Cũng kể từ thời khắc đặc biệt này, bộ máy chính quyền địa phương nước ta chính thức chuyển từ chính quyền địa phương 3 cấp, đã hoạt động trong 80 năm nay từ khi thành lập nước (2/9/1945), sang chính quyền địa phương 2 cấp - chủ trương mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc xây dựng một nền hành chính tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Kết quả của tinh thần làm việc bền bỉ, bài bản, "vừa chạy vừa xếp hàng"
Để chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố hình thành sau sắp xếp theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội (về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh) chính thức hoạt động từ 1/7, là kết quả của tinh thần làm việc nghiêm túc, bền bỉ, trách nhiệm, khẩn trương, bài bản, khoa học, “vừa chạy vừa xếp hàng” với tiến độ và kế hoạch được xác định rõ theo từng ngày, từng tuần trong hơn 2 tháng qua (kể từ khi Hội nghị Trung ương 11 Khóa XIII ban hành nghị quyết về tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp). Cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng ta, đã và đang không ngừng nỗ lực với quyết tâm cao nhất, vượt lên chính mình, để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, trong đó nhiều việc chưa có tiền lệ.
Phường Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đưa robot vào phục vụ hành chính trong ngày đầu tiên chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, ngày 1/7/2025. Ảnh: VGP
Với trọng trách thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 11 thông qua chủ trương “tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”, trong hơn một tháng qua, Quốc hội cũng đã tiến hành một kỳ họp lịch sử, xem xét, thông qua 34 luật, chiếm 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, và 34 nghị quyết, trong đó có 14 nghị quyết quy phạm pháp luật, với nhiều đổi mới trong tư duy lập pháp. Đặc biệt, Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương hai cấp.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 34 nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố sau hợp nhất, sáp nhập; Chính phủ cũng ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, trên cơ sở các luật, nghị quyết của Quốc hội và nghị định của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trên cả nước đã khẩn trương vào cuộc, tiến hành công tác chuẩn bị cần thiết, để chính quyền địa phương 2 cấp có thể chính thức vận hành từ 1/7/2025 theo đúng tiến độ. Điều đặc biệt ở đây, đó là chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp đã bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách liên tục, thông suốt cho đến khi chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố hình thành sau sắp xếp chính thức hoạt động. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cao nhất và duy nhất, đó là chính quyền 34 địa phương, từ tỉnh đến các xã/phường, phải vận hành thông suốt, hiệu quả toàn bộ bộ máy hành chính mới ngay từ 1/7.
Trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tổng hợp nhanh từ các tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, các chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương đã được thực hiện nghiêm túc, không có nơi nào để trễ việc, hay ách tắc do vận hành bộ máy mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, nhất là các công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đầu tư và dịch vụ công thiết yếu.
Tất cả những tình huống có thể nảy sinh mà Trung ương dự liệu trước đó đã không xảy ra. Một trong những tình huống như vậy liên quan đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đất nước là quê hương!
Thực tế, việc thực hiện chủ trương này sẽ có tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đây là điều dễ hiểu, bởi mỗi người Việt Nam từ khi sinh ra đều đã in sâu trong ký ức hình ảnh về quê hương, bản quán, nơi “chôn nhau cắt rốn”. Song, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, cả hệ thống chính trị cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đã có sự thay đổi rất lớn, mang tính bước ngoặt cả về tư duy và tầm nhìn. Qua đó, đạt tới sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước, đặc biệt là vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường, những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "Đất nước là quê hương", như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp lần này đều nhận được sự đồng thuận rất cao của Nhân dân, cán bộ, đảng viên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, dù là miền xuôi, hay miền ngược.
Tại Hà Nội, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo trong thực hiện sắp xếp các cơ quan của bộ máy, chính quyền thành phố đã chủ động có phương án chấm dứt hoạt động của cấp huyện và sắp xếp giảm đơn vị hành chính từ 526 cấp xã cũ xuống còn 126 xã, phường mới. Một sự thay đổi rất lớn, song, tỷ lệ đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô với việc sắp xếp này đạt trên 97%.
95% trở lên cũng là tỷ lệ đồng thuận của Nhân dân, cán bộ, đảng viên tại 63 tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp. Trong đó, riêng việc lấy ý kiến Nhân dân với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tỷ lệ đồng thuận đạt gần như tuyệt đối, với 99,75% lượt ý kiến tán thành trên tổng số 280.226.909 lượt ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Những con số đó là minh chứng sinh động rằng, chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã đã phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Những băn khoăn, lo lắng, tâm lý vùng miền, thói quen thông thường, thậm chí là lợi ích cá nhân... đều đã được vượt qua.
Với khí thế và tinh thần đó, “Đất nước là quê hương”, “Vùng trời quê hương nào cũng là Tổ quốc” như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong thời khắc đánh dấu chính quyền các tỉnh, thành phố sau sắp xếp chính thức hoạt động, lại càng cho thấy tính thực tiễn và lý luận sâu sắc.
Tên gọi đơn vị hành chính có thể thay đổi, nhưng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và địa danh văn hóa - lịch sử vẫn luôn được kế thừa, tiếp nối, trao truyền và khẳng định giá trị bất diệt. Như chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, đó là “một tổ chức hành chính có thể đổi thay, nhưng lý tưởng vì dân thì không bao giờ thay đổi”.
Dù với tên gọi nào, thì mỗi người dân Việt Nam “da nâu, mắt đen", "thảo thơm bất khuất như cành sen” đã, đang và sẽ luôn gắn bó, mang trong mình tình yêu bất tận với quê hương, đất nước, với Tổ quốc. Về mặt định danh, mỗi người Việt Nam có một quê hương của riêng mình, nhưng đều được ôm trọn trong hai tiếng thiêng liêng: “Tổ quốc”.
Và, “Tổ quốc tôi”, như hình ảnh giàu tính biểu tượng mà nhà thơ Xuân Diệu đã ví năm xưa, giống “như một con tàu”. Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, “con tàu ấy” đã và đang trong hành trình mạnh mẽ tiến về phía trước, vươn mình ra biển lớn, thực hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn.
Với dấu mốc của ngày 1/7/2025, khi một chỉnh thể hành chính mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức vận hành, thì chính quyền địa phương cấp tỉnh tại 34 tỉnh, thành phố cũng đồng thời thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo thẳng xuống 3.321 xã, phường, đặc khu trực thuộc. Đúng như thông điệp lay động mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra, đó là: “Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”.
Lam Giang