Đổi mới trong quản lý động vật hoang dã

Đổi mới trong quản lý động vật hoang dã
19 giờ trướcBài gốc
Mô hình nuôi cầy đạt hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Nguyễn Định ở xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập.
Tăng cường quản lý
Thực hiện công tác quản lý các cơ sở gây nuôi ĐVHD, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Phú Lâm đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở gây nuôi ĐVHD của các hộ dân tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Xuân ở khu 6, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao là một trong những người tiên phong nuôi rắn ở địa phương. Ông Xuân chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn cho việc gây nuôi, phát triển đàn rắn, gia đình đã tuân thủ theo đúng quy trình, hướng dẫn của các lực lượng chức năng; chấp hành nghiêm quy định về nguồn gốc, điều kiện chuồng trại. Việc có đầy đủ hồ sơ chứng nhận nguồn gốc trong chăn nuôi, mua bán rắn đã khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm, không vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi ĐVHD. Hiện, gia đình nuôi khoảng 2.000 con rắn hổ mang thịt. Từ nuôi rắn, kinh tế gia đình ổn định”.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD, Hạt Kiểm lâm Phú Lâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền tới Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; không săn bắt, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời, xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về săn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn huyện Yên Lập hoạt động, cơ quan chức năng của huyện tăng cường công tác quản lý, hạn chế vi phạm trong hoạt động gây nuôi ĐVHD. Hiện nay, tại huyện Yên Lập có 14 cơ sở nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường với số lượng hơn 500 cá thể. Các ĐVHD được gây nuôi chủ yếu là cầy vòi mốc, cầy vòi hương, dúi. Theo Hạt Kiểm lâm Yên Lập, tổng số loài ĐVHD hiện đang gây nuôi tại các cơ sở trên địa bàn đều có nguồn gốc hợp pháp. Các cơ sở nuôi chấp hành đúng quy định của Nhà nước về chuồng trại, đảm bảo vệ sinh, an toàn; thực hiện theo dõi trên phần mềm ứng dụng quản lý ĐVHD khi có biến động tăng, giảm và báo cáo kịp thời theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Lập cho biết: “Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển các loài ĐVHD trên địa bàn đã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; trong đó đã cấp phép, quản lý tốt các loài rắn; vận động các hộ gia đình, nhà hàng, cá nhân ký cam kết không mua bán, tiêu thụ các loài động vật, chim hoang dã. Riêng đối với các loài chim hoang dã, Hạt đã tổ chức các cuộc kiểm tra, truy quét, tịch thu tang vật giao cho cơ quan quản lý xử lý theo quy định... tạo lòng tin đối với người dân trong việc quản lý, bảo vệ ĐVHD”.
Hạt Kiểm lâm chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng nắm chắc tình hình gây nuôi ĐVHD trên địa bàn cũng như công tác thẩm định các điều kiện gây nuôi trước khi cấp giấy đăng ký trại nuôi. Bên cạnh đó, Hạt cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đưa hoạt động gây nuôi ĐVHD vào nền nếp; xử lý nghiêm trường hợp nuôi nhốt lợi dụng mua ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp để hợp thức hóa, trục lợi. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ ĐVHD cho lực lượng kiểm lâm cũng như nhận thức của tổ chức, cá nhân tham gia gây nuôi ĐVHD.
Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý các cơ sở nuôi ĐVHD đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm, qua đó, giúp ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển ĐVHD trái pháp luật; góp phần bảo vệ, phát triển bền vững các loài ĐVHD. Đồng thời tạo điều kiện để các địa phương phát triển nghề chăn nuôi ĐVHD hiệu quả, đúng theo quy định của pháp luật, với mục tiêu tạo công ăn việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Động vật hoang dã có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội, góp phần tạo nên đa dạng sinh học, giữ được sự cân bằng trong tự nhiên.
Nâng cao hiệu quả
Trong những năm trở lại đây, mô hình gây nuôi động vật rừng vì mục đích thương mại phát triển khá mạnh tại tỉnh bởi ưu thế về lợi nhuận mang lại khá hấp dẫn. Công tác quản lý nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã có trong Phụ lục CITES đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị liên quan quan tâm, kiểm tra, kiểm soát với nhiều giải pháp chặt chẽ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ứng dụng phần mềm Quản lý cơ sở nuôi ĐVHD vào việc quản lý, theo dõi. Phần mềm Quản lý cơ sở nuôi ĐVHD cung cấp các báo cáo chi tiết, sổ theo dõi phục vụ cơ sở nuôi, quản lý theo dõi biến động, sinh sản của cơ sở trong một thời gian bất kỳ. Hiện nay, toàn tỉnh có 336 cơ sở nuôi với 74.266 cá thể ĐVHD đang gây nuôi bao gồm các loài rắn hổ mang thường, cầy vòi mốc, cầy vòi hương, dúi, nhím... Đến nay, các cơ sở gây nuôi đã được cập nhật đầy đủ thông tin về vị trí cơ sở nuôi, số lượng, loài nuôi, tình hình diễn biến đàn,... trên hệ thống phần mềm. Phần mềm còn hỗ trợ nhận dạng các loài ĐVHD một cách nhanh chóng, chính xác, thông qua chức năng hỗ trợ nhận dạng loài.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các cơ sở gây nuôi ĐVHD và việc chuyển đổi từ quản lý dữ liệu giấy sang quản lý điện tử sẽ giúp cho công tác quản lý của Chi cục Kiểm lâm được hiệu quả và thuận lợi. Công chức chuyên môn có thể nhận dạng loài và biết được chính xác tọa độ, vị trí, số lượng ĐVHD đang nuôi của các cơ sở tại một thời điểm nhất định... Qua đó, không chỉ giúp cho công tác quản lý ĐVHD tại địa phương ngày càng đi vào ổn định và hiệu quả hơn mà còn góp phần bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, giúp tạo cân bằng sinh thái trong tự nhiên, đồng thời còn ngăn chặn được tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật.
Tuy nhiên, hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng vào mục đích xấu, vi phạm pháp luật. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, hầu hết cá thể ĐVHD đang được gây nuôi tại các cơ sở là những loài có giá trị kinh tế cao trên thị trường nhưng số cá thể trong tự nhiên lại đang có xu hướng giảm sút. Nếu không quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi và nhà hàng, quán ăn sẽ dễ xảy ra hiện tượng lợi dụng đưa các cá thể ĐVHD ngoài tự nhiên vào trại nuôi, nhà hàng để kinh doanh thu lợi bất chính, tăng nguy cơ săn bắn, bẫy bắt ĐVHD trái pháp luật.
Để quản lý tốt các cơ sở nuôi nhốt ĐVHD, đồng chí Trần Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Chi cục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình gây nuôi ĐVHD trên địa bàn cũng như công tác thẩm định các điều kiện gây nuôi trước khi cấp giấy đăng ký trại nuôi. Bên cạnh đó, Chi cục cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; xử lý nghiêm trường hợp nuôi nhốt lợi dụng mua ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp để hợp thức hóa, trục lợi. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ ĐVHD cho lực lượng kiểm lâm, công chức các cơ quan chức năng cũng như nhận thức của tổ chức, cá nhân tham gia gây nuôi ĐVHD”.
Hoàng Hương
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/doi-moi-trong-quan-ly-dong-vat-hoang-da-230564.htm