'Đổi sách lấy cây' 2025: Gieo tri thức, ươm mầm xanh

'Đổi sách lấy cây' 2025: Gieo tri thức, ươm mầm xanh
6 giờ trướcBài gốc
Những trang sách được trao đi, những mầm xanh được nhận về
Sáng sớm ngày cuối tuần, cuối tháng Năm, chị Mai Như Ý (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) mang đến điểm tiếp nhận quy đổi của chương trình “Đổi sách lấy cây” ở TP. Hồ Chí Minh những tập sách dầy. Chị chia sẻ: “Khi đọc được chương trình “Đổi sách lấy cây” trên mạng xã hội, tôi liền gom sách, truyện từ tủ nhà để mang đến quy đổi”. Đối với chị, mỗi cuốn sách không chỉ là tri thức mà còn là nhịp cầu gắn kết yêu thương, là sợi dây thầm lặng truyền đi hy vọng đến những em nhỏ còn thiếu thốn.
Tại cụm Hà Nội, bạn Đặng Hứa Như Bình, sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội cũng tham gia chương trình bằng cách khác. “Mình quyên góp quần áo cũ và đồ dùng học tập cho chương trình. Cảm giác rất rõ niềm vui khi những món đồ tưởng chừng như bỏ đi lại có thể tiếp tục hành trình hữu ích, mang ấm áp cho các bạn học sinh vùng xa”, Như Bình nói.
Ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, cái nôi đầu tiên nơi chương trình “Đổi sách lấy cây” bắt đầu, anh Nguyễn Hoàng Nam năm nay tiếp tục là người quy đổi quen thuộc. Gom hơn 40 cuốn vở mới để đổi lấy những chậu sen đá và vài bộ bút bi được làm từ nhựa tái chế. Anh nói: “Chỉ cần một hành động nhỏ, chúng ta đã góp phần lan tỏa yêu thương và hy vọng đến cộng đồng”.
Hoạt động “Đổi sách lấy cây” tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thuận Thiên
Không chỉ những người quy đổi, các tình nguyện viên trẻ cũng đang góp sức âm thầm nhưng bền bỉ. Năm 2025, em Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đảm nhận vai trò phụ trách nhân sự chương trình đổi sách lấy cây tại địa phương. Em chia sẻ: “Mỗi lần nhìn mọi người hào hứng trao sách, nhận cây, mình lại thấy tự hào vì đã góp một phần sức mình vào hành trình gieo mầm tri thức và bảo vệ Trái đất”. Đến với chương trình được học từ việc điều phối nhân sự, phối hợp đội nhóm đến trải nghiệm không khí thiện nguyện sôi nổi, em nói rằng đây là mùa hè đáng nhớ nhất.
Tại TP. Hồ Chí Minh, bạn Nguyễn Minh Hảo, sinh viên năm 2 ngành Quản lý cảng và Logistics, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Năm nay mình tiếp tục tham gia với vai trò điều phối cụm TP. Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là cơ hội cống hiến mà còn là lớp học thực tiễn về vận hành sự kiện và phối hợp đội nhóm”. Với Hảo, từng cuốn sách hay chậu cây quy đổi đều chất chứa tình yêu thương và khát vọng cộng đồng bền vững.
Em Dương Bích Ngọc, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Lý Nhân (Hà Nam) đã xin mẹ cho lên Hà Nội từ sớm để tham gia hoạt động. “Mình rất mong góp chút công sức để sách cũ có thể đến với các em vùng xa và mỗi cây xanh mình trao sẽ là thông điệp yêu thương, kêu gọi mọi người cùng bảo vệ môi trường”, em nói.
Các em học sinh tại Hà Nội hào hứng mang sách, giấy đến đổi lấy cây. Ảnh: Thuận Thiên
Lan tỏa lối sống xanh, gieo mầm tri thức
Những hoạt động kể trên được thực hiện trong chương trình “Đổi sách lấy cây” năm 2025 vừa được phát động tại gần 20 điểm quy đổi trên toàn quốc. Chương trình do Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky, phối hợp với Nhóm từ thiện Fly To Sky (trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), tiếp nối hành trình 6 năm đã qua với nhiều kết quả ấn tượng.
Ban Tổ chức cho biết, chương trình năm nay được tổ chức tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Cần Thơ, Lâm Đồng và Bình Định. Các điểm đổi mở cửa vào các ngày thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, kéo dài từ ngày 24/5 đến 27/7/2025. Chương trình đặt mục tiêu thu hút hơn 15.000 người tham gia, tiếp nhận 20 tấn sách, giấy các loại, hơn 30.000 sản phẩm và huy động hơn 10.000 tình nguyện viên.
