Những kỷ lục tạo đà cho “bánh xe” tăng trưởng
Nhìn lại chặng đường từ năm 2020 đến nay có thể thấy, Petrovietnam đã vượt qua một giai đoạn vô cùng thách thức, đầy biến động tưởng chừng như “khó khăn” nhất trong lịch sử phát triển của Tập đoàn. Từ biến động của thị trường như giá dầu sụt giảm nghiêm trọng đến đại dịch Covid-19, rồi những khó khăn xuất phát từ nội tại Tập đoàn khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trong giai đoạn trước có một “sức ì” lớn đối với sự phát triển và tăng trưởng của Petrovietnam, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những xu hướng thay đổi mang tính chất kỷ nguyên được thúc đẩy bởi các công nghệ nền tảng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, Petrovietnam thực hiện nghi thức khởi công giàn CPP Dự án Lô B
Trước bối cảnh đó, phương châm “quản trị biến động” là “kim chỉ nam” giúp Petrovietnam tìm được hướng đi đúng đắn, đưa con tàu Petrovietnam vượt qua những “cơn sóng dữ” để “vươn mình” ra biển lớn.
Trong 5 năm qua, Petrovietnam đã rất nỗ lực, kiên trì thực hiện nhiều nhóm việc mang tính chất nền tảng. Đầu tiên là việc thúc đẩy, hoàn thiện thể chế phát triển cho ngành Dầu khí, từ đó tháo gỡ những khó khăn, những điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực, tạo động lực cho phát triển. Trong đó, Petrovietnam đã tham gia góp ý xây dựng để hoàn thành và ban hành Luật Dầu khí, các nghị định như: Nghị định 45, Nghị định 132… Đặc biệt, Kết luận 76-KL/TW ngày 24-4-2024 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới. Đây chính là những điểm “thông tắc” về thể chế, cơ chế, chính sách cho ngành Dầu khí, đồng thời mở ra hướng mới cho Petrovietnam phát triển.
Nhóm việc thứ hai là Tập đoàn đã tập trung hoạch định mục tiêu chiến lược và kế hoạch quản trị với những mục tiêu rất áp lực cùng với hệ thống các giải pháp đồng bộ trong toàn hệ sinh thái Petrovietnam.
Petrovietnam đạt những kết quả SXKD ấn tượng một cách liên tục, ổn định và tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua
Nhóm việc thứ ba, Petrovietnam tập trung vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị hiện đại, đồng bộ, phân tầng, cấu trúc, quy trình, định hướng và kiểm soát trong toàn hệ sinh thái, đặc biệt tập trung vào công tác quản trị biến động, kiến tạo động, quản trị hệ sinh thái, quản trị chuỗi giá trị, quản trị danh mục đầu tư và tập trung vào việc ứng dụng, nâng cao năng lực, trải nghiệm và dịch chuyển mô hình kinh doanh vượt trội trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Nhóm việc thứ tư, Tập đoàn đã thực hiện thành công Đề án Tái tạo và nâng tầm văn hóa Petrovietnam dựa trên tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi thông qua phát triển con người và tri thức ngành Dầu khí.
Petrovietnam thực hiện tốt “5 chữ An”: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đảm bảo an ninh kinh tế; đảm bảo an ninh lương thực; tham gia góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển và thực hiện an sinh xã hội.
Với việc thực hiện rất thành công các giải pháp mang tính nền tảng nêu trên Petrovietnam đã đạt được những kết quả SXKD rất ấn tượng một cách liên tục, ổn định và có tăng trưởng cao so với giai đoạn trước.
Việc hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ SXKD năm 2024 đã góp phần giúp Petrovietnam hoàn thành sớm kế hoạch SXKD 5 năm 2021-2025, vượt từ 6-32%.
Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn sau 4 năm (2021-2024) đã đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng 16,7%/năm; tổng nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn sau 4 năm đã đạt 600 nghìn tỷ đồng, với mức tăng trưởng là 21,2%/năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrovietnam cũng đạt rất cao, trên 238 nghìn tỷ đồng sau 4 năm, đạt mức tăng trưởng 44,3%/năm. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã hoàn thành rất nhiều công trình, các dự án tồn tại, khó khăn đã được tháo gỡ để đưa vào hoạt động, tạo ra doanh thu, dòng tiền cho Tập đoàn, thông qua đó tạo ra tăng trưởng rất lớn về đầu tư so với giai đoạn trước.
Tính đến hết năm 2024, tài sản hợp nhất của Petrovietnam đạt 1,066 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 545 nghìn tỷ đồng, 3 năm liên tục phá kỷ lục tổng doanh thu toàn Tập đoàn, riêng năm 2024 vượt 1 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với 2023 và tăng 36% so với 2019. Những kết quả này đã giúp Petrovietnam đảm bảo thực hiện “5 chữ An” là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đảm bảo an ninh kinh tế; đảm bảo an ninh lương thực; tham gia góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển và thực hiện an sinh xã hội. Những kỷ lục năm nay đạt được sẽ góp phần hết sức quan trọng vào đà tăng trưởng của Petrovietnam.
