Đối ngoại vì hòa bình và cho hòa bình

Đối ngoại vì hòa bình và cho hòa bình
2 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 diễn ra vào ngày 27/9/2024, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quan hệ quốc tế trở thành một yếu tố sống còn đối với mỗi quốc gia. Việt Nam với lịch sử đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, đã xây dựng và phát triển một chính sách đối ngoại mang bản sắc riêng: Trường phái ngoại giao cây tre, gốc vững, thân cành uyển chuyển, độc lập, tự chủ và không lệ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào. Điều này đã được thể hiện rõ qua các văn kiện của Đảng và Nhà nước, đồng thời được cụ thể hóa qua các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, gần đây, khi Việt Nam nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với một số quốc gia, nhiều ý kiến quan điểm cho rằng, Việt Nam đang chọn và cần phải chọn bên trong quan hệ quốc tế. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, Việt Nam không chọn bất kỳ bên nào, mà chọn con đường hòa bình và hợp tác. Đường lối này được xây dựng trên nguyên tắc đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, góp phần giữ vững lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam chủ động thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ.
Với chính sách "làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới", Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, và Liên minh châu Âu. Chính sách không chọn bên nào không chỉ giúp Việt Nam tránh bị lôi kéo vào các tranh chấp quốc tế, mà còn giúp duy trì một môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc gia. Vì thế, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng cho rằng, không chọn bên, không tham gia liên minh quân sự và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, đó là một chủ trương, đường lối đối ngoại tự chủ, đúng đắn để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
“Chúng ta không đứng về bên nào, chúng ta bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Lịch sử hiện đại cho chúng ta thấy rõ, nếu có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình, dễ biến Tổ quốc ta thành mục tiêu tiến công của các thế lực thù địch, ít nhất thì cũng khiến đất nước ta khó tránh khỏi bị lôi kéo vào xung đột, chiến tranh giữa các nước. Chúng ta khẳng định: Việt Nam có thể “chọn bạn” chứ nhất quyết “không chọn bên” trong chính sách đối ngoại” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.
Luận điệu cho rằng, Việt Nam bị cô lập trong quan hệ quốc tế hoàn toàn trái ngược với thực tế. Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN và các tổ chức khu vực. Vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đó là minh chứng rõ nét cho vị thế và uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Điều đó cũng khẳng định Việt Nam không những không bị cô lập, mà còn ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác trong cộng đồng quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ủng hộ.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Đến nay, trong số 193 nước mà chúng ta có quan hệ ngoại giao, chúng ta cũng đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có hầu hết các nước trong G7, các nước trong G20 và tất cả các nước là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và có thể nói, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tất cả các nước trong ASEAN”.
Ngày 7/6/2019, với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 phiếu, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: TTXVN
Chủ trương đối ngoại của Việt Nam không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, mà còn đóng góp tích cực vào việc gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực cũng như toàn cầu. Việt Nam đã gửi quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tích cực ủng hộ các sáng kiến hòa bình, hợp tác, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Với việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác, Việt Nam đã và đang đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một môi trường khu vực và quốc tế ổn định, hòa bình. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam, mà còn cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á và thế giới. Việt Nam mong muốn, cam kết và nỗ lực đóng góp vào hòa bình của thế giới.
Đó cũng là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 vừa qua: “Chúng tôi mong muốn Liên hợp quốc với vai trò trung tâm, điều phối và các tổ chức quốc tế, tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn, hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn trong mục tiêu ngăn ngừa hiểm họa đối với sự phát triển nhanh, bền vững của thế giới ngay từ ngày hôm nay. Việt Nam cam kết đóng góp vào những nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại”.
Việt Nam không chọn bên mà chọn hòa bình. Việt Nam không bị cô lập, mà ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và vì hòa bình của Việt Nam là sự lựa chọn dựa trên kinh nghiệm lịch sử và tình hình quốc tế hiện nay. Những luận điệu cho rằng, Việt Nam bị cô lập hay phải chọn bên, chọn phe là hoàn toàn vô căn cứ và trái với thực tế. Thay vào đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, xây dựng mối quan hệ Đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên toàn cầu, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định khu vực cũng như thế giới. Chính sách đối ngoại này không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với tinh thần chủ động và linh hoạt, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình, đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một tương lai hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Diệp Chi
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/doi-ngoai-vi-hoa-binh-va-cho-hoa-binh-post482135.html