Học sinh Trường THPT Thanh Đa (TPHCM) trong một giờ học. Ảnh: Mạnh Tùng
Từ kỳ thi năm 2025, chỉ còn 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Vì vậy, đối sánh tổng điểm thi của 3 môn này trong giai đoạn 2021 đến năm 2024 cho thấy rõ ràng hơn về chất lượng giáo dục cốt lõi của một địa phương.
Chất lượng không đồng đều
Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là ba môn học quan trọng ở trường phổ thông. Kiến thức, phương pháp và tư duy của 3 môn học này được vận dụng để học tập cho nhiều môn học khác, cũng như vận dụng để giải quyết các vấn đề cuộc sống và liên quan đến nhiều tổ hợp xét tuyển đại học nên được nhà trường, học sinh và gia đình chú trọng.
Học Toán còn là sự đầu tư phát triển kiến thức đa dạng và khả năng tiếp cận nhiều môn học, lĩnh vực. Toán không chỉ là nền tảng cho sự thành công trong các môn học khác, mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa hiểu biết sâu rộng và khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong thế giới luôn vận động và biến đổi.
Tuy nhiên, Toán là môn học khó, chất lượng dạy và học môn này ở cấp THPT phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đầu vào học sinh, đội ngũ giáo viên, nguồn lực của nhà trường, môi trường, truyền thống học tập và sự đầu tư của gia đình…
Những vấn đề trên có sự khác nhau giữa vùng thuận lợi và khó khăn nên dẫn đến có phân hóa chất lượng môn toán giữa các vùng. Những địa phương có kinh tế - xã hội phát triển luôn dẫn đầu về môn Toán trong 4 năm qua, từ 2021 đến 2024 là: Nam Định (4 năm xếp thứ nhất), kế đến là TPHCM, Bình Dương, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng…
Những địa phương kinh tế khó khăn thường ở tốp cuối về Toán, như: Trà Vinh, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Lai Chân, Yên Bái, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Hà Giang.
Ngữ văn giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ, khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, đời sống tâm hồn phong phú, quan niệm sống và ứng xử nhân văn; tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển văn hóa Việt Nam và tinh thần tiếp thu những giá trị tốt đẹp của văn hóa nhân loại. Việc dạy và học, cũng như chất lượng môn Ngữ văn không quá chênh lệch giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 4 năm qua không có địa phương nào luôn dẫn đầu như môn Toán. Địa phương đứng đầu có sự thay đổi. Trong đó, Hải Phòng 2 năm xếp thứ nhất (2021 và 2022), Hà Nam 1 năm xếp nhất (2023) và Ninh Bình 1 năm (2024).
Những địa phương có chất lượng môn Ngữ văn tốt như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Phú Thọ.... Ngược lại, một số địa phương có chất lượng môn này thấp như: Đà Nẵng, Vĩnh Long, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Trị, Đắk Nông, Phú Yên, Lai Châu và Hà Giang.
Việc học Ngoại ngữ, nhất là học và thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhằm được miễn thi tốt nghiệp THPT, ưu tiên trong tuyển sinh đại học và du học nước ngoài nên học sinh, gia đình và nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ.
Tuy vậy, do điều kiện dạy và học ngoại ngữ khác nhau giữa vùng dẫn đến môn Ngoại ngữ có sự phân hóa rất lớn giữa các địa phương thuận lợi và khó khăn. Phổ điểm môn Ngoại ngữ hằng năm thể hiện gần có 2 đỉnh, đặc biệt là phổ điểm môn này năm 2021 có 2 đỉnh rõ rệt (một đỉnh ở 8 - 9 điểm và một đỉnh là 3 - 4 điểm).
Một số địa phương có kết quả dẫn đầu môn Ngoại ngữ từ năm 2021 - 2024, trong đó, TPHCM (4 năm xếp thứ 1), kế đến là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…. 10 địa phương xếp cuối môn ngoại ngữ, bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lạng Sơn, Hậu Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Nhóm thứ nhất
Nhóm thứ hai
Nguồn: Số liệu do Bộ GD&ĐT công bố hằng năm.
