Đồi phong tướng và những vị tướng đầu tiên của quân đội

Đồi phong tướng và những vị tướng đầu tiên của quân đội
6 giờ trướcBài gốc
Theo dòng lịch sử, mùa Xuân 1941, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về Pác Bó (Cao Bằng) lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau hơn 3 năm vận động quần chúng theo cách mạng trên vùng biên ải Cao Bằng, nhận thấy phải thành lập những đội quân tuyên truyền giải phóng dân tộc và đội quân ấy phải được vũ trang, ngày 22/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh cho thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân rồi quyết định Nam tiến.
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
5 tháng sau, ngày 15/5/1945 tại đình Làng Quặng thuộc tổng Định Biên Thượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, chỉ huy Võ Nguyên Giáp tổ chức thành lập Việt Nam Giải phóng quân trên cơ sở sáp nhập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân 2.
Những tháng kế tiếp, đội quân ấy đã cùng với cả dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Hơn một năm sau, khi chưa kịp củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, Quân đội ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2, bắt đầu từ tối 19/12/1946...
Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đã khẳng định sự trưởng thành của đạo quân “Từ nhân dân mà ra” khi nó đủ sức đánh bại cuộc tấn công của 12.000 quân viễn chinh thiện chiến của tướng Pháp Salan…
Sự kiện ngày 28/5/1948 sẽ không bao giờ quên đối những người lĩnh cụ Hồ, khi Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu cũng cần chính quy hóa quân đội, đợt phong tướng đầu tiên tại đồi Pụ Đồn bản Nà Lọm (ATK Phú Đình Định Hóa, Thái Nguyên) đã đi vào lịch sử…
Ngày 28/5/1948 đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử QĐND Việt Nam như một trang chói sáng - Ngày Chính phủ làm Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Trước đó, ngày 19/1/1948, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ đã đưa ra quyết định lịch sử là phong quân hàm cho các tướng lĩnh. Ngày 20-1-1948 và những ngày sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110 phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, cùng các sắc lệnh phong cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp ở các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, gồm: Trung tướng Nguyễn Bình, Tổng tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Cục Tổng Thanh tra quân đội quốc gia; Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Khu trưởng Chiến khu 4; Thiếu tướng Hoàng Sâm, Khu trưởng Chiến khu 2; Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Khu trưởng Chiến khu 1; Thiếu tướng Trần Tử Bình, Trưởng Phòng kiểm tra và cán bộ; Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị; Thiếu tướng Lê Hiến Mai, Chính ủy Chiến khu 2; Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới.
Trong rất nhiều tư liệu, hàng trăm bài viết về sự kiện phong tướng tại đồi phong tướng, nhưng chi tiết rõ, xin trích Nhật ký Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (sinh năm 1904, mất năm 1997, làm Bộ trưởng Bộ Tài chính từ tháng 3-1946 đến tháng 6-1958), ghi chi tiết lễ thụ phong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 28-5-1948 ở đồi Pụ Đồn: “Trong một căn nhà dựng bên cạnh suối lớn, dựa một bên núi, cây cối phủ kín, ở ngoài trông vào rất khó thấy mà máy bay cũng khó lòng sục sạo. Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”… Sự trưng bày rất đơn giản mà trang nghiêm. Đến giờ làm lễ, Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội (cụ Bùi Bằng Đoàn - PV) lên đứng hai bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chính phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ. Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì. Một phút vô cùng cảm động có lẽ trong chúng mình, tuy không ai nhìn thấy ai, nhưng mỗi người đều phải rơm rớm nước mắt. Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Võ Nguyên Giáp nhận sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực nhân danh Quốc hội tuyên bố mấy lời. Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy câu chúc mừng. Cuối cùng, Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội và nêu cao tinh thần phấn đấu anh hùng dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau cùng, Võ Nguyên Giáp đứng lên cảm ơn Hồ Chủ tịch, Quốc hội và Chính phủ và tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước. Tuyên bố xong, Võ Nguyên Giáp lần lượt bắt tay tất cả mọi người. Rồi Hồ Chủ tịch tuyên bố bế mạc cuộc lễ. Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi chung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ…”.
Có thể thấy, manh nhà từ những đội du kích của khởi nghĩa Bắc Sơn, đến khởi nghĩa Nam Kỳ, Đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Việt Nam giải phóng quân… cho đến Quân đội nhân dân Việt Nam, ở bất kỳ thời điểm nào luôn nỗ lực lập nên chiến công hiển hách, vang dội thế giới trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đáp ứng nguyện vọng nhân dân, ngày 19/2/2024, Quân khu I phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức khởi công Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm đồi Pụ Đồn, tổng mức đầu tư gần 43 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng. Sau 10 tháng thi công công trình đã khánh thành.
Di tích Pụ Đồn tại xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Quân khu I tổ chức Lễ khánh thành Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948.
Khu di tích đồi Pụ Đồn đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, và chắc chắn đây cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn để nhân dân tìm hiểu sâu sắc hơn lịch sử hào hùng, trưởng thành lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam (ảnh Thành Chung)
80 năm qua, trong dòng chảy phát triển quân đội nhân dân Việt Nam, sự kiện 25/5/1945 những vị tướng đầu tiên QĐND Việt Nam được xướng tên, những vị tướng từ nhân dân mà ra, được nhân dân che chở, đùm bọc làm cách mạng. Một trong thế mạnh vĩnh cửu nhất QĐND ta đã làm rất tốt xây dựng thế trận trong lòng dân, vì nhân dân với lời thề sắc son “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Đến thời điểm này (tháng 12-2024), Quân đội nhân dân Việt Nam có 17 đại tướng, cùng nhiều thượng tướng, trung tướng và thiếu tướng. Nhìn lại lịch sử 76 năm trước, ngày 28-5-1948, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ thụ phong chức cấp tướng cho những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Liên
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/doi-phong-tuong-va-nhung-vi-tuong-dau-tien-cua-quan-doi-464188.html