Đổi thay rạng rỡ trên hòn đảo tiền tiêu

Đổi thay rạng rỡ trên hòn đảo tiền tiêu
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc sống mới trên đảo Lý Sơn
Từ cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) ra với đảo Lý Sơn, nếu thời tiết thuận lợi, chuyến đi chỉ kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Song, hôm chúng tôi ra đảo biển động dữ dội, những con sóng bạc đầu cuộn trào không ngừng vỗ mạnh vào mạn tàu, như muốn thử thách ý chí của lữ khách phương xa…
Sau gần 2 tiếng đồng hồ chòng chành trên sóng nước, Lý Sơn hiện ra mờ ảo trong làn sương mỏng, trông như một chiếc vương miện nổi bật giữa biển khơi. Hành trình gian nan ấy mang theo cảm giác như được thiên nhiên mời gọi khám phá một vùng đất kỳ thú, nơi hội tụ vẻ đẹp nguyên sơ và tiềm năng phát triển bền vững.
Nếu như hơn một thập kỷ trước, nhắc đến Lý Sơn là người ta nghĩ đến một hòn đảo xa xôi, thiếu thốn đủ bề, thì nay diện mạo nơi đây đã thay đổi rõ rệt. Ngày nay, đời sống của người dân trên đảo đã đổi thay rõ rệt nhờ những chính sách hỗ trợ và đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Nhìn từ xa, đảo như khoác lên mình một tấm áo mới: những ngôi nhà, trường học, khách sạn khang trang mọc lên san sát; hệ thống cầu cảng, đê biển và đường giao thông được nâng cấp, tạo nên diện mạo hiện đại mà vẫn giữ nét hoang sơ đặc trưng...
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo, ông Trần Văn Nam, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lý Sơn chia sẻ: “Những năm trước đây, cuộc sống của bà con còn rất khó khăn. Nhưng, thời gian gần đây nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, người dân đã có cơ hội đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sắm ngư cụ, cải thiện đời sống. Từ nhà cửa, đường sá, cầu cảng đến các công trình công cộng đều khang trang, hiện đại hơn trước”.
Các chương trình tín dụng chính sách như một động lực đột phá, giúp huyện đảo triển khai hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững. Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn lực, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, Lý Sơn không chỉ giữ vững vai trò chiến lược mà còn dần trở thành một điểm sáng về kinh tế - xã hội giữa trùng điệp của biển khơi.
Hiệu quả từ vốn tín dụng chính sách góp phần xây dựng Lý Sơn ngày càng giàu đẹp
“Đòn bẩy” thoát nghèo
Một trong những bước ngoặt lớn đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân đảo Lý Sơn chính là sự triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Theo ông Đỗ Thành Tân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt Chỉ thị đến từng chi bộ, đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền đưa hoạt động tín dụng chính sách vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; luôn ưu tiên bố trí nguồn lực và giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất.
Đến thăm thôn Đông An Vĩnh - một trong những khu vực có sự chuyển mình rõ rệt nhất, chúng tôi gặp ông Lê Văn Hoàng - Trưởng thôn. Ông cho biết, thôn có hơn 1.780 hộ dân, đa số sống bằng nghề nông kết hợp dịch vụ nhỏ lẻ. Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, mở rộng quy mô kinh doanh, mang lại thu nhập ổn định. Ông Hoàng chia sẻ thêm, bản thân ông và các hội đoàn thể trong thôn thường xuyên rà soát, kết nối bà con với nguồn vốn: “Chúng tôi tổ chức các buổi họp bình xét vay vốn minh bạch, đảm bảo các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đều được tiếp cận nguồn vốn một cách hợp lý. Sau đó, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, hướng dẫn bà con sử dụng vốn đúng mục đích để phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất”.
Tại thôn Đông An Vĩnh, bà Tiêu Thị Ân là một minh chứng sống động cho ý chí vượt khó và tinh thần làm giàu bền vững trên quê hương biển đảo. Sau nhiều năm chật vật với cuộc sống khó khăn, bà mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho các hộ mới thoát nghèo. Khoản vốn này đã được gia đình đầu tư mua sắm lưới cụ, cải thiện phương tiện đánh bắt hải sản… Nhờ sự cần cù và kỹ năng dày dặn, việc khai thác hải sản của bà tiến triển thuận lợi. Thành quả sau những chuyến biển không những giúp gia đình bà Ân cải thiện cuộc sống mà còn có tích lũy mở rộng sản xuất.
Đồng hành với người dân, chính quyền huyện đảo cũng đã có những bước đi đồng bộ trong việc hỗ trợ bà con. Chủ trương hạn chế chăn nuôi, quy hoạch lại đất sản xuất và thúc đẩy ngành dịch vụ - thương mại không chỉ giúp tận dụng tiềm năng du lịch, mà còn đảm bảo tính bền vững cho môi trường. Bên cạnh đó, nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ, góp phần làm thay đổi diện mạo huyện đảo.
Thống kê cho thấy, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ 10.547 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Lý Sơn. Qua đó, 840 hộ thoát nghèo, 1.862 lao động được tạo việc làm, và hàng ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng. Những con số ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi.
Chia tay Lý Sơn khi ánh bình minh vừa ló rạng nơi chân trời, tôi không khỏi lưu luyến trước vẻ đẹp và sự đổi thay của hòn đảo tiền tiêu. Cuộc sống nơi đây, dù đối diện nhiều thử thách, nhưng vẫn tràn đầy niềm tin và khát vọng. Đâu đó, tiếng sóng vẫn rì rào kể chuyện, như lời khẳng định rằng, dù biển khơi có muôn trùng sóng gió, người dân Lý Sơn vẫn không ngừng vươn lên. Trong nỗ lực vươn lên đó, những đồng vốn tín dụng ưu đãi đã không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống, mà còn góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh, quốc phòng.
Nghi Lộc - Bùi Diên
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/doi-thay-rang-ro-tren-hon-dao-tien-tieu-159849.html