“Hiện nay, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,1 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, đời sống người có công không ngừng được nâng lên…”- ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Người có công khẳng định như vậy với Báo Pháp Luật TP.HCM, khi chia sẻ công tác chăm sóc người có công suốt nhiều năm qua.
Những con số biết nói
. Phóng viên: Trong thời gian qua, những chính sách nào đã được chúng ta điều chỉnh, sửa đổi để đáp ứng đời sống của người có công với cách mạng ?
+ Ông Bùi Sỹ Tuấn: Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27-7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong 78 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được triển khai toàn diện, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng.
Ngoài trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, người có công với cách mạng còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, chế độ điều dưỡng hằng năm, ưu tiên trong giáo dục và đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm tiền sử dụng đất… Nhìn chung, chế độ ưu đãi đối với người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện và bao phủ.
Đến nay, chúng ta có thể khẳng định đời sống của người có công và gia đình không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Ông BÙI SỸ TUẤN, Phó Cục trưởng Cục Người có công.
Để làm tốt công tác trên, Bộ LĐ-TB&XH (nay là Bộ Nội vụ) đã tham mưu Ban Bí thư ban hành và triển khai có hiệu quả Chỉ thị 14/2017 của Ban Bí thư về công tác người có công với cách mạng.
Thêm vào đó, bộ cũng tham mưu xây dựng và hoàn thiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện qua 7 lần sửa đổi vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và gần đây nhất là ngày 9-12-2020.
Chính sách ưu đãi người có công cũng từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Cụ thể, từ bảy 7 diện đối tượng người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh 36/1994, đến Pháp lệnh 26/2005 đã mở rộng lên thành 12 diện đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi.
Trong đó, pháp lệnh 26 bổ sung thêm các diện đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân người có công với cách mạng… nhằm đảm bảo xác nhận đúng và không bỏ sót đối tượng.
Chính sách ưu đãi cũng được mở rộng thêm như: Bổ sung chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe (từ năm 1998), trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất… Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng được điều chỉnh tăng theo tỉ lệ tăng mức lương cơ sở.
Những thay đổi nêu trên đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác người có công, phù hợp với mức độ, công lao đóng góp của từng diện đối tượng và sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước qua từng thời kỳ.
Hiện nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM thăm, tri ân các gia đình cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.HCM vào ngày 22-4. Ảnh: HỒNG THẮM
Ngoài ra, chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công luôn được Đảng và Nhà nước xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của từng diện đối tượng và cân đối trong mặt bằng các chính sách nói chung.
Cụ thể, từ năm 1999, mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 292.000 đồng. Tính đến nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mức chuẩn trợ cấp trên được Nhà nước điều chỉnh 16 lần. Đến năm 2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng lên 2.789.000 đồng.
Như vậy, kể từ thời điểm năm 1999 trở lại đây, cùng với lộ trình điều chỉnh mức lương cơ sở thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công luôn được điều chỉnh với mức cao hơn mức lương cơ sở.
Không để sót lọt người có công
.Thưa ông, bên cạnh những công việc trên, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đến nay như thế nào?
+ Sau hơn 8 năm thực hiện Quyết định 408/2017, Bộ LĐ-TB&XH (nay là Bộ Nội vụ) hiện chúng ta đã giải quyết hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng. Trong đó, trình Thủ tướng công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Trong việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, đến thời điểm này, chúng ta chỉ có thể khẳng định được đã giải quyết xong cơ bản hồ sơ tồn đọng. Hiện nay, tại các địa phương vẫn còn một số hồ sơ kê khai là người có công với cách mạng nhưng không có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Ngày 18-4, Công an TP.HCM đến tận nhà gia đình người thân liệt sĩ để lấy mẫu ADN nhằm xác định danh tính liệt sĩ. Ảnh: HẢI NHI
Chiến tranh đã đi qua hàng mấy chục năm, người có công hầu như không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý để làm căn cứ xác nhận và giải quyết chế độ. Đồng thời, việc xác nhận người có công trên cơ sở người làm chứng đã biểu hiện nhiều bất cập.
Cụ thể, một số trường hợp một người đứng ra làm chứng cho hàng chục người mặc dù không cùng cơ quan, đơn vị…. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện có nơi còn có hồ sơ thương binh giả.
Vì vậy, khi thực hiện việc xem xét công nhận người có công theo Quyết định 408, các cơ quan chức năng đều rất thận trọng, cân nhắc hai yếu tố cơ bản: Đảm bảo xác nhận được cho những người có đóng góp thực sự. Đồng thời, phải ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lợi dụng để khai man, giả mạo hồ sơ.
Vì vậy, sau khi giải quyết hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020, Nghị định số 131/2021. Trong đó, chúng ta mở rộng thêm nhiều căn cứ để công nhận liệt sĩ, thương binh trong chiến tranh như căn cứ vào nhà bia ghi tên liệt sĩ, danh sách, sổ quản lý ghi tên liệt sĩ, lý lịch của thân nhân người hy sinh…
Việc điều chỉnh trên của chúng ta nhằm đảm bảo không để sót lọt người có công, đồng thời cũng hạn chế việc khai man, giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi.
. Theo ông, thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để công tác chăm sóc người có công được tốt hơn?
+ Để thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống người có công, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Cạnh đó, tiếp tục nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội…
Kế đến, chúng ta phải cơ bản hoàn thành việc giải quyết tồn đọng trong chính sách người có công, nhất là tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Song song đó, xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ.
Công an TP.HCM phối hợp Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức lấy mẫu ADN cho 64 thân nhân họ ngoại của các liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại Sở Nội vụ vào ngày 18-4. Ảnh: HẢI NHI
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách người có công bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với cách mạng, chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng chính sách để trục lợi, đảm bảo khách quan và công bằng.
Công tác này đảm bảo xác nhận những người có đóng góp thực sự; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lợi dụng để khai man, giả mạo hồ sơ.
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”…
Mục tiêu của chúng ta phấn đấu đến năm 2030 có 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nơi cư trú, 100% xã phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ.
. Xin cám ơn ông!
16 lần điều chỉnh trợ cấp
Năm 2013: Mức lương cơ sở là 1.055.000 đồng thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công là 1.220.000 đồng.
Năm 2017: Mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công là 1.417.000 đồng.
Năm 2019: Mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công là 1.624.000 đồng.
Năm 2023: Mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công là 2.055.000 đồng.
Năm 2024: Mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công là 2.789.000 đồng.
VIẾT LONG