Bình quân 4 năm tổng điểm 3 môn: Chia thành 4 nhóm
Trên cơ sở trung bình điểm các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ hàng năm của từng địa phương do Bộ GD&ĐT công bố, chúng tôi tính tổng điểm 3 môn này (làm tròn 2 chữ số thập phân) cho từng địa phương và sắp xếp từ lớn đến nhỏ rồi xếp thứ hạng từ 1 đến 63 theo từng năm. Từ tổng điểm 3 môn của các năm 2021, 2022, 2023 và 2024 của từng địa phương, chúng tôi tính bình quân tổng điểm 3 môn của 4 năm; sắp xếp từ lớn đến bé và xếp thứ hạng từ 1 đến 63. Với cách tính toán và sắp xếp này, 63 địa phương của cả nước được chia thành 4 nhóm:
- Nhóm thứ nhất, những địa phương có chất lượng giáo dục cốt lõi tốt, gồm 16 địa phương có bình quân tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ trên 19,0 điểm. Nhóm này gồm: Bình Dương (20,93 - xếp hạng 1), Nam Định (20,60 - 2), Vĩnh Phúc (20,37 - 3), TPHCM (20,31 - 4), Hải Phòng (20,28 - 5), Ninh Bình (20,28 - 6), Hà Nội (20,03 - 7), Hà Nam (19,99 - 8), Bắc Ninh (19,98 - 9), Bà Rịa - Vũng Tàu (19,77 - 10), Tiền Giang (19,63 - 11), An Giang (19,50 - 12), Hải Dương (19,33 - 13), Hà Tĩnh (19,32 - 14), Thái Bình (19,22 - 15) và Lâm Đồng (19,14 - 16).
- Nhóm thứ hai, những địa phương có chất lượng giáo dục cốt lõi khá, gồm 19 địa phương có bình quân tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ trên 18,0 điểm và dưới 19,0 điểm. Nhóm này gồm: Bạc Liêu (18,99 - 17), Phú Thọ (18,95 - 18), Bắc Giang (18,92 - 19), Đà Nẵng (18,78 - 20), Cần Thơ (18,72 - 21), Nghệ An (18,68 - 22), Đồng Tháp (18,59 - 23), Thừa Thiên - Huế (18,52 - 24), Bình Định (18,52 - 25), Long An (18,50 - 26), Quảng Ngãi (18,48 - 27), Thanh Hóa (18,47 - 28), Bình Thuận (18,37 - 29), Khánh Hòa (18,35 - 30), Đồng Nai (18,27 - 31), Tây Ninh (18,27 - 32), Vĩnh Long (18,25 - 33), Hưng Yên (18,14 - 34), Quảng Ninh (18,10 - 35).
- Nhóm thứ ba, những địa phương có chất lượng giáo dục cốt lõi trung bình khá, gồm 15 địa phương có bình quân tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ trên 17 điểm và dưới 18 điểm. Nhóm này gồm: Bến Tre (17,99 - 36); Bình Phước (17,90 - 37), Lào Cai (17,75 - 38); Kiên Giang (17,67 - 39); Sóc Trăng (17,66 - 40); Quảng Nam (17,52 - 41); Cà Mau (17,51 - 42); Thái Nguyên (17,49 - 43); Quảng Bình (17,34 - 44); Tuyên Quang (17,26 - 45); Kon Tum (17,21 - 46); Phú Yên (17,18 - 47); Ninh Thuận (17,14 - 48); Gia Lai (17,13 - 49) và Yên Bái (17,06 - 50).
- Nhóm thứ tư, những địa phương có chất lượng giáo dục cốt lõi trung bình, gồm 13 địa phương có bình quân tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ dưới 17,0 điểm. Nhóm này gồm: Quảng Trị (16,95 - 51); Trà Vinh (16,87 - 52); Đắk Lắk (16,76 - 53); Hậu Giang (16,73 - 54); Lạng Sơn (16,30 - 55); Hòa Bình (16,29 - 56); Đắk Nông (16,23 - 57); Bắc Kạn (16,22 - 58); Lai Châu (16,14 - 59); Điện Biên (16,09 - 60); Sơn La (15,55 - 61); Cao Bằng (15,25 - 62); Hà Giang (14,92 - 63).
Nhóm thứ ba
Nhóm thứ tư
Nguồn: Số liệu do Bộ GD&ĐT công bố hằng năm.
Tương quan với thu nhập bình quân đầu người
Chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục cốt lõi (3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) luôn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là chỉ số thu nhập bình quân đầu người một tháng. Theo số liệu thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2022 (là năm giữa của giai đoạn 2020 - 2024) do Tổng cục Thống kê công bố, Bình Dương có thu nhập 8,076 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ nhất và Hà Giang có thu nhập 2,062 triệu đồng/người/tháng xếp thứ 63.
