Lực lượng vũ trang Thủ đô giúp dân gặt lúa chạy bão số 3. Ảnh Trọng Tú.
Càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, với 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí thô sơ, nhưng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho trang sử truyền thống đánh thắng trận đầu, đã ra quân là chiến thắng, quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chưa đầy một năm sau, Quân đội ta đã cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, làm nên thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945. Ngay sau đó, Quân đội ta đã cùng với lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá của thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ và nền độc lập, tự do của dân tộc.
Vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đứng trước tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” khi cùng lúc phải đối phó ba loại giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; trong đó nguy hiểm nhất là thực dân Pháp gây chiến hòng lập lại chế độ cai trị. Trong cuộc đối đầu đầy cam go thử thách này, Quân đội nhân dân đóng vai trò nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, thể hiện rõ nét qua tổng số 44 chiến dịch khác nhau, từng bước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của địch. Đặc biệt, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau khi thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ liền nhảy vào xâm lược, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, rồi dùng miền Nam làm bàn đạp tiến công miền Bắc, ngăn chặn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa tại khu vực Đông Nam Á.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam kéo dài hơn hai thập niên (1954-1975) là cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất, quy mô lớn nhất thời đại. Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, nêu cao tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cùng toàn Đảng, toàn dân không quản hy sinh, gian khổ, liên tiếp tiến công địch, tiêu biểu là tổ chức thực hiện 46 chiến dịch khác nhau. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ ngày 26 đến 30-4-1975) kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam: Kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời tác động sâu sắc đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam giữ vai trò nòng cốt trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, qua đó bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tiếp đó, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy bản chất cách mạng, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu trong tình hình mới, đặc biệt là đã chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu với Đảng, Nhà nước có quyết sách đúng đắn, xử lý kiên quyết, kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh cả trên không, trên biển, biên giới và nội địa, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc; luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Như vậy, kể từ ngày ra đời đến nay, trải qua 80 năm (1944-2024), Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực sự là một đội quân “đi từ không đến có”, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành, lập nên những chiến công hiển hách, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc chức năng là đội quân chiến đấu.
Ở đâu có khó khăn, ở đó có bộ đội
Trong thực hiện chức năng đội quân công tác, Quân đội ta luôn gắn bó mật thiết, đồng cam cộng khổ với nhân dân, thực sự là cầu nối vững chắc và tin cậy của Đảng và Nhà nước với nhân dân. Sống trong lòng dân, bộ đội ta luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đoàn kết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ra sức giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, khám chữa bệnh, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào công giáo.
Quân đội ta cũng là lực lượng xung kích trong cứu hộ, cứu nạn, hết lòng giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, xả thân trong hiểm nguy để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, toàn quân tham gia phòng, chống đại dịch với phương châm: “Chống dịch như chống giặc”, “Ở đâu có khó khăn, ở đó có bộ đội”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, hỗ trợ tích cực cả về nhân lực và vật tư y tế; triển khai nhiều khu cách ly, nhiều bệnh viện dã chiến, hơn 400 bệnh xá cơ động, duy trì hơn 24.000 tổ, chốt ở biên giới và nội địa... chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản, bảo đảm an toàn cho nhân dân, góp phần vừa phòng, chống đại dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp đó, đầu năm 2023, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Một trong những hoạt động được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đó là Quân đội ta đã tổ chức lực lượng tham gia cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ; hành động quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã để lại trong lòng nhân dân và chính phủ nước bạn những ấn tượng rất tốt đẹp. Lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lan tỏa hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, thông điệp yêu chuộng hòa bình của đất nước ta, Quân đội ta trên trường quốc tế”.
Nhìn lại chặng đường 80 năm ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, chúng ta vô cùng vinh dự, tự hào về những chiến công hiển hách và truyền thống vẻ vang của Quân đội ta trong thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác. Những chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam giành được trước hết là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân; sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, anh dũng chiến đấu hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ; xứng đáng là Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng và danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân trao tặng.
Đại tá, PGS,TS Nguyễn Văn Sáu