PV: Thưa Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, cùng với nhà giáo cả nước, đội ngũ nhà giáo CAND ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Thiếu tướng có thể chia sẻ về những điểm nổi bật của đội ngũ nhà giáo CAND hiện nay?
Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn: Thời gian qua, Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là phát triển đội ngũ nhà giáo CAND. Bộ Công an đã chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản khẳng định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo và nhiều chủ trương nhằm kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo. Đây là những chủ trương, chiến lược và cơ sở pháp lý quan trọng, là điều kiện đảm bảo phát triển đội ngũ nhà giáo CAND. Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an, Cục Đào tạo cùng các đơn vị chức năng, các học viện, trường CAND đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết quả, đội ngũ nhà giáo trong CAND những năm qua đã có sự thay đổi đáng kể về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý; trong đó, chất lượng của đội ngũ nhà giáo đã góp phần quyết định thành quả của sự nghiệp giáo dục, đào tạo CAND trong suốt thời gian qua.
Tính đến hết tháng 6/2024, các cơ sở đào tạo CAND có tổng số hơn 4.600 nhà giáo; có 570 tiến sĩ, 1.380 thạc sĩ; 4 GS, 129 PGS và hàng nghìn giảng viên, giáo viên chính, giảng viên, giáo viên cao cấp. Sự lớn mạnh và trưởng thành của đội ngũ nhà giáo CAND được thể hiện rõ ở một số nét nổi bật: Đội ngũ nhà giáo đại đa số có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, lối sống mẫu mực, trong sáng, lành mạnh; trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin không ngừng được nâng cao; năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong tình hình mới…
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo. Ảnh: Nguyễn Thắng.
PV: Một trong những đặc trưng của giáo dục đào tạo trong CAND nhiều năm qua là quan tâm đến chủ trương giáo dục “toàn diện”, “học đi đôi với hành” cho học viên được “nhúng mình” vào thực tiễn; đưa các nhà giáo đi luân chuyển thực tế để bài giảng “mang đầy đủ hơi thở cuộc sống”. Thiếu tướng đánh giá thế nào về những kết quả bước đầu khi thực hiện chủ trương này?
Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn: Từ thực tiễn yêu cầu công tác Công an cho thấy, công tác giáo dục đào tạo trong CAND cần được thực hiện nguyên lý "giáo dục lý luận gắn với thực tiễn và đào tạo phải xuất phát và gắn với thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm", "học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn", để sau khi được đào tạo, học viên các học viện, trường CAND có khả năng hòa nhập ngay với công tác thực tiễn, vận dụng linh hoạt các kiến thức cơ bản và phát triển kỹ năng theo yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Để đáp ứng yêu cầu này, đòi hỏi nhà giáo CAND phải vừa có kiến thức lý luận sâu sắc, vừa có khả năng thực hành công tác nghiệp vụ một cách thành thạo để đưa vào giáo trình, tài liệu dạy học, giáo án, truyền đạt kiến thức và hướng dẫn cho học viên thực hành nghề nghiệp, bồi dưỡng năng lực xử lý tình huống trong công tác thực tiễn của ngành Công an. Thực hiện chủ trương đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy tại Nghị quyết số 17 và Chỉ thị số 12 của Đảng ủy CATW, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 04/2009/TT-BCA(X11) “Quy định luân chuyển có thời hạn giảng viên nghiệp vụ của các học viện, trường CAND đến công tác tại Công an các đơn vị, địa phương” và Thông tư số 44/2014/TT-BCA “Quy định về công tác thực tế của các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp CAND”. Đây là cơ sở pháp lý, tiền đề quan trọng để tăng cường công tác luân chuyển, thực tế đối với đội ngũ nhà giáo trong các học viện, trường CAND. Thực tế những năm qua cho thấy, các cơ sở đào tạo trong CAND đã chú trọng cử nhà giáo đi thực tế và thực hiện luân chuyển giáo viên nghiệp vụ về công tác có thời hạn tại Công an đơn vị, địa phương.
Thành quả bước đầu là đã làm thay đổi nội dung và chương trình giảng dạy, khắc phục được thực trạng nặng về lý thuyết, xa rời thực tế; tính thực hành nghề nghiệp được nâng cao, học viên được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về thực tiễn công tác và thực hành nghiệp vụ. Các bài giảng, giờ giảng của nhà giáo sau khi đi luân chuyển thực tế được cải thiện rõ nét, có chất lượng cao hơn, đem đến cho người học hệ thống tri thức sinh động, phong phú, gắn lý luận với thực tiễn. Các học viện, trường CAND cũng đã mời các cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác Công an tham gia giảng dạy, báo cáo thực tế. Qua đó giúp nội dung giảng dạy gắn liền với thực tiễn công tác.
