Ấm no trên vùng đất anh hùng
Ông Lê Danh Lăng (SN 1964, thôn Hoàng Yên) có quê gốc ở tỉnh Nam Định. Năm 1977, khi vừa tròn 13 tuổi, ông theo gia đình vào định cư tại Ia Phìn. Thời gian đầu định cư trên quê hương mới, bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn cứ bủa vây lấy gia đình ông cùng nhiều người dân trong vùng.
Năm 1986, khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, người dân địa phương mới bắt đầu tiếp cận với cây cà phê, hồ tiêu. Nhà ông Lăng lúc ấy cũng trồng khoảng 500-600 trụ hồ tiêu. Tuy nhiên, thời điểm này, giá nông sản thấp nên lợi nhuận mang lại cũng không cao.
Năm 2024, gia đình ông Lê Danh Lăng có thu nhập 3,7 tỷ đồng từ vườn sầu riêng. Ảnh: K.L
Ông Lăng kể: Năm 1991, sau khi hoàn thành khóa học, ông làm giáo viên, rồi sau đó lần lượt giữ các chức vụ phó hiệu trưởng, rồi đến hiệu trưởng tại nhiều trường học khác nhau trên địa bàn huyện. Đến năm 2020, ông về hưu và bắt đầu nghĩ đến việc phát triển kinh tế gia đình.
“Sau khi nghỉ hưu, tôi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm qua mạng internet cũng như đi tham quan vườn cây ở các tỉnh khác về áp dụng cho 230 cây sầu riêng của gia đình.
Rồi phong trào trồng cây ăn quả dần phát triển, chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, các quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con trong xã. Tôi cũng thường xuyên tham dự tập huấn để tiếp thu kiến thức mới”-ông Lăng cho hay.
Năm 2022, vườn sầu riêng của gia đình ông Lăng bắt đầu cho thu bói với hơn 9 tấn quả. Năm thứ 2, sản lượng vườn sầu riêng đạt 27 tấn quả và năm vừa rồi tăng lên 42 tấn. Nhờ giá sầu riêng tăng cao nên gia đình ông lãi khoảng 3,7 tỷ đồng.
Trên cơ sở tiềm lực có sẵn, ông Lăng tiếp tục mua thêm 1,8 ha đất, dự kiến xen canh khoảng 260 cây sầu riêng và 1.500 cây cà phê.
Ông Trần Văn Quy (SN 1959, thôn Hoàng Tiên) cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế gia đình với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ 3,2 ha cà phê trồng xen 120 cây sầu riêng.
Ông Quy cho hay: “Hiện nay, vườn đã có 90 cây sầu riêng cho thu hoạch. Bên cạnh đó, tôi còn thuê thêm 5 sào đất để trồng chanh dây và làm đại lý phân phối cây giống chanh dây của Nafoods”.
Một tấm gương khác trong phát triển kinh tế gia đình là ông Nguyễn Văn Hương (thôn Hưng Tiến). 3 ha cà phê của gia đình ông trồng theo tiêu chuẩn 4C nên cho năng suất ổn định. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được gần 15 tấn cà phê nhân. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Với việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm, bà con nông dân ở xã Ia Phìn đã từng bước thay đổi tư duy, chuyển hướng canh tác mới để phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững. Toàn xã hiện còn 135 hộ nghèo và 126 hộ cận nghèo trên tổng dân số 1.750 hộ.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Ông Đào Quang Bình-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn-cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế-xã hội của xã vẫn đang chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa rộng khắp, sản xuất nông nghiệp được tập trung đầu tư theo hướng phát triển bền vững; người dân cũng dần chuyển đổi diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn.
Ngoài tuyến tỉnh lộ 663, nhiều tuyến đường qua địa bàn xã được xây dựng, góp phần tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều hộ dân trong xã đã tự nguyện đóng góp, chung tay xây dựng các tuyến đường dân sinh.
Ông Trần Văn Quy-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hoàng Tiên-cho hay: “Trong 2 năm (2023-2024), thôn đã vận động người dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng để đối ứng làm gần 3,5 km đường giao thông và xây dựng hội trường. Năm nay, thôn đang triển khai xây dựng tuyến đường giao thông dài 850 m đi qua khu vực sản xuất của 30 hộ dân với tổng mức đầu tư 1,9 tỷ đồng”.
Xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) ngày một “thay da đổi thịt”. Ảnh: K.L
Ông Ngô Anh Tuấn-Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Phìn-thông tin: “Hàng năm, UBND xã đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn trong khu dân cư đã được bê tông hóa. Trong đó, hơn 40 km đường giao thông được triển khai xây dựng theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực giáo dục, y tế cũng được xã chú trọng đầu tư. Hiện tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường của xã đạt 100%, trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%. Xã cũng đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 vào năm 2021 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 vào năm 2024.
KIM LINH