Đó không chỉ là những chỉ đạo, định hướng lớn mà còn là lời hiệu triệu quốc dân đồng bào nỗ lực hơn nữa, vươn lên tầm cao mới trên hành trình Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Với mọi công dân có trách nhiệm, khát khao và hoài bão lớn về sự đổi mới, phát triển đất nước thì đều cảm nhận rất rõ trong gần 1 năm qua, nhiều mặt đời sống chính trị, xã hội đã có sự chuyển mình tích cực, nhanh chóng, thậm chí là vượt bậc. Nổi bật là kết quả tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và sáp nhập địa giới hành chính... Có được kết quả bước đầu này, là quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, mà trước hết là sự chỉ đạo nhất quán, kiên định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân Tổng Bí thư Tô Lâm.
Phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng” được vận dụng, thực hiện và mang lại hiệu quả rõ rệt trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội... Trong bối cảnh và yêu cầu thời kỳ mới, với mục tiêu cao nhất là tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; cả guồng máy của đất nước đã “đồng tốc” sắp xếp lại giang sơn, để từ 1/7/2025 bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đó đúng nghĩa là một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và mô hình quản trị đất nước...
Tổng Bí thư Tô Lâm trao các nghị quyết, quyết định của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính và thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Còn nhớ, gần 8 năm trước, Nghị quyết số 18-NQ/TW (viết tắt là Nghị quyết 18) đã phân tích, chỉ rõ thực trạng đáng lo ngại đã tồn tại nhiều năm qua, như: tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp...
Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý,mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp "hàm" ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế.
Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Tuy đã quan tâm đầu tư nhiều cho kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhưng hiệu quả tác động vào việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh giản biên chế chưa tương xứng. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập...
Về tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Nghị quyết 18 chỉ rõ việc chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, vẫn còn tình trạng "hành chính hóa", "công chức hóa". Cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức giữa các cấp và trong từng cơ quan chưa hợp lý; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở còn hạn chế. Nội dung và phương thức hoạt động có lúc, có nơi chưa thiết thực, hiệu quả, thiếu sâu sát cơ sở. Cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội còn bất cập; một số quy định về tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý tài chính, tài sản đối với tổ chức công đoàn chưa phù hợp. Tổ chức hội quần chúng lập nhiều ở các cấp, nhưng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước...
Sau khi phân tích rõ thực trạng nêu trên, Nghị quyết 18 đặt ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Và, từ mục tiêu tổng quát, đưa ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2021: (1) Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; (2) Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn; (3) Sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; (4) Giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015...
Lực lượng CAND tích cực, chủ động thực hiện chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp và xã hội. Ảnh: Hoàng Phong
Đối chiếu với Nghị quyết 18, chỉ trong gần 1 năm qua, chúng ta đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đặt ra, đặc biệt là việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập địa giới hành chính. Trong đó, giảm hàng ngàn đầu mối đơn vị, hàng chục ngàn biên chế; xóa bỏ hoàn toàn cấp huyện; từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 3.321; từ 63 tỉnh, thành còn 34... Nhờ những kết quả nêu trên, chắc chắn sẽ giảm được rất nhiều ngân sách chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; trước mắt là tất cả học sinh phổ thông công lập (từ bậc mầm non đến THPT) sẽ được miễn hoàn toàn học phí từ năm học 2025-2026, từng bước tiến tới miễn viện phí...
Cần nhấn mạnh, xa hơn Nghị quyết 18, vào năm 2008 cũng đã manh nha ý tưởng thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường... Nhưng, việc triển khai, thực hiện còn nhiều ý kiến khác nhau và vẫn phải bàn tới bàn lui. Đến đầu năm 2025, tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên cả nước... Vậy mà, từ ngày 1/7/2025, chúng ta đã dũng cảm thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, không còn tồn tại cấp huyện... Đó là một quyết định quyết đoán và phù hợp với yêu cầu thực tế của đất nước.
Đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ công bố nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương: “Chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới không chỉ với niềm tự hào, mà với trách nhiệm lớn lao trước Tổ quốc và các thế hệ mai sau. Từ vùng đất thành đồng và nghĩa tình này, chúng ta hãy cùng nhau khơi dậy ý chí vươn lên, biến từng con đường, dãy phố, ngõ xóm, khu dân cư, nhà máy, cánh đồng, dòng sông, bờ biển trở thành biểu tượng của thịnh vượng và hội nhập”...
Đồng thời với quá trình “sắp xếp lại giang sơn” diễn ra với tốc độ nhanh chóng, nhiều mặt đời sống xã hội cũng có sự chuyển mình tương ứng. Riêng lĩnh vực bảo đảm ANTT, lực lượng Công an đã khám phá hàng loạt vụ án sản xuất hàng hóa, thực phẩm, dược phẩm giả... nhằm từng bước lập lại sự minh bạch, hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nhìn nhận sự chuyển mình của đất nước với dấu mốc mùng 1/7/2025, tôi chợt liên tưởng đến chi tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong cuốn hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, do NXB Quân đội nhân dân tái bản nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Trong phần chuẩn bị những trận đánh lớn mùa khô năm 1974, Thượng tướng Trần Văn Trà, tác giả cuốn hồi ký này đã viết: “Tôi nhớ lại câu nói không thể quên của anh Ba (đồng chí Lê Duẩn - PV) trong thời kỳ khẩn trương của chiến tranh là: “Phải vừa chạy vừa sắp hàng, không phải đợi sắp hàng xong mới chạy”.
Nhờ phương châm đó, chúng ta đã thần tốc, táo bạo làm nên Đại thắng mùa Xuân thống nhất giang sơn ngay trong năm 1975, thay vì năm 1976 như kế hoạch ban đầu. Nay, với quyết tâm thực hiện cuộc “Đổi mới 2.0”, chúng ta cũng quyết tâm sắp xếp lại giang sơn và đội ngũ đã chỉnh tề, vậy hãy kiên định vững bước tiến lên trên hành trình vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
An Khang