PV: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, có từ 20-30% lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực, điều kiện làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường quốc tế”. Mục tiêu trên đặt ra những cơ hội và thách thức như thế nào đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong CAND nói chung, đội ngũ nhà giáo CAND nói riêng, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn: Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết về công tác xây dựng lực lượng CAND, trong đó xác định rõ từng mục tiêu về công tác cán bộ, trong đó có mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, có từ 20-30% lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực, điều kiện làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường quốc tế”. Với việc Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chủ trương xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong CAND đủ năng lực, điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế là yêu cầu khách quan, tất yếu. Mục tiêu này là nhiệm vụ to lớn, quan trọng để đẩy nhanh tốc độ xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực trong CAND nói chung, đội ngũ nhà giáo CAND nhân dân nói riêng khi từ nay đến năm 2030 chỉ còn khoảng 5 năm để thực hiện.
Về cơ hội, mục tiêu tạo ra động lực đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong CAND gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển tri thức; là cơ sở pháp lý để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo trong CAND nói chung và môi trường thuận lợi để hoạch định, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong CAND nói riêng; công tác đào tạo nguồn nhân lực trong CAND đã và đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, trong đó nhiều nguồn lực sẽ được ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo trong CAND, đội ngũ nhà giáo CAND. Về thách thức, mặc dù năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND nói riêng, cán bộ, chiến sĩ nói chung cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút nhiều người giỏi vào giảng dạy tại các trường CAND.
Tuy nhiên, năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật, quy định, thông lệ quốc tế; phương pháp, phong cách làm việc, kiến thức về lãnh đạo, quản lý, kỹ năng giao tiếp quốc tế, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học… của một bộ phận lãnh đạo, chỉ huy trong CAND còn hạn chế, đặc biệt là trong việc học tập, cập nhật kiến thức ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận nhà giáo chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và hội nhập, đặt biệt là khả năng nắm bắt các tiến bộ của khoa học công nghệ, sử dụng ngoại ngữ, tin học. Ngoài ra, trong thời gian qua, với sự quan tâm của Bộ Công an, các học viện, trường CAND đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đưa vào sử dụng nhiều thiết bị dạy học tiên tiến song còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, đổi mới, hội nhập giáo dục đào tạo.
Từ thực tế trên cho thấy, để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi các đơn vị có liên quan, các học viện, trường CAND phải nhận thức rõ cơ hội, thách thức, từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với mục tiêu lộ trình cụ thể, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về năng lực chuyên môn, pháp luật quốc tế, phương pháp, phong cách làm việc, kiến thức về lãnh đạo, quản lý, kỹ năng giao tiếp quốc tế, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học… Đây là một trong những chìa khóa để đổi mới dạy và học, tiếp cận tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Theo Thiếu tướng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có những chính sách đãi ngộ gì để thu hút được nhiều người giỏi vào làm việc, giảng dạy tại các trường CAND?
Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn: Đội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt quyết định đến chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo của các học viện, trường CAND.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước nói chung, Đảng ủy CATW, Bộ Công an nói riêng luôn quan tâm, chăm lo, xây dựng đội ngũ nhà giáo; đồng thời, quan tâm, từng bước hoàn thiện các chế độ đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Để tiếp tục tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, phát triển và cống hiến, đồng thời thu hút được nhiều nhà khoa học đầu ngành, cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn vào làm việc, giảng dạy tại các trường CAND, các đơn vị chức năng cần tiếp tục rà soát, đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo.
Trên cơ sở đó, đề xuất chế độ phụ cấp đặc thù cho đội ngũ nhà giáo, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo có chức danh khoa học và học vị; chăm lo đảm bảo tốt đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc, thu hút cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm thực tế bổ sung cho đội ngũ nhà giáo. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, tôn vinh, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, những nhà giáo có nhiều cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục đào tạo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để nhà giáo trong các trường CAND được tự học tập, rèn luyện trong môi trường sư phạm lành mạnh.
PV: Theo Thiếu tướng, với điều kiện hiện có, đội ngũ nhà giáo CAND cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe trong bối cảnh cách mạng 4.0 và kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, kỹ thuật mới và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ nhà giáo về năng lực, trình độ, phẩm chất, kỹ năng để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Điều này đòi hỏi đội ngũ nhà giáo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tự học tập, rèn luyện phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhà giáo cũng phải thường xuyên cập nhật nội dung, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tiễn, hướng cho người học cách vận dụng tri thức được trang bị vào giải quyết vấn đề thực tiễn xã hội nói chung và hoạt động nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.
Mặt khác, nhà giáo cũng phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo phải tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tích cực học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm tạo dựng phương tiện kết nối kiến thức, phương pháp giảng dạy của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Huyền Thanh (thực hiện)