Robot Ai hình người của Figure AI.Ảnh: Bloomberg
Theo tường thuật của báo New York Times, các nhà máy của Trung Quốc đang ráo riết tự động hóa nhằm giảm giá thành nhưng lại nâng chất lượng sản phẩm. Chính vì thế nước này mới có khả năng làm tràn ngập thị trường thế giới bằng hàng giá rẻ không ai cạnh tranh lại. Theo đánh giá của tờ báo này, mức độ tự động hóa của các nhà máy Trung Quốc bây giờ cao hơn ở Mỹ, Đức hay Nhật Bản. Số lượng robot tính trên 10.000 công nhân sản xuất cao hơn các nước khác, trừ Hàn Quốc hay Singapore.
He Liang, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Yunmu Intelligent Manufacturing, nơi sản xuất robot hình người hàng đầu Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đang nỗ lực biến ngành robot thành một lĩnh vực kinh doanh mới. Robot đang thay công nhân không chỉ trong ngành sản xuất xe hơi mà còn trong các xưởng máy nhỏ.
Chẳng hạn xưởng Elon Li ở Quảng Châu chỉ có 11 công nhân cắt và hàn các tấm thép để làm bếp lò và thiết bị barbecue rẻ tiền. Xưởng này đang chuẩn bị mua và lắp một cánh tay robot có gắn camera trị giá 40.000 đô la. Cánh tay này có tích hợp AI sẽ quan sát cách công nhân hàn một bếp lò rồi sẽ bắt chước và sau đó tự hoạt động không cần sự can thiệp của con người.
Cách đây một năm, một robot như thế do nước ngoài chào bán có giá lên đến 140.000 đô la nên Elon Li không hề nghĩ đến chuyện tự động hóa.
Tốc độ tự động hóa ở các công ty lớn diễn ra nhanh hơn. Như ở nhà máy Ningbo chuyên làm xe hơi điện cho hãng Zeekr, khi mới khai trương cách đây bốn năm có trang bị 500 robot. Nay nhà máy có 820 robot và đang có kế hoạch tăng thêm. Có loại xe tự lái chở các thanh nhôm đến thang máy tự động, tự nâng nhôm lên lò nung cao 12 mét. Khi nhôm nóng chảy, máy tự động rót nhôm vào các khuôn đúc thân xe và các linh kiện khác. Xe tự lái xen kẽ với xe nâng do người lái liên tục chở thành phẩm về kho. Sau đó có các loại robot khác đưa thành phẩm từ kho đến dây chuyền lắp ráp nơi hàng trăm cánh tay robot làm việc theo nhóm tạo nên một vũ điệu đẹp mắt liên tục hàn chúng thành khung chiếc xe trên dây chuyền. Điều đặc biệt là khu vực làm việc tối om vì robot hoạt động không cần con người, không cần ánh sáng.
Nhà máy Trung Quốc vẫn sử dụng công nhân. Ngay cả khi nhà máy được tự động hóa, họ vẫn cần công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm, lắp ráp một số chi tiết cần sự khéo léo của con người như đi dây điện. Máy cũng không thể chùi giấy nhám để làm sạch thân xe trước khi sơn hay phát hiện các khiếm khuyết nhỏ.
Ở cuối dây chuyền sản xuất của Zeekr có lắp một dãy các camera độ phân giải cao; chúng chụp hình xe đã ráp hoàn chỉnh rồi so sánh với các xe đạt chuẩn trong cơ sở dữ liệu để phát tín hiệu cảnh báo một khi phát hiện có sự sai khác. Tất cả chỉ mất vài giây. Ở đây công nhân chủ yếu ngồi sau màn hình để theo dõi quá trình này và can thiệp khi cần.
Trung Quốc rót tiền mua các nhà cung cấp robot nước ngoài như Kula của Đức rồi chuyển hoạt động về Trung Quốc. Khi Volkswagen khánh thành một nhà máy xe điện cách đây một năm ở Hợp Phì, nhà máy chỉ có 1 robot nhập từ Đức, còn lại 1.074 robot là của Trung Quốc sản xuất tại Thượng Hải.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành robot ở Trung Quốc xuất phát từ chủ trương của nhà nước. Sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” khởi xướng cách đây 10 năm đặt mục tiêu sẽ có 10 ngành Trung Quốc cạnh tranh được với thế giới; robot là một trong các ngành này. Mới đây thành phố Bắc Kinh tổ chức chạy bán marathon với 12.000 người và 20 con robot hình người tham dự. Chỉ có 6 robot về đích và con chạy nhanh nhất cũng mất gấp 3 thời gian chạy so với người chạy nhanh nhất nhưng các sự kiện như thế kích thích sự phát triển của robot hình người.
Mới tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói trong báo cáo trước Quốc hội nước này rằng Trung Quốc đặt kế hoạch phát triển robot thông minh với một quỹ đầu tư lên đến 137 tỉ đô la cho các công nghệ robot, AI và các công nghệ tân tiến khác. Các ngân hàng quốc doanh nâng lượng cho vay với các nhà sản xuất công nghiệp lên đến 1.900 tỉ đô la trong bốn năm qua; đa phần rót vào các nhà máy mới hay thay thiết bị cũ bằng robot tự động.
Nguyễn Vũ