Hoạt động xoay quanh hình thức: Người dân mang sách cũ, giấy vụn, quần áo, gấu bông, pin cũ, vỏ hộp sữa, chai nhựa đã qua sử dụng đến các điểm quy đổi để nhận về cây sen đá, cây cảnh hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường. Sau khi tiếp nhận, toàn bộ vật phẩm sẽ được phân loại để trao tặng, tái chế hoặc gây quỹ.
Điểm mới nổi bật trong năm nay là chương trình ứng dụng công nghệ AI vào quá trình vận hành từ đăng ký tình nguyện viên, điểm danh, cấp giấy chứng nhận, đến quản lý hàng tồn kho, dữ liệu quy đổi,… tất cả đều được tự động hóa. Hệ thống này không chỉ giảm tải thời gian và công sức cho đội điều phối mà còn đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong mọi khâu thực hiện.
Không chỉ là hoạt động tình nguyện, “Đổi sách lấy cây” còn là nơi để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Ảnh: Thuận Thiên
“Đổi sách lấy cây” không đơn thuần là chương trình môi trường. Hơn hết, đó là một mô hình nhân văn kết hợp giữa bảo vệ thiên nhiên, phát triển văn hóa đọc và giáo dục cộng đồng. Sau khi tiếp nhận, sách giáo khoa sẽ được phân loại theo lớp học và trao tặng cho học sinh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em tiết kiệm chi phí đầu năm học, duy trì sĩ số, góp phần đảm bảo giáo dục bình đẳng.
Bên cạnh đó, những cuốn sách tham khảo, truyện, sách văn hóa, khoa học, thiếu nhi sẽ tiếp tục hành trình tri thức qua dự án “Tủ sách Bồ câu trắng”. Đây là những tủ sách nhỏ, thư viện cộng đồng được dựng nên tại trường học vùng cao, mái ấm khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội,... nơi việc tiếp cận tri thức vẫn còn nhiều giới hạn.
Quần áo sạch, gấu bông, cặp sách, tập vở mới cũng sẽ được phân loại và gửi tới các địa phương còn thiếu thốn. Giấy vụn, pin cũ, vỏ lon, vỏ hộp sữa và các sản phẩm nhựa qua sử dụng sẽ được chuyển đến nhà máy tái chế hoặc gây quỹ, góp phần giảm thiểu rác thải và hình thành thói quen tiêu dùng bền vững.
Sau 6 năm tổ chức, chương trình đã tiếp nhận hơn 85 tấn sách, giấy; quy đổi hàng ngàn cây xanh, tạo lập hàng trăm tủ sách cộng đồng. Riêng năm 2024, gần 10.000 người tham gia tại 8 tỉnh, thành phố, với kết quả tiếp nhận 14 tấn sách và giấy, hơn 25.000 sản phẩm quần áo, gấu bông, gần 20.000 viên pin cũ, 32.000 vỏ chai, lon, hộp sữa và thu hút hơn 6.000 tình nguyện viên.
Anh Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia, Giám đốc Fly To Sky, chia sẻ: “Khi mỗi cuốn sách cũ được bạn trao đi, đó chính là một hạt giống tri thức; và khi mỗi cây xanh được nhận về, đó là biểu tượng cho niềm hy vọng và cam kết bảo vệ môi trường. Chúng tôi tin rằng, sự bền bỉ đã giúp Fly To Sky đón nhận được sự tin tưởng, đồng hành của cộng đồng”.
Không chỉ là hoạt động tình nguyện, “Đổi sách lấy cây” còn là nơi để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Hàng nghìn bạn trẻ đã học được cách tổ chức sự kiện, làm việc nhóm, phát triển kỹ năng cá nhân trong môi trường thực tế. Từ đó, hình thành lớp thanh niên sống đẹp, có trách nhiệm và khát vọng cống hiến cho cộng đồng.
Chương trình cũng là nơi kết nối giữa các tổ chức đoàn, hội, nhóm tình nguyện và hàng chục doanh nghiệp, đơn vị phối hợp trên cả nước. Dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, hoạt động được triển khai bài bản, thiết thực, tránh hình thức, đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững.
Danh sách các điểm tiếp nhận quy đổi chương trình “Đổi sách lấy cây” năm 2025:
Từ một sáng kiến cộng đồng, “Đổi sách lấy cây” đã và đang trở thành biểu tượng hành động xanh vì cộng đồng, nơi mỗi người dân, dù nhỏ tuổi hay lớn tuổi, đều có thể bắt đầu một hành trình sống ý nghĩa từ những vật dụng tưởng chừng vô tri.
Ngân Thương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/doi-sach-lay-cay-2025-gieo-tri-thuc-uom-mam-xanh-389191.html