Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong bối cảnh lịch sử đầy thử thách cuối năm 1943, thực dân Pháp gia tăng khủng bố, lập thêm đồn bốt, tăng cường mật thám và cảnh sát nhằm phá hoại phong trào cách mạng tại Việt Bắc. Trước tình hình đó, lãnh đạo Việt Minh và Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã triển khai nhiều biện pháp để duy trì và phát triển phong trào nhằm kết nối và củng cố cơ sở cách mạng. Những nỗ lực này đã đặt nền móng cho sự ra đời của một lực lượng vũ trang cách mạng mới - Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Sự ra đời này không chỉ là cột mốc lịch sử quan trọng mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lực lượng cách mạng. Khẳng định này đã được PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - đưa ra trong cuốn sách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Đêm mùa đông đáng nhớ trong khu rừng Trần Hưng Đạo
Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trong Đêm mùa đông tại khu rừng Trần Hưng Đạo vào ngày 22/12/1944 là dấu mốc không thể nào quên trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ sáng sớm, hàng chục đội viên đã tề tựu về khu rừng, tạm nghỉ trong ba lán dựng sẵn, trong không khí khẩn trương.
Trên một khoảng đất bằng phẳng dưới những gốc cây lim và dẻ cao, nơi cột cờ "tự nhiên" được dựng lên từ một cây to thẳng tắp, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được tiến hành. Kỳ đài được làm từ những cọc tre đóng xuống đất và phên đan kết nối thành bàn lớn, đặt trước cột cờ, là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng để chủ trì buổi lễ trọng đại.
Chiều tà buông xuống giữa rừng già, không gian se lạnh bao trùm khắp nơi. Đội viên đứng nghiêm trang trước cột cờ, mắt hướng về phía Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi tiếng hô vang lên "Xin thề!", những cánh tay đồng loạt giơ cao như biểu trưng cho quyết tâm quật ngã kẻ thù, bảo vệ tự do cho dân tộc. Lời tuyên bố thành lập Đội vang vọng trong không gian yên tĩnh. Tiếng vỗ tay từ đại biểu tham dự hòa vào như lời động viên, nhắc nhở tất cả rằng hành trình phía trước sẽ đầy gian khổ nhưng tinh thần đoàn kết và lòng quyết tâm sẽ là sức mạnh dẫn lối.
Cuốn sách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng.
Sau lễ thành lập là bữa cơm đạm bạc nhưng đầy ý nghĩa. Vì không có bát nên cơm được bới bằng lá cây. Mọi người phải tự chế thêm đũa từ những cành cây khô. Dẫu thiếu thốn, tinh thần đồng cam cộng khổ, sự đoàn kết và lòng yêu nước vẫn tràn đầy.
Cũng trong tối hôm đó, 34 đội viên đầu tiên đã đứng lên lần lượt kể về hành trình đến với cách mạng, những đau thương, mất mát của bản thân và quê hương. Từng lời kể như một bản hùng ca, thắp sáng ngọn lửa căm thù giặc và lòng quyết tâm quật ngã kẻ thù xâm lược. Đêm đông ấy, với ánh lửa bập bùng và lời hứa sắt thép, trở thành kỷ niệm không bao giờ mờ phai trong tâm trí những người tham gia lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
“Sự ra đời và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945 là một hiện tượng lịch sử độc đáo: Quân đội có trước chính quyền, đã mở đầu và định hình những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - viết trong cuốn sách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Sự hình thành của Quân đội nhân dân Việt Nam
Sự hình thành của Quân đội nhân dân Việt Nam là một quá trình phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng của dân tộc trên nền tảng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Những năm đầu của thập niên 1940, đất nước rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trước sự xâm lược của các thế lực ngoại bang. Trước những biến động lớn trong tình hình quốc tế và trong nước, đặc biệt là sự đảo chính của Nhật Bản, phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, các đơn vị vũ trang cũng theo đó lớn mạnh dần.
Ngày 15-20/4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, xác định “phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa kháng Nhật để chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ”. Vì vậy các tổ chức lực lượng vũ trang, trong đó có Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đã được hợp nhất và mang tên Việt Nam Giải phóng quân.
Hình ảnh mô phỏng Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: Quân khu 2.
So với các lực lượng cách trước đó, Việt Nam Giải phóng quân có hệ thống tổ chức, vũ khí tốt hơn. Nhờ đó, đội quân này có thể bảo vệ được chính quyền cách mạng ở những nơi mới thành lập. Đây cũng là tiền đề để quân và dân ta hướng tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cả nước vào tháng 8/1945.
Sau khi giành được độc lập 9/1945, đất nước trước sự xâm lược của quân Trung Hoa Dân quốc ở miền Bắc và thực dân Pháp tái xâm lược miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn. Với tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến, quân đội ta tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước những mưu toan xâm lược của kẻ thù.
Năm 1946, theo Sắc lệnh số 71-SL của Hồ Chí Minh, Vệ quốc đoàn trở thành Quân đội quốc gia Việt Nam, mở ra một trang mới trong lịch sử quân đội nhân dân, với tổ chức thống nhất, biên chế chặt chẽ, cùng cương lĩnh chiến đấu rõ ràng.
Quá trình hình thành Quân đội nhân dân Việt Nam từ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Vệ quốc đoàn đến Quân đội quốc gia là minh chứng cho sự phát triển của một lực lượng quân đội gắn bó sâu sắc với dân tộc, không ngừng trưởng thành và hiện đại hóa, góp phần bảo vệ đất nước trong mọi thời kỳ.
Đức Huy