Qua đối sánh giữa thứ hạng thu nhập bình quân đầu người một tháng và thứ hạng bình quân tổng điểm 3 môn cho thấy có sự tương ứng tỉ lệ thuận giữa 2 chỉ số này. Những địa phương có kinh tế - xã hội phát triển (thứ hạng thu nhập bình quân đầu người một tháng cao) có chất lượng tốt đối với giáo dục cốt lõi, trong đó 10 địa phương đứng đầu là Bình Dương (thứ hạng thu nhập bình quân đầu người:
1 - Thứ hạng bình quân tổng điểm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ: 1); Nam Định (10 - 2); Vĩnh Phúc (9 - 3); TPHCM (3 - 4); Hải Phòng (5 - 6); Ninh Bình (12 - 6); Hà Nội (2 - 7); Bắc Ninh (7 - 9); Bà Rịa - Vũng Tàu (13 - 10). Ngược lại, các địa phương còn khó khăn, chất lượng giáo dục cốt lõi còn thấp. 10 địa phương xếp cuối gồm Hậu Giang (19 - 54); Lạng Sơn (56 - 55); Hòa Bình (50 - 56); Đắk Nông (49 - 57); Bắc Kạn (59 - 58); Lai Châu (60 - 59); Điện Biên (62 - 60); Sơn La (61 - 61); Cao Bằng (58 - 62); Hà Giang (63 - 63).
Tuy nhiên, có một số địa phương dù thứ hạng thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2022 thấp, nhưng có thứ hạng bình quân tổng điểm 3 môn trên cao. Trong đó, Hà Tĩnh (thứ hạng thu nhập 45 - Thứ hạng bình quân tổng điểm 3 môn: 14); An Giang (41 - 12); Nghệ An (42 - 22); Tiền Giang (30 - 11); Lào Cai (54 - 38); Phú Thọ (31 - 18); Vĩnh Long (44 - 33); Quảng Ngãi (38 - 27).
Ngược lại, một số địa phương có thứ hạng thu nhập bình quân đầu người theo tháng cao nhưng thứ hạng bình quân tổng điểm 3 môn thấp, chẳng hạn: Đồng Nai (4 - 31); Hậu Giang (29 - 54); Thái Nguyên (20 - 43); Quảng Ninh (14 - 35); Bình Phước (19 - 37); Hưng Yên (16 - 34); Tây Ninh (18 - 32); Trà Vinh (39 - 52); Cần Thơ (8 - 21); Kiên Giang (27 - 39)…
Biến động thứ hạng ở một số địa phương
Trong giai đoạn 2021 - 2024, thứ hạng tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ của nhiều địa phương ổn định. Trong đó, Bình Dương 4 năm liền xếp thứ nhất; kế đến là Nam Định, Vĩnh Phúc, TPHCM, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh luôn trong top 10.
Một số địa phương đã cải thiện tốt thứ hạng này trong 4 năm qua, như Trà Vinh (năm 2021: 52, năm 2022: 58, năm 2023: 57 và 2024: 32); Nghệ An (34, 25, 26, 16); Khánh Hòa (36, 21, 30, 22); Thanh Hóa ( 33, 30, 24, 20); Bắc Ninh (16, 8, 6, 5); Hà Tĩnh (21, 22, 12, 11)… Ngược lại một số địa phương tụt hạng, như Tây Ninh (19, 27, 36, 39); Bình Thuận (22, 28, 32, 37); Lâm Đồng (12, 15, 15, 23); Bến Tre (30, 38, 35, 40); Cần Thơ (17, 21, 21, 27); Long An (20, 24, 34, 33); Ninh Thuận (44, 46, 46, 53); An Giang (6, 16, 11, 14).
Giải pháp sau năm 2025
Từ năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc nữa, đồng thời dự kiến quy định miễn thi ngoại ngữ không tính điểm 10 cho điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này công bằng hơn với những học sinh thi môn Ngoại ngữ. Đối sánh môn Ngoại ngữ tương tự như đối sánh như các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Mặc dù không thi bắt buộc, nhưng Ngoại ngữ là môn học bắt buộc, đồng thời hướng đến tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và sử dụng để giảng dạy một số môn học như Toán, Khoa học, Tin học và Công nghệ.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước công nhận giá trị của bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam, Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT tăng cường ứng dụng đối sánh nhằm không ngừng cải tiến chất lượng. Bộ GD&ĐT tiếp tục đối sánh và công bố đầy đủ trung bình điểm các môn, trung bình điểm thi, trung bình điểm học bạ, tỷ lệ trúng tuyển đại học nhập học của tất cả các địa phương, chứ không là 10 địa phương cao nhất và thấp nhất.
Các địa phương, trường học thực hiện kiểm tra, đánh giá theo năng lực học sinh, đánh giá một cách nghiêm túc, công bằng, chính xác, hướng đến “Học thật, thi thật và nhân tài thật”. Qua đối sánh tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và trung bình điểm thi cho thấy, những địa phương đánh giá học sinh càng nghiêm túc thì chất lượng giáo dục càng cao. Bình Dương là địa phương đánh giá học sinh nghiêm túc nhất, chênh lệch giữa học bạ và điểm thi ít nhất, nhờ đó mà tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ luôn đứng đầu cả nước trong nhiều năm.
Hồ Sỹ Anh