động khoa học công nghệ

Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý và hoạt động khoa học công nghệ
5 giờ trướcBài gốc
Khung pháp lý không ngừng được xây dựng và hoàn thiện
Trước xu thế hội nhập hiện nay, khoa học công nghệ là chìa khóa, là yếu tố quyết định giúp cho việc rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại Hội thảo "Thực trạng chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ ở nước ta hiện nay"
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ, trong đó nhiều Nghị quyết quan trọng đã ra đời như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 12.1.2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Kết luận số 50-KL/TW ngày 30.5.2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có nhiều nội dung quan trọng mang tính định hướng phát triển đất nước dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành các luật, nghị quyết tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh, toàn diện cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung, phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học công nghệ nói riêng như: Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2017…
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, trong hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ.
Đơn cử, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 54/100 quốc gia trong bảng xếp hạng về hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu; năm 2023 đứng thứ 46/132 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam từng bước thu hút được sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư, đặc biệt từ nguồn ngoài nước. Hết năm 2023, cả nước có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động, trong đó có 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.
Hướng tới đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng và số lượng
Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Nguyễn Ngọc Sơn cũng chỉ rõ, sau 10 năm triển khai thi hành, trước bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Luật được ban hành từ năm 2013 nên không thể tránh khỏi việc chưa thể hiện được đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học công nghệ cũng như chưa cập nhật những vấn đề mới khi khoa học công nghệ trong nước và thế giới phát triển quá nhanh. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định đủ cơ chế thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mặt khác, nhiều nội dung xuất phát từ tình hình thực tiễn hoặc là thông lệ quốc tế trong hoạt động khoa học công nghệ chưa được bổ sung, cập nhật vào Luật Khoa học và Công nghệ. Một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay như: vấn đề giao quyền sở hữu kết quả khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì theo cơ chế tự động; đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ. Hay các quy định về tập trung nguồn lực chủ yếu cho các chương trình khoa học công nghệ để tạo ra tri thức (hệ thống các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, chương trình quốc gia về khoa học công nghệ, nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở); phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ. Ngoài ra, cũng có những quy định mới dừng ở nguyên tắc chung, chưa được xác định cụ thể, dẫn đến khó hoặc chậm đi vào cuộc sống.
Do đó, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần thiết tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực khoa học công nghệ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo cơ sở pháp lý để phát triển nhanh, bền vững khoa học công nghệ. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành.
Một số ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ sẽ mang đến những đột phá nhưng cũng cần tính đến tổng thể định hướng xây dựng luật về đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Nhà giáo và hài hòa với các Luật khác như Luật Viên chức, Luật Giáo dục... để hướng tới đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm cả về chất lượng và số lượng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu chuyển tổ chức khoa học công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện theo phương châm thúc đẩy gắn kết nghiên cứu với đào tạo; có chính sách ưu đãi dành cho các nhà khoa học, cơ chế đặt hàng để nhà khoa học thực hiện đề tài, dự án.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/doi-moi-manh-me-dong-bo-co-che-quan-ly-va-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-post391690.html