Một góc nhà văn hóa bản Vặn.
Bản nghèo vượt khó
Trở lại bản Vặn những ngày trung tuần tháng 11, dễ dàng nhận thấy những đổi thay trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con vùng cao nơi đây. Những ngôi nhà xây dựng san sát, hệ thống đường giao thông nội thôn đang được đầu tư nâng cấp, cảnh quan môi trường sạch, đẹp, dân bản tích cực chỉnh trang nhà ở, ruộng vườn, cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống mới... Ông Lò Văn Mới, bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận bản Vặn, cho biết: Tuy không thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhưng trước đây bản làng rộng lớn nhưng xơ xác, nghèo khó với những nếp nhà xập xệ, xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn dù chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 5km.
Thời gian qua, nhờ vận dụng sáng tạo và lồng ghép hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư máy móc, nông cụ, tập trung phát triển kinh tế, nhiều gia đình trước kia thuộc diện hộ nghèo nay vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, có điều kiện mua sắm thêm các vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như ti vi, tủ lạnh...
Cánh đồng trồng lúa ở bản Vặn, xã Yên Thắng, Lang Chánh.
Bản Vặn hiện có 339 hộ với trên 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái, nhiều năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn ổn định, người dân cùng nhau đoàn kết, gắn bó, chăm lo phát triển kinh tế. Có được những đổi thay ấy, không thể không nhắc đến ông Lò Minh Pộng. Nhiều năm với vai trò là người có uy tín của bản, ông luôn là cầu nối truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của bà con đến với các cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến thiết thực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương. Bằng vốn hiểu biết về phong tục, tập quán của dân tộc mình, ông còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con phát huy, gìn giữ các giá trị truyền thống, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới... góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ dân trí cho bà con.
Thanh niên tự chủ vươn lên phát triển kinh tế
Ở bản Vặn giờ đây đã xuất hiện thêm các mô hình phát triển kinh tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có một số mô hình do thanh niên làm chủ, mang lại hiệu quả cao, không chỉ giúp thanh niên vươn lên làm giàu, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Sản phẩm muối mắc khẻn Mường Đeng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, cùng khát vọng lập thân lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, sau thời gian tìm hiểu, học tập ở nhiều nơi, năm 2020 anh Ngân Văn Thập (SN 1997, dân tộc Thái) quyết định khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh ăn uống kết hợp làm du lịch theo hướng trải nghiệm. Hiện tại, chàng trai trẻ 9X đang tiếp tục đầu tư làm thêm một số phòng nghỉ bằng tre, luồng, lá cọ và một số hạng mục khác, như: trồng thêm hoa, cải tạo khuôn viên để du khách có chỗ chụp ảnh. Ngân Văn Thập chia sẻ: Bản Vặn có lợi thế về cảnh quan, ẩm thực độc đáo nên du khách đến đây có thể tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cùng người dân, thưởng thức những món ăn mang đậm truyền thống được chế biến từ nông sản thu hái trên rừng, dưới suối.
Ngoài sản xuất gia vị muối mắc khẻn Mường Đeng bằng nguyên liệu sẵn có của địa phương, HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Thắng (có địa chỉ tại bản Vặn) còn thu mua, bao tiêu các sản phẩm thủ công từ mây tre đan của bà con. Hoạt động đã hơn 2 năm, đến nay, cơ sở tạo việc làm, tăng thu nhập cho 7 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Hà Thị Xem (SN 1992), giám đốc HTX cho biết: Năm 2023 hạt muối mắc khẻn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, được bán tại các điểm du lịch, siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu đạt khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.
Ông Lê Hữu Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng khẳng định: Cùng với việc giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định cho người dân thông qua các mô hình sản xuất (đan lát, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất...), những năm qua, bộ mặt nông thôn ở bản Vặn đã khác trước rất nhiều. Người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi, mạnh dạn áp dụng các mô hình mới trong sản xuất. Đặc biệt, với việc thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế ra đời đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hứa hẹn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của bản.
Bài và ảnh: Trung Lê