Petrovietnam tích cực chung tay cùng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ phát động
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng thăm hỏi người dân khu tái định cư Làng Nủ
Ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Petrovietnam; ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn và ông Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Dầu khí Việt Nam thăm các gia đình và trò chuyện với các em nhỏ trong khu tái định cư thôn Kho Vàng.
Những thành tích của Petrovietnam trong những năm qua đã tạo dựng được lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân; khẳng định Petrovietnam là Tập đoàn kinh tế nhà nước hùng mạnh nhất của đất nước. Kết quả này là nỗ lực của một đội ngũ Petrovietnam từ những lãnh đạo, cán bộ, đến những kỹ sư, người lao động trong toàn Tập đoàn.
Kết luận 76 của Bộ Chính trị đã định hướng Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, vì thế Tập đoàn phải xây dựng kế hoạch, chiến lược: Mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời tập trung phát triển điện gió, hydrogen, amoniac, LNG, chế tạo các thiết bị năng lượng…, tăng cường nguồn lực, thu hút nhân tài, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập.
Phát triển mô hình vượt trội cho mục tiêu tăng trưởng “2 con số”
Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, cùng với những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới khó lường, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, nhất là đứng trước xu thế chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam muốn trường tồn cần phải “phi thường” chứ không được “bình thường”. Cổ nhân đã có câu “chỉ người dám làm những việc phi thường thì mới có công quả phi thường”. Petrovietnam phải dám làm những việc phi thường như đã từng làm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người lao động Dầu khí trên công trường và khẳng định những thành quả đạt được của Petrovietnam
Chính vì vậy, toàn Tập đoàn thống nhất định hướng chiến lược phát triển Petrovietnam với mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia và đạt tốc độ tăng trưởng “hai con số”. Đây là nhiệm vụ rất lớn, thách thức cần tất cả đội ngũ đồng lòng thực hiện, thống nhất về mục tiêu, chiến lược, giải pháp.
Trong năm 2025, phương châm toàn Tập đoàn: “Đổi mới từ cốt lõi - Phát triển mô hình vượt trội - Hội nhập chuỗi toàn cầu - Nâng tầm tri thức năng lượng - Bứt phá trong tăng trưởng - Tạo bước chuyển xanh bền vững”. Đây sẽ là những định hướng nền tảng cho bước chuyển mới của Petrovietnam – Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia.
Đổi mới từ cốt lõi là yêu cầu đặt ra trong định hướng phát triển của Petrovietnam
Đặc biệt, yêu cầu phải đổi mới từ cốt lõi là đổi mới “gen” của Tập đoàn. Trong tương lai, Petrovietnam không chỉ là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia mà là Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, trong đó “công nghiệp” giữ vai trò quan trọng, chủ đạo. Đồng thời phát triển mô hình bao gồm mô hình quản trị, mô hình kinh doanh vượt trội thích ứng với thay đổi, biến động của thị trường và môi trường kinh doanh.
Thông qua quá trình tinh gọn, tối ưu bộ máy, mô hình hoạt động sẽ tạo ra cơ hội để Petrovietnam dịch chuyển sang những lĩnh vực mới, tạo ra một bước chuyển xanh bền vững đưa Petrovietnam hội nhập vào chuỗi toàn cầu. Đây là xu hướng bắt buộc mà Petrovietnam không thể đi một mình để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Petrovietnam cần làm gì để đổi mới từ cốt lõi?
Đổi mới từ cốt lõi là phạm trù mới, là tư duy mới. Trước hết là đồng bộ hóa cải cách thế chế, Petrovietnam phải hoàn thiện và triển khai bằng được các giải pháp đảm bảo tính khả thi của việc triển khai chiến lược theo Kết luận 76 của Bộ Chính trị trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khí.
Petrovietnam tích cực thực hiện nâng cao công tác quản trị, chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng
Trong những năm qua, chúng ta đã tháo gỡ một phần thể chế, chính sách cho phát triển ngành Dầu khí, mở ra không gian và định hướng mới cho ngành. Nhưng trên thực tế, để tiếp tục phát triển ngành, một số dự án lớn, trọng điểm cần thu hút thêm vốn đầu tư.
Trong năm tới, một loạt việc cần khẩn trương đồng bộ hóa các cải cách Nhà nước với Petrovietnam. Trong các bài phát biểu, bài viết về vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu phải “vươn mình” của dân tộc để bước vào kỷ nguyên mới. Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đã và đang thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy từ các bộ/ngành và sắp tới là các Tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Đây là áp lực rất lớn, đòi hỏi Petrovietnam cũng phải thay đổi theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất, hiệu suất, hiệu quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp.
