Tuyến đường nội bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập được bê tông hóa.
Ưu tiên nguồn lực cho các bản
Mộc Châu có đường biên giới giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; có 3 xã biên giới Chiềng Sơn, Lóng Sập, Chiềng Khừa với 10 bản giáp biên. Những năm trước, kinh tế - xã hội ở các bản biên giới rất khó khăn, hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật thiếu; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Nhất là, tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng đó, ngày 11/11/2021, Ban Thường vụ huyện ủy Mộc Châu (nay là thị xã Mộc Châu) đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HU về hỗ trợ, giúp đỡ 10 bản biên giới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xây dựng 10 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại 10 bản; có 2 bản đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; các bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đạt 18-22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,8%.
Tuyến đường bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng.
Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Thị ủy Mộc Châu cho biết: Cụ thể hóa mục tiêu đề ra, thị xã Mộc Châu đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp, lấy phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở, nền tảng, động lực; củng cố hệ thống chính trị cơ sở làm then chốt gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, giải quyết địa bàn trọng điểm về tội phạm, tệ nạn xã hội tại 10 bản giáp biên giới. Tập trung triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng bản; nhất là tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thị xã Mộc Châu đã tập trung xây dựng các công trình thiết yếu, như: Đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi. Đến nay, đã phê duyệt đầu tư 14 công trình, với tổng nguồn vốn gần 35 tỷ đồng; đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 12 công trình; đang tiếp tục thi công 2 công trình đường giao thông bản Suối Thín, xã Chiềng Sơn giai đoạn 2; đường giao thông liên bản Buốc Pát - Phiêng Cài, xã Lóng Sập. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, đơn và đóng góp của nhân dân hoàn thành 12,9 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 6,82 km điện chiếu sáng ngõ xóm, xóa 23/23 nhà tạm, nhà dột nát tại 10 bản biên giới với tổng kinh phí 720 triệu đồng.
Cán bộ xã Lóng Sập tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhân dân bản Phiêng Cài.
Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, các tổ công tác, cơ quan chuyên môn của Thị xã cử cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp các xã hướng dẫn nhân dân cách trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, tổ chức 41 lớp tập huấn cho 736 lượt người tham gia theo hình thức thực địa, “cầm tay chỉ việc” người tham gia, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của các hộ ở bản biên giới. Hỗ trợ, xây dựng 10 mô hình phát triển kinh tế tại 10 bản cho 365 hộ. Đến nay, đã hỗ trợ 11.498 cây chanh leo, 21.500 cây chè, 2.040 cây nhãn, 3.170 cây lê, 419 kg lúa giống, 548 kg giống ngô, 24.270 kg phân bón NPK, 2.240 kg phân đạm, 142 con bò cái, 112 con lợn với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng.
Sức sống nơi biên giới
Trở lại bản biên giới Phiêng Cài, xã Lóng Sập, từ một bản nghèo khó, nay khoác lên một diện mạo mới. Các tuyến đường nội bản được đổ bê tông sạch sẽ, trên những triền đồi là màu xanh của những vườn cây ăn quả và cây chè, xen lẫn là những nếp nhà của đồng bào dân tộc Mông bình yên. Năm 2024, Phiêng Cài là bản biên giới đầu tiên của Mộc Châu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập và Thị đoàn Mộc Châu tặng công trình thắp sáng đường biên cho các bản.
Ông Tráng A Tủa, Trưởng bản Phiêng Cài, phấn khởi nói: Với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, 100% tuyến đường nội bản được bê tông hóa; 1,8 km đường được lắp điện chiếu sáng. Bà con tích cực thâm canh hơn 100 ha ngô, sắn; 33 ha lúa; 32 ha chè; hơn 100 ha cây ăn quả... thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm. Vui nhất, bản không còn hộ nghèo.
Có thể thấy, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU của Đảng bộ thị xã Mộc Châu, các mô hình phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa, khơi dậy sức dân thi đua sản xuất, xóa đói nghèo, chung sức cùng các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương Tổ quốc.
Điểm trường A Lá, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập.
Ánh điện chiếu sáng trên con đường bê tông tại bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, giúp nhân dân đi lại thuận lợi. Ông Giàng A Sợi, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pha Luông, cho biết: Cùng với sự đóng góp của các đơn vị và nhân dân, 3,2 km đường giao thông nông thôn và 1,2 km đường điện chiếu sáng ở bản được thực hiện. Giờ đây, bà con đi lại thuận tiện vào buổi tối và góp phần giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.
Nông dân bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập chăm sóc cây lê.
Đến nay, diện tích cây trồng các loại tại 10 bản biên giới đạt hơn 670 ha, trong đó, 188 ha cây ăn quả; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt gần 23.000, tăng 9.783 con so với năm 2021. Các mô hình chăn nuôi gắn với trồng cỏ, làm chuồng trại được nhân rộng. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt; các bản không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 83,1%, tăng 51% so với trước khi triển khai nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo 10 bản biên giới giảm còn 20%. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, giải quyết địa bàn trọng điểm về tội phạm, tệ nạn xã hội.
Nông dân bản Suối Đon, xã Chiềng Khừa phát triển nuôi gia súc.
Phát huy kết quả đạt được, Mộc Châu tiếp tục huy động các nguồn lực hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại các bản biên giới, làm cho cuộc sống nhân dân nơi phên dậu của Tổ quốc bình yên, khởi sắc.
Huy Thành