Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững

Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững
4 giờ trướcBài gốc
Người dân xã Xuân Dương (Thường Xuân) chăm sóc cây trồng trong nhà màng.
Trong sản xuất, người dân đã chủ động thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, như: Máy gặt đập liên hợp, máy bay không người lái phun thuốc; ứng dụng hệ thống tưới tự động điều khiển qua điện thoại, nhà màng, nhà lưới... Ngoài ra, nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Nếu như trước đây, tại các huyện miền núi Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân... người dân chỉ quen sản xuất các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc, mía... thì nhiều năm nay, trước sự định hướng, hỗ trợ sản xuất của chính quyền địa phương, người dân đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không ngừng mở rộng diện tích các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Điển hình như huyện Thường Xuân đã xây dựng được 7.700m2 nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau, củ, quả an toàn, tập trung tại các xã Ngọc Phụng, Thọ Thanh và thị trấn Thường Xuân... Bên cạnh đó, người dân cũng nhân rộng các mô hình chăn nuôi gà liên kết với Công ty CP Nông sản Phú Gia; nuôi bò thịt chất lượng cao, nuôi cá lồng...
Tại các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... phần lớn các hộ dân cũng đã được tập huấn kỹ thuật và nắm vững các bước sản xuất đảm bảo chất lượng nông sản. Anh Lương Ngọc Lai, một trong những hộ dân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà tại xã Luận Thành, cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng trang trại, tôi đã nghiên cứu và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Vì vậy, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải; áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh. Sau quá trình chăn nuôi, có thể thấy rõ hiệu quả như tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%; chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, hạn chế nhiễm bệnh dịch”.
Trong trồng trọt, bên cạnh các sản phẩm như dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột baby, hoa... được người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động... Đối với các loại cây trồng như lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả... thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, sản xuất theo chuỗi giá trị; tạo thói quen ghi chép các công đoạn bón phân, phun thuốc, thu hoạch; diện tích cây ăn quả trồng lâu năm có năng suất, chất lượng thấp được “trẻ hóa” bằng công nghệ cắt, ghép để nâng cao hiệu quả kinh tế... Ông Lê Học Được, một trong những hộ dân ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa tại xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), cho biết: “Tôi lựa chọn phương pháp này để phun thuốc bảo vệ thực vật bởi có thể chủ động được thời gian phun và có thể phun thuốc ban đêm, trên diện tích rộng, địa hình phức tạp, nhất là bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân. Bên cạnh đó, khi phun, máy có thể phun đều lên các bộ phận của cây trồng, giúp giảm tình trạng tồn dư thuốc; hiệu quả cao gấp 30 lần so với phun thủ công, giảm thất thoát 30% thuốc, tiết kiệm nước đến 90%...”.
Có thể nói, để bắt kịp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, người dân trên địa bàn tỉnh đã, đang dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp với những phương thức canh tác mới, hiện đại, an toàn. Từ sự đổi mới trong suy nghĩ và cách làm của người dân, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, để tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất, các địa phương cần tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ người dân trong quá trình ứng dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất các sản phẩm theo hợp đồng, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/doi-moi-tu-duy-de-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-234310.htm