Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
8 giờ trướcBài gốc
Ở khu vực phía nam tỉnh Khánh Hòa, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, với nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình, cùng sự đồng hành của chính quyền địa phương, đã đưa những thôn, làng vùng sâu, vùng xa đồng bộ hơn về cơ sở hạ tầng, đời sống người dân không ngừng nâng lên.
Tạo động lực cho người dân vươn lên
Những ngày tháng 7, chúng tôi đến thôn Trà Nô (xã Phước Hà), một vùng đất khô hạn phía nam tỉnh. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn quả tốt tươi rộng 2ha trồng xoài, mít, bưởi, dừa…, ông Tạ Yên Phố cho biết: "Mảnh đất này trước đây do thiếu nước, nhiều cây trồng không thể sống được, do gia đình không có tiền để đầu tư nên bỏ hoang suốt nhiều năm". Năm 2023, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, ông Phố được hỗ trợ 17 triệu đồng, cộng thêm tiền tích lũy của gia đình, ông đầu tư hệ thống đưa nước tưới về vườn cây; đồng thời đào ao chứa nước, lắp hệ thống tưới tiết kiệm. Cùng với đó, ông tìm hiểu đặc tính, kỹ thuật chăm sóc các giống cây phù hợp thổ nhưỡng địa phương để canh tác, như: Xoài, mít, bưởi, dừa, tre tứ quý lấy măng, mãng cầu… Nhờ đó, thu nhập từ vườn cây ăn trái mang lại cho gia đình ông gần 40 triệu đồng/năm.
Một góc xã Anh Dũng. Ảnh: Văn Nỷ
Bà Bùi Thị Duyên Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: "Từ nguồn kinh phí của các chương trình hỗ trợ vùng ĐBDTTS và miền núi, địa phương đã triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đến bà con; điển hình là chuyển đổi từ cây trồng ngắn ngày sang trồng cây ăn trái cho năng suất cao. Đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã chuyển đổi và sản xuất hiệu quả, cho thu nhập ổn định. Từ việc canh tác cây ăn trái đặc thù, xã Phước Hà phấn đấu đến năm 2030 có từ 2 - 3 sản phẩm OCOP".
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 ở khu vực phía nam (tỉnh Ninh Thuận cũ), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 4,66%; thu nhập bình quân đầu người vùng ĐBDTTS và miền núi đạt 32,4 triệu đồng/năm; có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 106 thôn đạt chuẩn nông thôn mới… Tại khu vực tỉnh Khánh Hòa (cũ), đến cuối tháng 4-2025, đã hoàn thành toàn diện xóa nhà tạm, nhà dột nát (sớm hơn thời hạn Chính phủ giao khoảng 6 tháng) cho 1.326 hộ gia đình đủ điều kiện (trong đó, tập trung nhiều ở vùng ĐBDTTS Khánh Sơn, Khánh Vĩnh). Tất cả công trình đều đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng”, diện tích tối thiểu 30m², tuổi thọ hơn 20 năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân.
Trước đây, người dân vùng ĐBDTTS và miền núi phía nam tỉnh có tập tục du canh, du cư, không có nhà ở ổn định nên rất khó khăn để phát triển kinh tế lâu dài. Để giúp người dân an cư lạc nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 523 căn nhà cho 523 hộ nghèo ở các địa phương: Ninh Sơn, Thuận Nam, Thuận Bắc và Bác Ái; hỗ trợ xây dựng 13 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và 142 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, với hơn 1.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia… Hiệu quả từ chương trình đã giúp giảm 1 xã đặc biệt khó khăn; nâng thu nhập bình quân đầu người vùng ĐBDTTS và miền núi tăng 1,3 lần so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4,66%/năm.
Hệ thống giao thông trên địa bàn xã Bác Ái được đầu tư đồng bộ.
Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi
Cùng với việc đồng hành, chăm lo cho đời sống và thúc đẩy phát triển KT-XH, trong giai đoạn 2021 - 2025, các vùng ĐBDTTS và miền núi phía nam của tỉnh cũng được đầu tư xây dựng hơn 70 công trình hạ tầng thiết yếu như: Điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống thủy lợi, chợ… đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống cho bà con. Nhờ đó, tỷ lệ các xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; có 100% thôn và xã vùng ĐBDTTS và miền núi được kết nối điện lưới quốc gia và tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,8%; công trình thủy lợi bảo đảm nguồn nước tưới cho 7.480ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có hơn 1.600ha ở vùng miền núi… Trong 5 năm qua, số lao động là ĐBDTTS được giải quyết việc làm trên 18.532 lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 451 lao động, đạt 100,22% so với kế hoạch.
Một góc xã Phước Hà.
Ông Nguyễn Long Biên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Kết quả đạt được từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đó là, đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH địa phương. Để việc tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 được thống nhất, đồng bộ, phát huy tối đa các nguồn lực và góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tình hình mới, tỉnh đã kiến nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước theo hướng cho phép các địa phương được chủ động điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp giữa các tiểu dự án, dự án thành phần của chương trình phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo thực hiện chương trình một cách hiệu quả nhất. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo sớm phê duyệt, giao kế hoạch vốn giai đoạn 2026 - 2030 cho các địa phương ngay từ đầu giai đoạn để có thời gian chủ động triển khai các nội dung của chương trình và giải ngân nguồn vốn đảm bảo tiến độ đề ra."
MÃ PHƯƠNG - THÁI THỊNH
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/doi-thay-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-8e9598d/