Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo, kiến tạo đường hướng không gian phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới

Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo, kiến tạo đường hướng không gian phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới
8 giờ trướcBài gốc
Đảng, Nhà nước luôn dành những tình cảm quan tâm đặc biệt tới đội ngũ văn nghệ sĩ
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh Hồ Long. Ảnh: Hồ Long
Theo Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Hội nghị toàn quốc 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước là một trong những hoạt động trọng tâm, thiết thực kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nêu rõ, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ đã có vai trò và đóng góp to lớn để làm nên những thắng lợi vĩ đại đó.
“Dù thời gian có lùi xa, nhưng những giá trị của Đảng ta về văn hóa, đặc biệt là tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa vẫn ngời sáng. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận/Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Như vậy để thấy rằng, trong những năm tháng kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, thì các văn nghệ sĩ vẫn là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng”, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Bước vào kỷ nguyên mới, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm sâu sắc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật đã được ban hành và triển khai sâu rộng, tạo động lực để văn học nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò là lĩnh vực rất quan trọng, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII đến nay, Hội nghị Văn hóa toàn quốc và nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng về văn hóa, văn học, nghệ thuật đã được tổ chức rất thành công, góp phần khơi dậy mạnh mẽ quyết tâm xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng năm, Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước luôn dành những tình cảm quan tâm đặc biệt, gặp gỡ, động viên khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng nỗ lực, ra sức đổi mới, sáng tạo.
Chúng ta có rất nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược liên quan đến văn hóa, vừa qua, đã tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Có thể thấy, trong suốt chặng đường 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cả về tư duy lý luận đến thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận. Tuy nhiên văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và đang phải đối diện với những thách thức gay gắt. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu rất cao, không những cho tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam mà cần nỗ lực quyết tâm cao để xác định những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp mang tính đột phá trong thời gian tới.
Chặng đường 50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam vừa qua là sự tiếp nối dòng chảy liên tục của nền văn học nghệ thuật dân tộc. Khẳng định điều này, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nền văn học nghệ thuật đã hoàn thành sứ mệnh cao cả, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Chúng ta tự hào với đội ngũ văn nghệ sĩ, chiến sĩ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và khốc liệt của chiến tranh, cống hiến hết mình để tạo nên nền văn học nghệ thuật, xứng đáng với lịch sử hào hùng của đất nước ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tiếp nối mạch nguồn truyền thống quý báu đó, 50 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự kiên định đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của toàn dân tộc, nòng cốt và tiên phong là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, chúng ta rất tự hào đã có một nền văn học nghệ thuật hiện đại, thống nhất, tiếp nhận những mặt tích cực, tinh hoa của dân tộc, của văn học nghệ thuật ở mọi miền Tổ quốc và tinh hoa văn hóa quốc tế, trở thành một giai đoạn văn học nghệ thuật chung theo định hướng XHCN, phù hợp với lòng dân, thể hiện rõ khát vọng, ý chí, tinh thần, nguyện vọng của Nhân dân, vì sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước sau chiến tranh.
Tiếng nói tri ân, ca ngợi truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếng nói của sự hòa hợp dân tộc
Về những điểm nổi bật trong 50 năm qua, Trưởng Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ rõ, nền văn học nghệ thuật nước nhà đã phát triển đúng hướng, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt trong những năm qua, chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới, đội ngũ văn nghệ sĩ đã thể hiện sự tin tưởng vào đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống, có khát vọng đổi mới mạnh mẽ, đóng góp tiếng nói tích cực trong nhiều vấn đề, nhất là chấn hưng văn hóa, phát triển con người, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đi qua chiến tranh, văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua là tiếng nói tri ân, ca ngợi truyền thống yêu nước, cách mạng của quân và dân ta, đồng thời là tiếng nói của sự hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn, xoa dịu những đau thương, mất mát của chiến tranh, tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc. Điều đó tưởng rằng đơn giản nhưng chính là một trong những bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của đất nước và nền văn học nghệ thuật nước nhà, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Nối tiếp truyền thống của các thế hệ đi trước, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương vui mừng nhận thấy, 50 năm qua đã xuất hiện những thế hệ sáng tạo mới vào sức sống, sức sáng tạo, mang lại sắc diện không khí mới trong đời sống văn học nghệ thuật. Đề tài yêu nước, chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang tiếp tục được khám phá theo chiều sâu mới. Chiều sâu lịch sử của số phận của con người trong những năm kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng thứ sáng tạo của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật.
Cùng với sáng tác, công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đánh giá thỏa đáng di sản văn nghệ dân tộc, lý giải sâu sắc hơn một số vấn đề căn bản về lý luận và quy luật vận động, những đặc điểm mới của thực tiễn, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm có chất lượng, tham gia phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, đồng thời phê phán, đấu tranh với những xu hướng biểu hiện lệch lạc, sai trái.
50 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà vẫn luôn là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Danh hiệu "nghệ sĩ chiến sĩ", "nghệ sĩ công dân" gắn với trách nhiệm xã hội tiếp tục được coi trọng và phát huy, trở thành mẫu hình văn hóa chứa đựng niềm tin sâu sắc về sự thủy chung của đội ngũ văn nghệ sĩ - người sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam.
Chúng ta vui mừng khi có những kết quả rõ nét về sự tiếp cận và gặp gỡ với xu hướng tiến bộ tiên tiến của văn học nghệ thuật thế giới. Những sáng tạo mới theo tư duy hiện đại đã bắt đầu xuất hiện và có những tìm tòi đáng quý, đáng trân trọng. Văn học nghệ thuật đã thật sự đóng góp quan trọng, tạo nên "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng đối với thế giới.
Nghiên cứu, ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới
Để tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, trước hết, cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, gắn với sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả để kiến tạo đường hướng không gian phát triển văn học nghệ thuật. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ, hiểu sâu hơn về vị trí, vai trò, sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là chú trọng đến tính đặc thù của văn học nghệ thuật, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy phát triển mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Cùng với đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về văn học nghệ thuật, rà soát, xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Những quy định, chế độ, chính sách lạc hậu, bất cập, không phù hợp phải kiên quyết loại bỏ, tạo hành lang thuận lợi, khơi nguồn phát triển tiềm năng sáng tạo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chúng ta sẽ tổ chức nghiên cứu, ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc ngày 30.12.2024. Thông tin về nội dung này, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng đề nghị, cần thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có phẩm chất, bản lĩnh, uy tín, năng lực chuyên môn ngang tầm nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh và chính sách nguồn lực chất lượng cao cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Thứ hai, tiếp tục cải cách mạnh mẽ chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ, chế độ tài trợ đặt hàng đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng trong thực tế sôi động của đất nước, đồng hành gắn bó máu thịt với công cuộc lao động sáng tạo của Nhân dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và tập trung xây dựng những công nghệ hiện đại trong sáng tạo sản xuất, phổ biến, lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tập trung xây dựng phát triển thị trường và các sản phẩm dịch vụ văn học nghệ thuật đồng bộ, bền vững, lành mạnh để văn học nghệ thuật đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, tạo bước đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực phát triển văn học nghệ thuật.
Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Thế Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Tập trung xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam khoa học, nhân văn, hiện đại. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, kiên trì thực hiện tự do sáng tạo đi đôi với tự do phê bình, đồng thời tập trung nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận và phê bình.
Thứ tư, đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế về văn học nghệ thuật, góp phần tiếp tục phát huy mạnh mẽ "sức mạnh mềm" của văn hóa. Phát huy nội lực của nền văn học, nghệ thuật dân tộc làm căn bản, có tư duy và tầm nhìn dài hạn, tăng cường tính chủ động phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị để xây dựng triển khai, thực hiện chiến lược quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, thẩm định lựa chọn hiệu quả các tác phẩm văn học nghệ thuật của nước ngoài đưa vào nước ta.
Thứ năm, thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương về tiếp tục sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức văn học, nghệ thuật Trung ương và các địa phương, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc có những cơ hội và thách thức đan xen. Hơn lúc nào hết, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam cần tiếp tục kề vai sát cánh, đồng tâm hiệp lực cùng nhau thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang đối với Tổ quốc và Nhân dân. Bằng tác phẩm và thông qua các tác phẩm của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ chính là những người đã ươm trồng hạt giống về cái đẹp về lòng nhân ái và sự nhân văn cao cả, gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tự tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phát biểu. Ảnh: Hồ Long
“Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Từ đó sẽ mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng của dân tộc ta”, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Với những thành tựu to lớn đã đạt được, những tiềm năng được khai mở, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng và kỳ vọng, chúng ta có quyền tự hào, tự tin xác định tâm thế, tầm nhìn, khát vọng đưa nền văn học, nghệ thuật nước nhà nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đó, đồng hành với dân tộc, văn học nghệ thuật phải tiếp tục vươn lên với khát vọng mới, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, xứng đáng với truyền thống lịch sử văn hóa và cơ đồ của đất nước và sự mong đợi của Nhân dân ta.
Từ hành trang quý báu và nguồn động lực to lớn đó, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương bày tỏ tin tưởng và cùng đón chờ những bước phát triển, những đột phá mới của văn học nghệ thuật nước nhà trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận về sự phát triển lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 50 năm qua; một số dấu ấn nổi bật 50 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh; văn học, nghệ thuật đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng góp phần định hướng tư tưởng, hun đúc lòng yêu nước, bồi đắp bản lĩnh và lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; 50 năm văn học Việt Nam, thành tựu và xu thế; phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam nhìn từ thực tiễn ngành điện ảnh; hoàn thiện thể chế, chính sách về văn học, nghệ thuật sau 50 năm thống nhất đất nước.
Các tham luận đã tập trung khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới. Từ đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hăng say sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Hội nghị thống nhất, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với những cơ hội và thách thức đan xen. Bằng tác phẩm và thông qua tác phẩm của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ chính là những người ươm trồng hạt giống về cái đẹp, về lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
H.Ngọc
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/doi-moi-manh-me-tu-duy-phuong-thuc-lanh-dao-kien-tao-duong-huong-khong-gian-phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-trong-ky-nguyen-moi-post411417.html