Tiếp nữa là phải hiện đại hóa hệ thống quản trị. Mô hình doanh nghiệp Petrovietnam là một trong những mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại của Việt Nam, quản trị với người đại diện của Petrovietnam và các đơn vị là thực hiện các chức năng quản trị doanh nghiệp trực tiếp, không có cấp trung gian.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Petrovietnam cần tập trung củng cố hiện đại hóa hệ thống quản trị và đưa sang giai đoạn mới, sau khi đã thực hiện chuyển dịch, chuyển đổi số, tinh gọn, tối ưu, chuyển sang mô hình thích ứng tốt hơn với môi trường SXKD, đáp ứng khả năng kiến tạo động của môi trường pháp luật và kinh tế để trở nên vượt trội, phát triển bền vững. Trong điều kiện hiện nay, Petrovietnam đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng thay đổi mang tính kỷ nguyên là phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Trong đó, kiện toàn, hoàn thiện hệ thống quản trị, đồng bộ với những cải cách lớn của Nhà nước và củng cố hệ thống quản trị rủi ro trong toàn Tập đoàn là nhiệm vụ cấp thiết. Từ đó, Tập đoàn hình thành một hệ thống đồng bộ nhưng chú trọng đến thực tiễn và có đặc trưng riêng của từng đơn vị, từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, chúng ta phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Năm 2025, toàn Đảng bộ Tập đoàn sẽ chú trọng chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, trong đó công tác xây dựng văn kiện cùng công tác nhân sự là những vấn đề cốt lõi. Để chuẩn bị thế hệ trẻ cho tương lai phát triển của Petrovietnam, các cấp ủy Đảng cần nghiêm túc, tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án về nhân sự của các cấp, chuẩn bị được lực lượng nhân sự có lý tưởng, có năng lực, có động lực, phù hợp với nhiệm vụ, văn hóa của từng doanh nghiệp, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Tập đoàn, của doanh nghiệp, đơn vị.
Đẩy mạnh thực hiện phương châm "Bổ sung động lực mới - làm mới động lực cũ" được triển khai tích cực trong toàn Tập đoàn
Phải tiếp tục thực hiện phương châm “Bổ sung động lực mới – làm mới động lực cũ”. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Petrovietnam cần xây dựng cơ chế thúc đẩy công tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo, tạo ra động lực phát triển mới, thay đổi động lực cũ, phát triển Petrovietnam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia; khẩn trương phục hồi các dự án yếu kém/khó khăn trở lại hoạt động, xây dựng hệ sinh thái các doanh nghiệp trong Tập đoàn giúp đỡ nhau phát triển, nhân rộng mô hình tiêu biểu của PTSC đã góp phần tạo công ăn việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Petrovietnam cùng phát triển.
Đối với lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn, trước mắt đến 2030, Petrovietnam tập trung gia tăng trữ lượng và sản lượng, nỗ lực thay đổi chu kỳ suy giảm sản lượng khai thác. Khẩn trương đưa vào các dự án mới, xác định công nghiệp khí là nền tảng, là giải pháp để thực hiện bước chuyển xanh và bù đắp sự thiếu hụt, duy trì sản lượng. Phát triển lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, lĩnh vực công nghiệp khí để tạo dòng tiền và nguồn lực ổn định, hỗ trợ hệ sinh thái, tận dụng cơ sở hạ tầng dầu khí, tạo đà cho lĩnh vực gia tăng là chế biến dầu khí; tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn là công nghiệp chế tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí và năng lượng, dần chuyển dịch để đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển bền vững cho Tập đoàn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần đẩy mạnh và tích hợp. Và một điều rất quan trọng là phải nâng tầm tri thức, nâng tầm văn hóa; nâng tầm văn hóa Petrovietnam tích hợp đồng bộ với tri thức ngành Dầu khí. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần hướng đích và liên tục. Với trách nhiệm của mình, mỗi người đứng đầu, người đại diện Tập đoàn tại các đơn vị cần nhận thức rõ và có chỉ đạo triển khai thực hiện bằng được các giải pháp để dịch chuyển mô hình quản trị đầu tư kinh doanh, đáp ứng mục tiêu chiến lược; thống nhất nâng tầm tri thức về năng lượng, đổi mới về cốt lõi, thống nhất văn hóa hướng đến khát vọng xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia theo tinh thần “Một đội ngũ, Một mục tiêu”.
Có thể khẳng định giai đoạn 2025 – 2030 là giai đoạn tạo bước chuyển xanh bền vững của Tập đoàn, phù hợp với tinh thần, quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu mới của đất nước “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Với vai trò của Tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu, Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia sẽ tập trung bứt phá trong giai đoạn tới để “đồng hành” với đất nước bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới sự phồn vinh, hạnh phúc, giàu mạnh của đất nước.
TS Lê Mạnh Hùng -
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam