Đổi thay vùng cao gió ngàn

Đổi thay vùng cao gió ngàn
4 giờ trướcBài gốc
Nhân dân xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên thu hái chè. Ảnh: PV
Đổi thay rõ nhất ở vùng cao Bắc Yên, phải kể tới những tuyến đường giao thông xưa chỉ đi được một mùa, nay đã được trải nhựa, cùng với những công trình trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ gia đình.
Ông Hờ A Mang, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng, thông tin: Xã được thành lập năm 2008 trên cơ sở tách 4 bản từ xã Tà Xùa; hiện nay, xã có 518 hộ, 3.314 nhân khẩu, trong đó đồng bào Mông chiếm trên 97%. Có đường, có điện, đã tạo động lực thúc đẩy vùng cao phát triển. Xã vận động bà con các bản tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, xã có 228 ha lúa ruộng, 180 ha chè, 270 ha sơn tra, 35 ha quế; một số hộ đã đưa cây lê vào trồng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, từng bước mở rộng quy mô cơ sở chế biến chè, sơn tra, măng ớt và phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch.
Hơn 5 năm về trước, vào mùa mưa, bà con bản Làng Sáng muốn xuống trung tâm xã, thì chỉ có cách duy nhất là đi bộ mất cả ngày đường, kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp. Anh Mùa A Thông, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, chia sẻ: Năm 2019, tuyến đường được đầu tư, sản phẩm nông sản của bà con bán được giá. Ngoài ra, bản được nhà nước hỗ trợ một số giống cây trồng, vật nuôi như chè, thảo quả, táo, bò cái sinh sản cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo.
Còn tại xã Hồng Ngài, quê hương của “Vợ chồng A Phủ”, vùng đất nghèo khó khi xưa, nay có nhiều ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, khang trang; điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, trung tâm xã có nhiều cửa hàng tạp hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu của nhân dân. Anh Lầu A Tủa, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác tiềm năng, giảm diện tích cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả; xây dựng mô hình trang trại, khoanh vùng chăn nuôi, trồng cỏ, từng bước xóa bỏ tập quán thả rông, phát triển chăn nuôi gia súc nhốt chuồng.
Những năm gần đây, kinh tế của Bắc Yên có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện, triển khai các chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế theo hướng liên kết, gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái. Đến nay, huyện có 6.593 ha cây ăn quả; gần 400 ha chè, trong đó có hơn 200 gốc chè di sản; có 44 HTX và 11 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Các chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ. Huyện đã huy động, bố trí hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 4%/năm, hiện còn 28,81%, hộ cận nghèo còn 15,76%.
Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện thông tin: Huyện đang tập trung mọi nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ, phát triển sản xuất, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến, phát triển công nghiệp, dịch vụ và thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Phấn đấu, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20% vào năm 2025.
Bắc Yên giờ đang chuyển mình, đồng bào các dân tộc luôn phát huy tinh thần đoàn kết nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nguyễn Yến
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/kinh-te/doi-thay-vung-cao-gio-ngan-X8fvd1iHR.html