Đổi mới tạo hứng thú dạy học môn Khoa học tự nhiên

Đổi mới tạo hứng thú dạy học môn Khoa học tự nhiên
3 giờ trướcBài gốc
Tiết dạy học của cô Lưu Thị Mai Phương - Trường THCS Trần Phú (Lê Chân, Hải Phòng). Ảnh: Linh An
Để đạt mục tiêu giáo dục, giáo viên các trường tại Hải Phòng đã tích cực chuyển từ tiếp cận nội dung sang năng lực trong dạy học; chú trọng thay đổi phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, cách kiểm tra, đánh giá…
Ứng dụng AI vào giảng dạy
Năm học này, cô Lưu Thị Mai Phương - Trường THCS Trần Phú (Lê Chân, Hải Phòng) được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 7. Quá trình giảng dạy, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp để mang lại hứng thú cho học trò. Thực hiện phân công chuyên môn, cô mạnh dạn lên lớp chuyên đề cấp thành phố với bài dạy số 6: “Giới thiệu về liên kết hóa học”, trong chương trình Khoa học tự nhiên lớp 7 và được lãnh đạo sở GD&ĐT đánh giá cao.
Để đạt hiệu quả giảng dạy, cô Phương đã sử dụng AI nhằm tạo ra bài giảng trực quan và hấp dẫn. Nhờ AI, học sinh được tham gia vào các thí nghiệm ảo, từ đó hiểu rõ hơn các hiện tượng khoa học, tạo môi trường học tập sinh động. Cô Phương phân tích, AI có thể giúp giáo viên tạo bài giảng sinh động và thí nghiệm ảo, biến lý thuyết phức tạp thành mô phỏng trực quan, hấp dẫn.
Không chỉ hỗ trợ giảng dạy, AI còn giúp giáo viên theo dõi và phân tích sự tiến bộ của người học. Bằng cách này, giáo viên có thể cá nhân hóa nội dung giảng dạy, đảm bảo mỗi em học đúng trình độ và tốc độ bản thân. AI giúp giáo viên tự động hóa quá trình kiểm tra, cung cấp phản hồi nhanh chóng, chi tiết. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo sự chính xác trong đánh giá học sinh.
Cô Lê Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú chia sẻ, trong bối cảnh giáo dục hiện đại, công nghệ số không ngừng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu ở các hoạt động giảng dạy.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo đã tạo ra những đột phá mạnh mẽ. Vì thế, ứng dụng công nghệ AI không chỉ là lựa chọn mà vô cùng cần thiết. AI là công cụ hỗ trợ, mở ra những phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả. Trong môn Khoa học tự nhiên, các khái niệm thường mang tính trừu tượng, phức tạp. Đây là lúc AI thể hiện vai trò, giúp giáo viên giải thích một cách trực quan, sinh động các hiện tượng khoa học.
Tại Trường THCS Trần Phú, việc giảng dạy môn Khoa học tự nhiên phải đối mặt với nhiều thách thức do số lượng học sinh đông, trong khi đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng đủ về số và chất lượng chuyên môn. Với sự hỗ trợ của công nghệ AI đang mở ra những giải pháp tiềm năng cho vấn đề này.
Nhờ AI, giáo viên có thể tạo ra các bài giảng hay, học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. AI còn hỗ trợ cá nhân hóa quá trình học tập, tạo môi trường học tập tương tác và hiệu quả; giáo viên tự tin hơn trong giảng dạy bộ môn, dù phải dạy chéo chuyên môn.
“Bằng cách tận dụng AI, thầy cô có thể nâng cao trải nghiệm học tập của học sinh, tạo ra những bài giảng mà trước đây chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm. Các thí nghiệm ảo với mô phỏng sinh động giúp học sinh hiểu sâu hơn bài học, khơi dậy sự hứng thú, niềm đam mê học hỏi của các em”, cô Tâm cho hay.
Học trò Trường THCS Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) hào hứng với giờ học Khoa học tự nhiên. Ảnh: Linh An
Hiệu quả từ phương pháp WebQuest
Bài học số 7: “Tốc độ phản ứng và chất xúc tác”, môn Khoa học tự nhiên lớp 8 do cô Vũ Thị Dung - giáo viên tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) giảng dạy trong chuyên đề chuyên môn cấp thành phố đã mang đến phương pháp dạy học mới, hiệu quả và thiết thực.
WebQuest là phương pháp giáo dục mới, tích cực theo định hướng nghiên cứu và khám phá. Ở đó, học sinh làm việc với hầu hết thông tin từ mạng Internet để thực hiện nhiệm vụ về một chủ đề liên quan đến bài học theo nhóm/cá nhân. Những thông tin cơ bản về chủ đề được truy cập từ những trang liên kết do giáo viên chọn lọc sẵn.
Cô Dung cho hay, với bài học này, học sinh cần nêu được khái niệm tốc độ phản ứng, so sánh một số phản ứng hóa học, khái niệm được chất xúc tác và yếu tố ảnh hướng đến tốc độ phản ứng, nêu một số phản ứng thực tế. Qua đó, các em hình thành năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác giao tiếp, sử dụng công nghệ thông tin thành thạo. Sử dụng WebQuest hiệu quả bởi phát huy được tính tự giác và kỹ năng của học sinh trong thời đại công nghệ số.
Quy trình tổ chức dạy học bằng phương pháp WebQuest gồm 4 bước. Bước 1, giáo viên chia nhóm và yêu cầu học sinh tìm hiểu nhiệm vụ trên trang web tạo riêng cho bài học. Bước 2, học sinh dựa vào tiến trình gợi ý để thực hiện nhiệm vụ được giao theo nhóm. Bước 3, học sinh báo cáo kết quả tại lớp, giáo viên và học sinh cùng nhận xét, đánh giá. Bước 4, giáo viên hệ thống hóa kiến thức, làm rõ nội dung trọng tâm bài học.
Phương pháp WebQuest mang lại lợi ích thiết thực trong giảng dạy môn Khoa học tự nhiên. Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Quán Toan nhìn nhận và cho rằng, để đạt được hiệu quả môn học, thầy cô phải xây dựng kế hoạch bài dạy, sử dụng Padlet (công cụ trực tuyến) để tạo trang web phục vụ bài học.
Việc chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh được thực hiện trên trang web, giúp thầy cô không mất thời gian, học sinh không phải ghi chép nhiệm vụ về nhà. Khi thực hiện nhiệm vụ, các em không cần dùng bảng phụ hoặc các phương tiện học tập cồng kềnh. Hoạt động học tập thực hiện trên trang web giúp học sinh hình thành tư duy phản biện, năng lực hợp tác, khả năng đánh giá, sử dụng công nghệ thông tin, năng lực giải quyết vấn đề.
“Phương pháp dạy học này không chỉ giúp bài học trở nên sinh động, sáng tạo, mà còn nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, hướng đến môi trường học tập hiện đại, hiệu quả”, cô Hà cho biết thêm.
Ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay, dù còn nhiều khó khăn trong phân công giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên cấp THCS; song, với tinh thần cầu tiến và linh hoạt khắc phục, các trường đã vận dụng phương pháp dạy học mới để mang lại hiệu quả trong giảng dạy, học sinh hứng thú hơn trong học tập.
Nguyễn Dịu
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-tao-hung-thu-day-hoc-mon-khoa-hoc-tu-nhien-post718582.html