Đổi thay ở xã đặc biệt khó khăn Trường Sơn

Đổi thay ở xã đặc biệt khó khăn Trường Sơn
3 giờ trướcBài gốc
Xã Trường Sơn cách trung tâm huyện Lục Nam 24 km. Xã có 10 dân tộc anh em sinh sống ở 13 thôn, bản với gần 1,9 nghìn hộ, khoảng 6,5 nghìn nhân khẩu. Trường Sơn có diện tích rừng tự nhiên rộng 3 nghìn ha, trong đó có gần 1,4 nghìn ha rừng sản xuất.
Lãnh đạo xã Trường Sơn tham quan mô hình sản xuất dược liệu công nghệ cao ở thôn Nhân Lý.
Cách đây khoảng 10 năm, từ thị trấn Đồi Ngô đến trung tâm xã Trường Sơn phải mất cả tiếng đồng hồ. Giao thông trong xã chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, gập ghềnh đồi núi nên người dân đi lại khó khăn. Có những bản từ trung tâm xã đi vào phải mất cả tiếng mới đến nơi. Trường Sơn hôm nay đã có nhiều đổi thay với những con đường bê tông trải dài bên những cánh rừng xanh thẳm.
Đồng chí Hoàng Văn Huy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Để có được kết quả đó, thời gian qua xã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, triển khai tới từng chi bộ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện”.
Năm 2024, Đảng ủy xã tập trung xây dựng 5 mô hình dân vận khéo cấp huyện, 13 mô hình dân vận khéo cấp xã. Tiêu biểu như mô hình vận động xây dựng công trình văn hóa tâm linh của thôn Nhân Lý, Cầu Gỗ; hoạt động phối hợp hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới của thôn Cầu Gỗ; dân vận hiến đất làm đường từ UBND xã đi thôn Vua Bà... Từ đó củng cố khối đại đoàn kết, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người dân.
Trong các tiêu chí giảm nghèo đa chiều, Đảng ủy, UBND xã Trường Sơn quan tâm nâng cao tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh cho người dân. Năm 2024, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh và trung ương phân bổ, xã hỗ trợ 13 hộ xây mới, sửa chữa nhà ở. Từ đầu năm đến nay, xã vận động được hơn 60 triệu đồng, 300 ngày công lao động để hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công khó khăn về nhà ở.
Hằng năm, xã cân đối, lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, công trình thủy lợi. Điển hình như năm 2024, xã phối hợp đầu tư xây dựng 3 công trình với tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng gồm: Kiên cố hóa mương từ đập Xuốm đi cầu Chùa (thôn Đông); kiên cố hóa mương từ cầu Chùa đi thôn Chẳm; bê tông hóa đường liên thôn Tân Thành. Công trình hoàn thành tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp, đi lại thuận lợi hơn.
Khai thác lợi thế vườn đồi, nhiều hộ dân ở xã Trường Sơn trồng sim và sâm nam đã vươn lên thoát nghèo.
Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tiêu chí nâng cao thu nhập, xã triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy thế mạnh của các vùng miền, hướng đến hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Theo đó, xã đã xây dựng vùng trồng dược liệu hỗ trợ các hộ là người dân tộc thiểu số phát triển mô hình gà lai ở các thôn đặc biệt khó khăn gồm: Điểm Rén, Đồng, Lầm, Tân Thành, Trại Ổi, Cầu Gỗ, Vua Bà.
Gia đình ông Phương Văn Thượng ở thôn Trại Ổi được xã hỗ trợ 150 con gà giống lai Hồ, 6 tạ cám và hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi. Sau 3 tháng, gia đình ông thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Tiếp tục nhân đàn, đến nay số lượng gà tại gia đình ông tăng hơn 2 lần. Ông Thượng cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, việc làm và thu nhập bấp bênh. Từ năm 2023, được hỗ trợ nuôi gà, tôi có thêm thu nhập lại dành ra được chút vốn để đầu tư thêm nên cuộc sống dần ổn định, không còn nhiều khó khăn như trước”.
Với mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, giảm tỷ lệ sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu ngành kinh tế, tăng tỷ lệ cơ cấu ngành thương mại dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, UBND xã chỉ đạo, hỗ trợ các hộ thành lập mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như các Hợp tác xã (HTX): Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mai Sưu Trường Sơn; Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn. Hoạt động kinh doanh của các HTX đã thu về hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Qua đó, tạo động lực để các hộ khởi nghiệp, phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống.
Với sự vào cuộc đồng bộ, công tác giảm nghèo ở xã Trường Sơn đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm dần, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Năm 2023, xã còn 93 hộ nghèo (tỷ lệ 5,03 %); 83 hộ cận nghèo (tỷ lệ 4,49 %). Qua đó, giúp xã hoàn thành các chỉ tiêu và về đích nông thôn mới đầu năm 2023.
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu kết thúc năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,03 %, cấp ủy, chính quyền xã Trường Sơn tiếp tục lồng ghép các nguồn lực để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn. UBND xã chỉ đạo các thôn, bản thường xuyên nắm tình hình đời sống người dân; tìm hiểu kỹ từng hoàn cảnh để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn vay từ ngân hàng và vốn hỗ trợ của chương trình MTQG để giúp các hộ nghèo tiếp cận, tăng cường nguồn lực đầu tư sản xuất.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/doi-thay-o-xa-dac-biet-kho-khan-truong-son-163236.bbg