Đổi mới quy trình đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ

Đổi mới quy trình đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ
7 giờ trướcBài gốc
Cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề “then chốt của then chốt”. Đây là vấn đề quyết định hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị. Cũng bởi tầm quan trọng của công tác cán bộ, thời gian qua, chính sách cán bộ của chúng ta luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp có nhiều đổi mới. Công tác quản lý cán bộ ngày càng nền nếp, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không ít trường hợp cán bộ đã bị thay thế khi năng lực hạn chế, uy tín giảm sút. Công tác cán bộ được thực hiện theo đúng phương châm “có vào, có ra”; “có lên, có xuống” theo đúng tinh thần “ai không làm được thì đứng sang một bên”, không ít người vì năng lực yếu kém, vì vi phạm đã phải ra khỏi bộ máy. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyển chọn, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ hiện nay còn tồn tại, bất cập. Tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, vụ lợi trong công tác cán bộ vẫn còn xảy ra một số nơi, một số cán bộ lãnh đạo. Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ tuy có chuyển biến bước đầu nhưng hiệu quả cũng chưa cao.
Đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng, là tiền đề quyết định công tác cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện khách quan, trung thực sẽ giúp chúng ta quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm được những cán bộ tốt, sẽ tìm được những cán bộ đủ đức, đủ tài, “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ năng lực để đảm nhận những vị trí quản lý quan trọng và ngược lại. Dù không nhiều nhưng những trường hợp được “bổ nhiệm thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng” trong công tác cán bộ xảy ra trước đây cũng chính là hậu quả của việc đánh giá cán bộ của chúng ta có nơi còn chủ quan duy ý chí, đánh giá cán bộ còn mang tính hình thức bởi lợi ích cá nhân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ, đến hiệu quả hoạt động của bộ máy, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với công tác cán bộ của Đảng.
Đổi mới quy trình đánh giá, lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ mà Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt ra có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác cán bộ. Và càng có nghĩa sâu sắc hơn ở thời điểm hiện nay, khi mà yêu cầu về tinh gọn bộ máy đang là vấn đề rất “nóng”, khi tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới, trong đó có đổi mới về công tác cán bộ. Muốn vậy, người làm công tác cán bộ cũng phải công tâm, trong sáng, tránh tình trạng tham mưu tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vì lợi ích cá nhân, "cánh hẩu". Cùng với đó, việc đánh giá cán bộ phải thực chất trên cơ sở những tiêu chí có thể định lượng một cách rõ ràng cụ thể. Về vấn đề cán bộ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, phải đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất vì việc tìm người trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác của những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Đánh giá cán bộ là việc rất quan trọng, do đó không thể cảm tính, “vị hữu thân tình”, “vì anh, vì em”, mà phải trên cơ sở hiệu quả công việc ai cũng có thể nhìn thấy được, ai cũng có thể cảm nhận, đánh giá được. Đánh giá cán bộ thiếu khách quan, công tâm không chỉ có nguy cơ bổ nhiệm hoặc tinh giản “nhầm” người, mà đây cũng là một trong những nguyên nhân không loại được người không làm được việc ra khỏi bộ máy. Muốn có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực quản lý, một bộ máy vận hành trơn tru vì lợi ích chung, chúng ta phải bắt đầu từ việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ một cách thực chất.
Song Hà
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/doi-moi-quy-trinh-danh-gia-tuyen-dung-bo-nhiem-can-bo-post399824.html